Vì sao có hai số liệu?

Vì sao có hai số liệu?
TP - Cả hai số liệu trận động đất hôm 23-9 lúc đầu thông tin mạnh 4,8 độ richter sau đó lại bảo chỉ mạnh 4,1 độ richter đều thấy có ở Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC). Vì sao vậy? Số liệu nào là chính thức, số liệu nào đúng?

> Bắc Trà My lại rung chuyển: Tin số liệu nào?

Chỉ phát chính thức một số liệu

Một mặt thừa nhận cả hai số liệu động đất nêu trên đều có ở Viện VLĐC song, mặt khác, những người có trách nhiệm ở Viện VLĐC khẳng định Viện VLĐC chỉ chính thức phát đi một số liệu.

Đấy là số liệu trận động đất mạnh 4,1 độ richter. “Chúng tôi chưa bao giờ phát đi số liệu 4,8 độ richter”, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, Viện VLĐC, xác nhận.

Theo TS Lê Tử Sơn, Phòng Quan sát Động đất, Viện VLĐC, sự khác biệt giữa hai số liệu động đất 4,8 độ richter và 4,1 độ richter là rất lớn.

“Tôi từng chứng kiến một trận động đất 4,8 độ richter tại Điện Biên. Rung chấn gây phá hủy nhiều nhà cửa trên mặt đất”, TS Lê Tử Sơn nói. “Trong khi đó, biểu hiện rung lắc trên mặt đất và thiệt hại ở vùng Bắc Trà My sau trận động đất ngày 23-9 chưa đạt đến mức ấy”.

Về trình tự xử lý để cho ra số liệu 4,1 độ richter, theo TS Phương, trên cơ sở số liệu thô do phần mềm tính toán tự động, các chuyên gia phải trực tiếp xử lý. Sông Tranh là sự kiện nhạy cảm, việc xử lý được tiến hành thận trọng hơn, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm được mời đến hội chẩn.

TS Lê Tử Sơn cho biết, kết quả cuối cùng phải được người có trách nhiệm thông qua. “Chỉ khi TS Lê Huy Minh, Phó Giám đốc Viện VLĐC, phê duyệt, số liệu ấy mới được coi là chính thức. Bước tiếp theo là công bố trên trang chủ của Viện VLĐC”, TS Sơn giải thích.

Các nhà khoa học cho biết thêm, số liệu chính thức này cũng phù hợp với các số liệu gia tốc ghi được bởi các máy gia tốc đặt tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 và, nhất là, phù hợp với diễn biến thực tế về hậu quả động đất gây ra tại địa phương.

Rò rỉ số liệu giật gân

Vậy số liệu 4,8 độ richter ở đâu ra? 4,8 độ richter là số liệu đầu tiên hiển thị trên màn hình do phần mềm tự động, đặt tại Phòng Quan sát Động đất của Viện VLĐC, xử lý.

Nhưng số liệu ấy không thể công bố được. Theo TS Nguyễn Hồng Phương, phần mềm xử lý số liệu động đất đang dùng tại Viện VLĐC là phần mềm hiện đại; tuy nhiên nó chỉ có thể cho ra được số liệu chính xác nếu thông tin được gửi về từ ít nhất tám trạm quan trắc khác nhau.

“Động đất tại huyện Bắc Trà My hôm qua chỉ nhận được số liệu duy nhất từ trạm Bình Định. Trạm ở Huế không hoạt động nên không có số liệu”, TS Phương nói.

“Do vậy không bao giờ được phép coi đấy số liệu cuối cùng. Các tổ chức nghiên cứu động đất toàn thế giới khi trao đổi thông tin động đất bao giờ cũng có hai số liệu. Một số liệu xử lý tự động bằng phần mềm (automatic processing) và một số liệu xử lý bằng tay (manual processing). Số liệu xử lý bằng tay là dựa trên cơ sở số liệu xử lý tự động và hai số liệu này thường khác nhau đáng kể”.

Tóm lại, 4,8 độ richter là số liệu thô, đầu vào để các chuyên gia công bố một số liệu chính thức. Vậy tại sao số liệu thô ấy được công bố ra ngoài khi chưa có số liệu chính thức?

Câu hỏi này nhận được các trả lời khác nhau từ những người có trách nhiệm nhưng lại giống nhau ở một chỗ: Không tìm ra được người chịu trách nhiệm.

Một chuyên gia động đất đề nghị giấu tên cho hay bản thân ông không tin cả hai số liệu 4,8 độ richter và 4,1 độ richter.

“Chỉ một máy duy nhất ở Bình Định cách 150 km, quá xa vùng động đất Sông Tranh 2, số liệu 4,8 độ richter ấy đúng là khó tin cậy. Nhưng Viện VLĐC xử lý số liệu thô 4,8 độ richter để cho ra số liệu 4,1 độ richter cũng khó tin”, nhà khoa học nhiều năm kinh nghiệm về động đất nói

. “Họ làm gì có số liệu trực tiếp nào để nhận định độ sâu chấn tiêu của trận động đất ngày 23-9 là 6 km cũng như vị trí chính xác của chân tâm động đất”.

Theo ông, ai là người tung tin động đất 4,8 độ richter?

TS Lê Tử Sơn: Tôi chỉ là nhà chuyên môn, chỉ tập trung vào thảo luận số liệu chứ thực tình không để ý.

TS Lê Huy Minh: Hôm qua khi truyền hình Việt Nam hỏi, tôi cũng giải thích rõ với họ 4,8 độ richter không phải là số liệu Viện VLĐC công bố. Còn về việc để thông tin không chính thức rò ra ngoài, chúng tôi phải rút kinh nghiệm.

Nhưng Viện VLĐC có định làm rõ cá nhân nào đã truyền thông tin đó ra ngoài không, có xác định ai đã cung cấp thông tin cho địa phương không?

TS Lê Huy Minh: Chúng tôi không giao cho bất cứ ai thông tin trực tiếp đến tổ chức hay cá nhân nào. Việc quan trọng nhất của chúng tôi bây giờ là sẵn sàng xử lý tốt nhất thông tin các trận động đất sắp tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG