Lão nhạc sĩ Xuân Giao và nỗi đau từ một vụ án kéo dài

Lão nhạc sĩ Xuân Giao và nỗi đau từ một vụ án kéo dài
TP - Cách đây 7 năm, báo TPCN đã từng đăng bài viết về nhạc sĩ Xuân Giao với hành trình hơn 2000 ngày gian nan tranh đấu để giữ lấy mảnh đất của tổ tiên để lại. Đến nay, rất tiếc vụ việc vẫn lùng nhùng dù đã qua hai phiên xử.
Nhạc sĩ Xuân Giao
Nhạc sĩ Xuân Giao.

Xin tóm lược lại câu chuyện như sau: Cụ Trương Xuân Bưu làm nghề dạy học, sinh ra và lớn lên ở Như Quỳnh (Văn Lâm – Hưng Yên). Sinh thời, cụ có hai người vợ: bà cả là Trương Thị Như chỉ sinh được một người con trai là Trương Xuân Lệ; bà hai là Ngô Thị Hải sinh được 10 người con trong đó có con trai cả là Trương Xuân Giao (nhạc sĩ Xuân Giao).

Khi qua đời (năm 1946), cụ Bưu để lại hai mảnh đất vườn hương hỏa ở Như Quỳnh là vườn trong và vườn ngoài.

Vườn trong rộng 1280m2 có nhà, bếp vốn là nơi sinh sống của cả gia đình thống nhất của cụ Bưu cùng hai người vợ – cụ Như, cụ Hải và 11 người con.

Vườn ngoài rộng 605 m2 gồm toàn đất trồng cây ăn quả. Giữa vườn trong và vườn ngoài cách nhau một lối đi chung của làng.

Hai người vợ của cụ Bưu- lần lượt cụ Hải mất năm 1977 và cụ Như mất năm 1980. Cả ba cụ đều không để lại di chúc. Các con cháu của ba cụ đều công tác xa nên nhờ người trong họ trông nom hộ hai mảnh đất trên.

Ngày 16 - 10 - 1983, cả ba anh em trai: Trương Xuân Lệ – Trương Xuân Giao và Trương Ngọc Liên cùng thống nhất viết giấy ký tên bán mảnh đất vườn ngoài với giá 48.000 đồng và chia đều số tiền này cho 10 anh em (trừ liệt sĩ Trương Ngọc Lâm là con trai của cụ Bưu và người vợ hai, hy sinh năm 1967 không có vợ con).

Mảnh vườn cùng ngôi nhà hương hỏa còn lại cả 10 anh em đều nhất trí cùng bình đẳng sở hữu và vẫn phải nhờ người trông nom giúp.

Mọi việc vẫn trôi qua suôn sẻ, cả 10 anh chị em vẫn đoàn kết, vui vẻ. Những dịp giỗ, tết, thanh minh hay sơ tán, các con cháu của 10 người vẫn về ngôi nhà mảnh đất hương hỏa trên để thắp hương, thờ cúng tổ tiên.

Cho đến giữa những năm 90, một số người trong gia đình ông Trương Xuân Lệ muốn biến mảnh đất trên làm của riêng.

Nhạc sĩ Xuân Giao cùng các người em đã rất nhiều lần nói với anh cả Trương Xuân Lệ rằng, đây là mảnh đất của tổ tiên để lại, nếu anh về đó ở, thờ cúng cha ông thì các em hoàn toàn ủng hộ, nhưng không thể biến thành đất của riêng ai đó… Tuy nhiên, ông Trương Xuân Lệ vẫn đi làm thủ tục sở hữu mảnh đất cho riêng mình. Cực chẳng đã, nhạc sĩ Xuân Giao đành phải thay mặt các em viết đơn kiện ra tòa.

Ngày 2-6-2004, với những tài liệu, chứng cứ xác thực, TAND huyện Văn Lâm đã mở phiên tòa sơ thẩm, khẳng định mảnh đất trên là tài sản thuộc sở hữu chung của cụ Bưu và hai bà vợ là cụ Như và cụ Hải. Vì cả ba cụ đã mất không để lại di chúc nên mảnh đất trên phải được chia đều cho 10 người con.

Ông Lệ có đơn kháng cáo. Ngày 18-1-2005, TAND tỉnh Hưng Yên đã xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm chỉ cải sửa phần án phí dân sự đối với bên nguyên đơn.

Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Câu chuyện lẽ ra đã khép lại, song, bất chấp những phân tích thấu tình, đạt lý của hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm, gia đình ông Lệ cùng một vài người vẫn tìm mọi cách để cản trở việc thi hành án. Họ vin vào rất nhiều lý do không hợp pháp.

Câu chuyện lẽ ra đã khép lại, song, bất chấp những phân tích thấu tình, đạt lý của hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm, gia đình ông Lệ cùng một vài người vẫn tìm mọi cách để cản trở việc thi hành án. Họ vin vào rất nhiều lý do không hợp pháp.

Nhân nói về thái độ của gia đình ông Lệ, xin trích nguyên văn nội dung trong một bản án: “Về phía nguyên đơn và các anh em con cháu của nguyên đơn đã đến Tòa đầy đủ để làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Riêng về phía ông Lệ là bị đơn trong vụ án, TAND huyện Văn Lâm đã triệu tập hợp lệ nhiều lần, nhưng ông Lệ vẫn cố tình vắng mặt.

Chị Trương Thị Tố Trinh là con gái ông Lệ trước đây được ông Lệ ủy quyền nhưng nay ông Lệ không ủy quyền cho chị Trinh nữa, mà chỉ có vợ ông Lệ là bà Đỗ Kim Quy đến Tòa nói là ông Lệ ủy quyền cho bà Quy và xuất trình một giấy ủy quyền không hợp lệ. TAND huyện Văn Lâm đã hướng dẫn bà Quy làm lại giấy ủy quyền theo đúng trình tự quy định của pháp luật, nhưng bà Quy cố tình không làm.

TAND Văn Lâm đã yêu cầu được lấy lời khai của bà Quy nhưng bà Quy cũng cố tình không khai báo và bỏ về, sau đó, ông Trương Xuân Lệ đã nhiều lần có đơn khiếu nại.

Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án và Chánh án TAND huyện Văn Lâm đã trả lời nhiều lần bằng văn bản, nhưng phía ông Lệ vẫn tiếp tục có nhiều đơn khiếu nại và cố tình không đến Tòa theo giấy triệu tập và không làm thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật, nên đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra của vụ án.

TAND huyện Văn Lâm đã phải ra quyết định ủy thác điều tra cho TAND quận Hai Bà Trưng – TP Hà Nội để lấy lời khai trực tiếp của ông Trương Xuân Lệ.

Tại Biên bản phản ánh sự việc ngày 25 -12 -2008 của TAND quận Hai Bà Trưng – TP Hà Nội trả lời: đại diện Tòa án và chính quyền địa phương đến gia đình ông Trương Xuân Lệ, ông Lệ có nhà nhưng không mở cửa, không tiếp Tòa án, không cho Tòa án lấy lời khai của ông Trương Xuân Lệ. Do đó vụ án bị kéo dài không tiến hành hòa giải được. Tại phiên Tòa hôm nay, ông Trương Xuân Lệ vẫn vắng mặt không
lý do…”.

Thậm chí, trong án văn còn ghi: Bà Quy, chị Trinh có lúc không thừa nhận và không biết cụ Bưu (là bố chồng, ông nội)?!

Cũng xin nói thêm rằng, sở dĩ, vụ án này kéo dài cho tới nay vẫn chưa kết thúc, một phần vì một số vị “công quyền” chưa làm hết chức năng và phận sự của mình; điển hình có vị khi là phó Chủ tịch thì khai một đằng, khi là Chủ tịch rồi thì lại xác nhận một nẻo làm tốn rất nhiều thời gian cho cơ quan Tòa án và các đương sự.

* *

*

Sau bao nhiêu năm bươn trải trên mọi miền Tổ quốc, để cho ra đời những ca khúc sống mãi với thời gian (Chào sông Mã anh hùng, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ...), đến lúc nghỉ hưu, chưa kịp an dưỡng thì nhạc sĩ Xuân Giao đã buộc phải cuốn theo một cuộc tranh chấp ngoài ý muốn.

Gần hai thập kỉ đã trôi qua! Nhạc sĩ Xuân Giao nay đã qua tuổi 80, vẫn đau đáu một câu hỏi: “Bao giờ vụ án trên cõi tạm này mới kết thúc để ta có thể thanh thản về cõi bên kia mà không phải xấu hổ với Tổ tiên?” Khi biết chuyện này, một vị Luật gia có thâm niên đã khẳng định rằng “Nội dung vụ án này thật ra rất đơn giản và rõ ràng.

Đây là một gia đình thống nhất, cụ Bưu và 2 bà vợ cùng các con đều đã từng sống trên mảnh đất này, cho nên, tất cả các con đều được hưởng quyền thừa kế như nhau. Dù ai có cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian thì mảnh đất trên vẫn phải được chia đều cho 10 người con. Đó là Pháp lý và cũng là Đạo lý. Không ai có thể đổi trắng thay đen được!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.