Giơ cao đánh khẽ?

Giơ cao đánh khẽ?
TP - Hàng loạt công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn Hà Nội buộc phải “cắt ngọn” được xác định là do cán bộ dung túng, buông lỏng quản lý. Thế nhưng, việc xử lý cán bộ liên quan liệu có giơ cao đánh khẽ bởi không ít trường hợp hiện vẫn vô can.

> Hà Nội bùng phát xây nhà sai phép

Công trình 33 Nguyễn Trãi bị “cắt ngọn” 3 tầng nhưng cán bộ phường vẫn vô can
Công trình 33 Nguyễn Trãi bị “cắt ngọn” 3 tầng nhưng cán bộ phường vẫn vô can.

Sau nhiều tháng trời vận động không thành, ngày 7-8 vừa qua UBND quận Thanh Xuân buộc phải huy động một lực lượng hùng hậu để tổ chức cưỡng chế “cắt ngọn” 3 tầng đối với công trình tại số nhà 33 đường Nguyễn Trãi thuộc phường Khương Trung. Đây là toà nhà cao 7 tầng nằm giữa khu Ngã Tư Sở.

Theo ông Đặng Hồng Thái- Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, việc “cắt ngọn” công trình này còn nhằm cảnh báo các chủ công trình xây dựng không phép, sai phép khác.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở cạnh công trình cho rằng, nếu chính quyền sở tại kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ đầu sẽ không có việc sai phạm trên.

“Phường, quận đã buông lỏng quản lý. Họ nắm sự việc, xử lý vi phạm nhưng không làm triệt để. Nếu làm dứt khoát, kiên quyết thì không có chủ đầu tư nào dám liều. Để chủ công trình xây xong rồi mới cưỡng chế có phần trách nhiệm của chính quyền phường sở tại” - Ông Hoàng Bình ở phường Khương Trung nói.

Lý giải điều này, ông Đặng Khánh Hoà - Chủ tịch UBND phường Khương Trung cho biết, ngay từ đầu phường đã phát hiện ra vi phạm và đình chỉ nhưng chủ công trình không chấp hành và thi công lén lút. Điều đáng nói, trong vụ sai phạm này đến nay không cán bộ nào của phường quản lý lĩnh vực này bị xử lý về trách nhiệm.

“Phải cưỡng chế cắt ngọn 3 tầng của công trình, nhưng theo thẩm quyền, quy trình thì các cán bộ liên quan đều làm trọn trách nhiệm của mình nên không bị đề nghị xử lý” - một lãnh đạo phường Khương Trung nói.

Có giơ cao đánh khẽ?

Trước đó không lâu, cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, dư luận bất bình trước việc dự án chung cư Sakura Tower tại số 47 phố Vũ Trọng Phụng xây đến tầng 21 mới phát hiện ra là chưa có giấy phép. Hiện công trình mới được cấp phép thi công trở lại, nhưng việc xử lý cán bộ liên quan vẫn bí ẩn.

“Sau vụ công trình 47 Vũ Trọng Phụng xây chưa có giấy phép, quận cũng đã yêu cầu các cán bộ liên quan làm kiểm điểm và đã có hình thức xử lý rồi. Còn xử lý như thế nào phải hỏi quận. Nói chung là ở hình thức khiển trách và cảnh cáo” - Ông Trịnh Bá Uy - Chánh Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho biết.

Trao đổi với PV, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực khẳng định: “Chúng tôi có bộ phận giám sát, yêu cầu các quận làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Sau khi tập hợp các báo cáo của các quận, chúng tôi sẽ công khai các cán bộ bị xử lý”.

Công trình sai phạm số 55A-55B phố Bà Triệu-quận Hoàn Kiếm (giấy phép 9 tầng xây thành 13 tầng), được đánh giá là nghiêm trọng có sự dung túng, tiếp tay của cán bộ nhưng việc xử lý cán bộ chỉ vẫn ở mức là khiển trách hoặc cảnh cáo.

Cụ thể, theo quyết định của UBKT Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đình Tĩnh-Chánh Thanh tra xây dựng quận nhận mức khiển trách với sai phạm do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản ly.? Ông Vũ Tuấn Trung, Phó Chánh thanh tra xây dựng quận nhận mức cảnh cáo.

Một vị ở Ủy ban kiểm tra (UBKT) quận ủy Hoàn Kiếm cho biết thêm: “Với các hình thức kỷ luật này 4 vị cán bộ trên vẫn tại vị nhưng sau một năm mới được xoá án. Có nghĩa họ vẫn đương chức nhưng trong một năm này sẽ không được đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ mới”.

Quận Hai Bà Trưng là nơi có nhiều công trình buộc phải “cắt ngọn” trong đợt này, tuy nhiên việc xử lý các cán bộ liên quan cũng rất chậm chạp so với yêu cầu của thành phố.

“Đúng là việc xử lý chậm so với yêu cầu của Thành ủy. Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan các công trình vi phạm. Tinh thần chỉ đạo xử lý là nghiêm khắc, đúng quy định pháp luật”-Ông Bùi Khắc Lý - Chủ nhiệm UBKT quận ủy Hai Bà Trưng cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG