Loạn giá thuốc đấu thầu

Loạn giá thuốc đấu thầu
TP - Quy định đấu thầu mua thuốc mới được liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành cách đây hai tháng nhưng vẫn chưa cơ sở y tế nào thực hiện. Tại hội thảo hôm qua ở Hà Nội, quy định cũ đấu thầu mua thuốc được áp dụng mấy năm qua bị cho là có quá nhiều lỗ hổng. Đấu thầu nhiều nơi nhiều lúc làm giá thuốc trở nên hỗn loạn, mà người chịu thiệt cuối cùng là bệnh nhân.

> Tiếp tục mổ xẻ viện phí mới

Hàng hiệu thành hàng thường

Biệt dược gốc là nhóm thuốc tốt nhất và thường có giá cao nhất so với các nhóm thuốc khác. Vậy mà, qua các cuộc đấu thầu ở một số bệnh viện, biệt dược gốc trở nên thứ rẻ nhất.

Bà Nguyễn Thị Yến, Ban Dược thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN), kể chuyện đấu thầu một hoạt chất mang tên Cefuroxime tại các bệnh viện phía Bắc năm 2011.

Kết quả đấu thầu hoạt chất này với tên thuốc Zinacef 750mg tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, là 34.000 đồng/lọ.

Thuốc do hãng GSK, Italia, sản xuất và được xếp vào nhóm biệt dược gốc do đây là thuốc được cấp phép lưu hành lần đầu tiên, trên cơ sở đã có đầy đủ các số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Nhưng cũng hoạt chất ấy với tên thuốc Zyroxim 750mg do hãng Astral của Ấn Độ sản xuất, đấu thầu tại Sở Y tế Hải Phòng, một lọ thuốc kháng sinh có cùng hàm lượng và quy cách đóng gói ấy có giá 42.000 đồng, cao hơn giá biệt dược gốc ở BV Bạch Mai 22%.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (TP Đồng Hới, Quảng Bình), cũng hoạt chất ấy do hãng Deawon của Hàn Quốc sản xuất và mang một cái tên thuốc khác là Wonfuroxin, có giá 43.000 đồng/lọ, cao hơn biệt dược gốc 25%.

Và tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), một lọ hoạt chất này do doanh nghiệp Balkanphar của Bulgaria sản xuất, có giá 48.500 đồng, cao hơn 41%.

Loạn

Không dừng ở đó, nhiều nơi, giá thuốc có cùng nguồn gốc xuất xứ nhưng, qua đấu thầu, lại có giá khác nhau.

Vẫn theo báo cáo kết quả trúng thầu năm 2011, cùng một hoạt chất Acarbose sản xuất tại VN với cùng hàm lượng và quy cách đóng gói, tại Bệnh viện Thống nhất (TPHCM) đấu thầu được với giá 2.982 đồng/viên nén, trong khi tại BV Bạch Mai (Hà Nội) lên đến 4.400 đồng/viên, cao hơn giá ở BV Thống Nhất 47%.

Thuốc có hoạt chất Arginin cũng sản xuất tại VN với cùng hàm lượng và quy cách đóng gói, đấu thầu tại BV Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Đồng Hới) được 650 đồng/viên nhưng tại Bệnh viện C (Đà Nẵng) lại mua qua đấu thầu hết 1.430 đồng/viên, đắt hơn ở BV Việt Nam-Cu Ba 120%.

Rồi cùng một hoạt chất, các cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn, sử dụng nhiều thuốc thành phẩm khác nhau, với giá thành khác nhau, có khi chênh lệch nhau nhiều lần.

Tại Hải Phòng, chín loại thuốc với cùng hoạt chất Arginin trúng thầu, với các mức giá dao động từ 1.100-2.530 đồng/viên, tức chênh nhau nhiều nhất là 2,3 lần. Đặc biệt, 42 loại thuốc với cùng một hoạt chất Cefuroxim trúng thầu với 42 mức giá khác nhau.

Chưa hết, giá thuốc của cùng một thuốc thành phẩm do cùng một cơ sở sản xuất cũng có sự chênh lệch bất hợp lý giữa các cơ sở khám chữa bệnh giữa các tỉnh.

Chẳng hạn, cùng là thuốc Perabact với cùng hoạt chất Cefoperazon do cùng một hãng của Ấn Độ sản xuất, giá trúng thầu ở tỉnh Đồng Tháp là 18.000 đồng/lọ, trong khi ở Cần Thơ là 30.000 đồng/lọ, chênh nhau 66%.

Theo ông Hiếu, Phó Giám đốc BHXH Tỉnh Thanh Hóa, giá thuốc mua qua đấu thầu ở Thanh Hóa năm qua cao hơn các tỉnh lân cận 12-13 tỷ đồng

Thậm chí ngay cửa giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên cùng một địa phương, giá trúng thầu cũng khác nhau.

Chẳng hạn, đều ở Hà Nội, thuốc Redliver cùng hoạt chất Arginin trúng thầu tại BV Nọi tiết Trung ương là 1.500 đồng/viên, trong khi tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác và BV Nội tiết Trung ương là 1.800 đồng/viên, đắt hơn 20%.

Thủng lỗ chỗ

Thuốc thì đắt, viện thì đông Ảnh: Nguyễn Hoài
Thuốc thì đắt, viện thì đông.  Ảnh: Nguyễn Hoài.
 

Các chiêu trò trên xảy ra, theo bà Nguyễn Thị Yến, là Thông tư 10/2007 ban hành năm 2007 “có nhiều lỗ thủng”. Thông tư 01/2012 thay thế Thông tư 10 đã hơn hai tháng nhưng chưa cơ sở khám chữa bệnh hoặc địa phương nào thực hiện.

Điều đó gần như đồng nghĩa các lỗ thủng của thông tư cũ có nguy cơ vẫn bị lợi dụng. Cả nước hiện có 46/63 địa phương tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc tập trung tại sở y tế, chiếm 73% tổng số tỉnh thành cả nước.

Bên cạnh một số ưu điểm, thông tư cũ không cho phép kiểm soát hiệu quả quá trình thực hiện hợp đồng tại các đơn vị cơ sở và khó xử lý khi có bên vi phạm hợp đồng.

Tổ chức đấu thầu riêng lẻ, tức là các đơn vị điều trị tự tổ chức đấu thầu theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị, chỉ có 10/63 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thực hiện. Song hình thức này lại gây nhức nhối nhất với sự lỏng lẻo của Thông tư 10.

 Trước mắt, cần khẩn trương triển khai Thông tư Liên bộ số 01/2012 ban hành cách đây hai tháng mà, về cơ bản, trám được hầu hết các lỗ thủng. Về lâu dài, có lẽ nên học tập mô hình quản lý thuốc các nước, theo đó, nên chăng giao toàn bộ việc đó cho BHXH VN”. 

Theo ông Nguyễn Quang Ân, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, riêng các bệnh viện công ở TPHCM đã tiêu thụ lượng thuốc bằng 1/3 tổng lượng thuốc cả nước. Nếu cộng Hà Nội và TP HCM với nhau, nhóm hai đô thị này xài 60% tổng lượng thuốc toàn quốc.

Vậy mà, mấy năm qua, tại các cỗ máy cái ăn thuốc không lồ trên, tràn lan cảnh mỗi cơ sở điều trị tổ chức mỗi kiểu hội đồng đầu thầu khác nhau, làm tăng chi phí đấu thầu, tăng giá thuốc, đổ hết lên đầu bệnh nhân.

Giá thuốc mỗi hội đồng không thống nhất, khiến cho không đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh ở các bệnh viện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.