> Người nghèo vật lộn với giá tăng
Hồng Nga (19 tuổi), công nhân Cty Nissei sử dụng máy giặt trong khu lưu trú. Mỗi tòa nhà trang bị 20 máy giặt hỗ trợ công nhân. Ảnh: Lê Quang Minh. |
Trong khi hàng vạn công nhân ở TPHCM ngày ngày quay quắt kiếm bữa cơm, trang trải tiền phòng trọ, thì công nhân Cty Nissei Electric Việt Nam (NEV-KCX Linh Quang, Thủ Đức) được ở trong những tòa nhà khang trang, tiện nghi.
Nhà lưu trú công nhân được xây dựng trên diện tích 9.400 m2, gồm 3 khối nhà, 1 khối tiện ích công cộng (gồm nhà để xe, căn tin, cửa hàng tạp hóa, phòng internet, phòng karaoke, phòng tập aerobic, sân sinh hoạt, thư viện, sân bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, sân khấu…).
Công nhân Nissei ở trong khu lưu trú an toàn, khang trang. |
Mỗi phòng có đầy đủ giường, quạt được bố trí cho 8 người, đảm bảo không gian ở, sinh hoạt rộng rãi, thoáng mát và tiện nghi.
Ngoài 2 tòa nhà với sức chứa hơn 1.500 người có từ năm 2005, ngày 10-9 vừa qua, tòa nhà thứ 3 được đưa vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư gần 1,4 tỉ USD.
Tổng số phòng của khu nhà lưu trú hiện nay là 285 phòng, có khả năng phục vụ cho 2.280 công nhân.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, nhân viên bảo vệ tại khu lưu trú, làm việc từ ngày công nhân bắt đầu vào ở (15-7-2005) cho biết: “Đội bảo vệ tòa nhà gồm 4 người, chia ca trực 24/24, gồm việc kiểm tra cửa ra vào và tuần tra lưu động trong tòa nhà.
Ngoài ra, chúng tôi phụ trách giữ xe miễn phí cho công nhân và khách, bảo quản máy móc thiết bị, phòng tập aerobic, phòng hát karaoke miễn phí.
Từ khi công nhân vào ở đến nay, trong khu lưu trú chưa từng xảy ra hiện tượng kẻ gian đột nhập. Khách đến thăm đều được đưa lên căng tin đón tiếp”.
Trần Thị Hồng Nga (19 tuổi, quê Trà Vinh), làm công nhân tại đây được hơn 1 năm. Một ngày, Nga làm việc ở công ty 8 tiếng, buổi trưa được nghỉ 1 tiếng. Hôm nào tăng ca, làm 12 tiếng. Từ khu nhà lưu trú, Nga đi bộ qua công ty mất 5 phút.
Ngoài giờ làm việc, Nga đăng ký lớp học võ Taekwondo miễn phí do Công đoàn Cty tổ chức. Buổi tối, Nga cùng các bạn vào thư viện đọc sách, báo hoặc hát karaoke. Mỗi tòa nhà được trang bị 20 máy giặt.
Ngoài ra còn có bình nước nóng lạnh để công nhân nấu mì tôm hoặc pha trà. Mỗi tháng phải đóng 20 ngàn tiền điện nước.
“Sống ở đây gia đình rất yên tâm, ai cũng khuyên em đừng nghỉ việc vì ra ngoài mướn phòng trọ rất khổ”, Nga cho biết.
Thủy, công nhân Cty mua suất cơm ở căn tin với giá 11 ngàn đồng. |
Hơn 2 năm làm việc tại đây, Nguyễn Thị Thủy (22 tuổi) cho biết, chị tiết kiệm được gần 20 triệu đồng tiền thuê phòng trọ.
“Trước mình ở ghép với 2 bạn công nhân, mỗi tháng đóng 700 ngàn đồng cả điện nước. Từ khi vào làm việc và được sắp xếp ở trong khu lưu trú, mình dư thêm một khoản tiền gửi về phụ giúp gia đình. Chưa kể các khoản xăng xe, tiền ăn. Mặc dù tốn kém rất nhiều nhưng cơ thể lúc nào cũng thấy suy nhược, làm việc vài tiếng là chóng mặt”.
Trong khi mỗi suất cơm bán trước cổng KCX Linh Trung có giá từ 15-20 ngàn đồng, chỉ với một ít thức ăn ít ỏi không đảm bảo vệ sinh, thì mỗi phần cơm ở căn tin khu lưu trú chỉ từ 11-13 ngàn.
Anh Minh Quang, nhân viên Tổng vụ Cty cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, Cty thuê người nấu ăn, đồng thời hỗ trợ các khoản cơ sở vật chất như địa điểm, điện nước, ga, dầu… Giá tiền mỗi suất ăn hầu như ngang với giá thực phẩm khi mua về”.
Nhân viên bếp ăn mang đồng phục, đeo găng tay, đội mũ trắng. Bếp ăn có các món cá, thịt, rau xanh phong phú cho công nhân lựa chọn.
Phòng Internet giúp công nhân giải trí sau giờ làm việc. |
Muốn công nhân khỏe mạnh
Hiện Cty có hơn 6.000 công nhân, 3 khu lưu trú đáp ứng nhu cầu của hơn 2000 công nhân, với số lượng còn lại, chị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Cty cho hay: “Cty hỗ trợ 250 ngàn đồng/ người giúp các bạn thuê phòng trọ. Ngoài ra, Cty tặng 100% vé xe cho toàn bộ công nhân về quê ăn Tết, tặng quà cho công nhân không có điều kiện về Tết.
Thường xuyên phối hợp với Công đoàn kiểm tra vệ sinh thực phẩm, thực đơn hàng ngày để đảm bảo bữa ăn công nhân được ngon, đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Định kỳ thứ 6 hàng tuần, Cty tổ chức mời chuyên gia đến tư vấn tâm lý cho công nhân”.
Vừa qua, công nhân nam kiến nghị cho nghỉ phép khi vợ sinh, sau khi Công đoàn phản ánh, ban lãnh đạo Cty đã đồng ý và vẫn cho công nhân hưởng lương trong ngày nghỉ.
Trong năm 2011, Cty tổ chức khảo sát cuộc sống công nhân, và quyết định điều chỉnh lương cơ bản tổng cộng 4 lần cho toàn thể nhân viên. Tháng 6-2012 tiếp tục tăng thêm 300 ngàn.
Chị Hồng Vân cho biết thêm, Công đoàn bỏ ra 20 triệu đồng/quý để thuê thầy dạy võ cho công nhân. 5 lớp thể dục thẩm mỹ cũng thu hút hàng trăm công nhân tham gia. Số tiền 20 ngàn mỗi tháng phải đóng chỉ là tượng trưng và để công nhân cảm thấy có trách nhiệm với tòa nhà.
Ông Masahiro Yamamoto, Quản lý cấp cao phòng Kỹ thuật sản xuất nói: “Ngoài việc chăm lo đời sống, Cty luôn tâm niệm phải có nghĩa vụ đảm bảo các vấn đề an toàn cho toàn thể nhân viên. Chúng tôi luôn mong muốn công nhân được khỏe mạnh”.
Ngoài Cty Nissei, Nhà lưu trú Cty CP thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức phục vụ được 400 công nhân. Acecook cũng có khu nhà lưu trú cho 500 người. Tòa nhà 5 tầng của Cty TNHH Palace Việt Nam chứa được 600 người. Khu nhà lưu trú CN KCN Hiệp Phước có khả năng tiếp nhận và phục vụ hơn 1.100 CN với khu nhà trẻ công lập có thể tiếp nhận 150 bé. Giá thuê phòng nhà lưu trú KCN Hiệp Phước dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng/người/tháng. Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, hiện nhà lưu trú chỉ mới đáp ứng được cho khoảng 10% lượng công nhân đang làm việc tại thành phố. Hầu hết công nhân phải thuê nhà trọ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt luôn thiếu thốn, mất vệ sinh. Cty TNHH Tôm giống Việt Úc (vốn đầu tư nước ngoài) ở tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 200 công nhân, chủ yếu là người địa phương. Cty tổ chức 3 bữa ăn miễn phí và bố trí chỗ ở miễn phí, 4 người một phòng 20 m2. Ông Quách Hớn Khoa, Phó giám đốc Cty, cho biết đã đưa vào sử dụng 16 phòng ở cho công nhân, đang hoàn thiện 36 phòng, với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Đến tháng 10, tất cả công nhân có phòng ở miễn phí. |