Kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều khu chung cư

Kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều khu chung cư
TP - TS.Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư) cho biết, những ngày vừa qua bà nhận được nhiều mẫu kiến ba khoang do các hộ gia đình ở Hà Nội mang đến nhờ xác định là loại côn trùng gì.

> 'Hung thần' kiến ba khoang đổ bộ Hà Nội

Chung cư Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi kiến ba khoang bắt đầu tấn công. Ảnh: Ngọc Mai
Chung cư Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi kiến ba khoang bắt đầu tấn công. Ảnh: Ngọc Mai.

Anh Nguyễn Văn Hùng (43 tuổi), sống ở tầng 4, chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội bị côn trùng đốt gây bỏng rát. Đi khám bác sĩ chẩn đoán anh bị dị ứng phấn côn trùng.

Anh Hùng cho biết, mấy hôm vừa rồi ở khu vực nhà anh xuất hiện nhiều côn trùng gây ngứa cho người.

Các gia đình xung quanh không dám bật đèn vì côn trùng thấy ánh sáng bay vào bu kín trần nhà, rơi đầy giường chiếu, sàn nhà, dội nước vào côn trùng vẫn sống. Nhiều gia đình gửi con về nhà họ hàng ở khu vực khác, tránh trẻ bị đốt.

Qua xem xét côn trùng, các chuyên gia nhận định đó là loại kiến ba khoang. Đây là loại côn trùng-bộ cánh cứng, họ cánh cụt.

Trên thế giới hiện có khoảng 4.600-5.400 loài, là nhóm côn trùng lớn thứ 2 trong bộ cánh cứng.

Loài kiến này chỉ sống ở các ruộng lúa, vườn cây, bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng, một số sống ở hốc đá vùng ven biển.

Ban ngày, kiến bò và có thể chạy trên mặt nước nhờ có lông. Đêm đến, chúng rất thích ánh đèn màu xanh nê-on nên lao vào.

Trên cơ thể kiến ba khoang có một số loại vi khuẩn cộng sinh kiến ba khoang khi tiết ra chất thì gây kích ứng da cho những người có cơ địa dị ứng với côn trùng khiến sưng, phù, dị ứng, rộp.

Vì vậy, thực chất kiến ba khoang không đốt người mà là do vi khuẩn cộng sinh trên cơ thể kiến gây kích ứng da cho người.

Những người bị đốt thường có cảm giác bỏng rát, rộp lên, có mụn nước hoặc mù tạm thời.

TS. Khoa đang xem những con kiến ba khoang thu được từ nhà dân
TS. Khoa đang xem những con kiến ba khoang thu được từ nhà dân.

Bà Khoa cho hay, cách bố trí đèn, ánh sáng tại các khu đô thị chưa hợp lý về mặt sinh học. Vì thế mỗi khi vào mùa côn trùng sinh sôi (từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 10 hằng năm) côn trùng phát triển mạnh, thấy ánh đèn ưa thích là chúng lao vào.

Ở thời điểm đó, rầy nâu, món ăn ưa thích của kiến ba khoang cũng thường xuất hiện. Tại nhiều nhà khi bật đèn không đóng cửa, kiến lao vào nhà để ăn rầy nâu và đốt người.

Hiện nay, chưa có thuốc diệt tận gốc kiến ba khoang. Theo nghiên cứu của các chuyên gia côn trùng, kiến ba khoang có cấu tạo đặc biệt, hệ thống lỗ thở dọc theo các đốt.

Khi phun hóa chất thì nó ngửi thấy, các lỗ thở đóng lại không thở nữa, kiến lăn ra giả chết, tới cả tuần mới tỉnh lại.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo không nên phun tận diệt kiến ba khoang, vì đây là loại côn trùng có lợi, nó ăn sâu cuốn lá, rầy nâu.

Để phòng tránh bị kiến ba khoang đốt, trẻ em nên tránh xa ánh đèn vào ban đêm, nhất là mùa côn trùng phát triển, khi thấy kiến đậu trên tay áo thì thổi chứ không nên chà xát, vì như vậy sẽ làm bay phấn ra gây ngứa.

Những gia đình sống ở khu đô thị nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng. Đặc biệt nên giảm bớt ánh đèn vào mùa côn trùng phát triển, vì các loại côn trùng nói chung có thể gây kích ứng.

Tại các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn có ánh sáng mạnh ở những vị trí xa nhà dân để thu hút côn trùng và càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng.

TS. Khoa khuyến cáo người dân nên để ý nếu thấy xuất hiện những kiến ba khoang, bọ xít hút máu nên tìm xem ổ ở đâu để loại bỏ. Đây là điều quan trọng vì còn ổ thì vẫn còn côn trùng gây hại cho người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.