Chưa có bằng chứng khoa học điện thoại khiến cây xăng nổ
Thông tin sử dụng điện thoại di động khi đổ xăng có thể khiến cây xăng cháy, nổ cho đến nay vẫn chỉ là tin đồn, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào.
Người dân sử dụng điện thoại ở cây xăng tại vòng xoay Lý Thái Tổ và Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng. |
Nếu ai sử dụng email thì sẽ thấy lâu lâu trong hộp thư của mình có một email lạ với nội dung kể về ba trường hợp điện thoại di động gây cháy nổ ở cây xăng.
Trường hợp thứ nhất là một chiếc điện thoại di động được để trong cốp xe, khi chủ nhân đang bơm xăng thì điện thoại reng và bỗng nhiên làm cây xăng phát nổ.
Trường hợp thứ hai nói về một người vừa bơm xăng vừa nghe điện thoại và làm trụ bơm xăng phát cháy.
Trường hợp thứ ba nói về một người đàn ông đang bơm xăng, điện thoại để trong túi quần của ông reng chuông, thế là ngọn lửa làm ông phỏng đùi, mông... Những email này người ta gọi là “hoax email”, tức là những email nói chơi chứ không có bằng chứng khoa học.
Cục An toàn giao thông vận tải Úc đã lật lại hồ sơ của 243 vụ cháy nổ cây xăng trên khắp thế giới xảy ra trong vòng 11 năm từ 1993-2004 và không tìm thấy vụ nào có sự “nhúng tay” của điện thoại di động. Còn Hiệp hội Viễn thông di động Úc khẳng định không có sự liên hệ giữa các vụ cháy nổ cây xăng với điện thoại di động.
Câu trả lời cũng được ông Robert Renkes, vốn là người phát ngôn của Viện Xăng dầu Hoa Kỳ, nói chắc như đinh đóng cột: “Chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ vụ cháy nổ tại cây xăng nào do điện thoại di động gây ra”. Những show truyền hình thực tế tại Mỹ cũng cố gắng dùng điện thoại di động để làm cháy một căn phòng chứa đầy hơi xăng nhưng tất cả đều thất bại.
Về mặt lý thuyết, khả năng gây cháy tại cây xăng của điện thoại vẫn có thể xảy ra. Năng lượng cần thiết cho một tia lửa để đốt cháy hơi xăng là 0,2 mJ. Trong khi năng lượng có trong một điện thoại di động được nạp đầy pin cao hơn gấp 5 triệu lần. Tuy nhiên khả năng gây cháy thì rất khó vì điện thoại di động không được thiết kế nhằm để phát lửa.
Loại pin lithium có thể phát nổ khi đang cắm điện để sạc nếu cấu trúc bị lỗi, tuy nhiên chẳng có ai nghe điện thoại di động tại cây xăng trong lúc sạc pin. Các thiết bị điện tử nội bộ của điện thoại có thể bị hỏng và phát ra tia lửa, nhưng tia lửa này rất nhỏ, khó có thể kích hoạt được. Nếu quá chú trọng đến nguồn điện năng từ pin của điện thoại cũng đừng quên nguồn điện đang ở máy iPod, iPad, laptop... trong cặp táp của người đổ xăng. Và nhất là cũng đừng quên cục pin “chà bá lửa” nằm trong xe máy và xe hơi.
Vậy còn điện trường thì sao? Điện trường từ điện thoại di động được đo từ 2-5 V/meter.
Cường độ này được cho là có thể làm thay đổi kết quả các máy đo tim và gây ảnh hưởng đến các thiết bị, linh kiện điện tử trên máy bay. Tuy nhiên điện trường của điện thoại di động chưa được ghi nhận là có thể gây ra ngọn lửa để làm cháy cây xăng. Tại Anh, có khoảng 200 trạm xăng gần những tháp sóng điện thoại di động. Dĩ nhiên những tháp sóng này nếu nguy hiểm cho cây xăng thì sẽ nguy hiểm hơn gấp triệu lần chiếc điện thoại di động. Thế nhưng 200 cây xăng này vẫn bình yên vô sự.
Tuy nhiên, không sử dụng điện thoại chỉ vài phút khi đổ xăng có lẽ cũng không có gì là quá ghê gớm. Nhất là trong bối cảnh thị trường điện thoại di động ở nước ta còn không ít sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.
Nguyễn Bá Huy Cường - ĐH Murdoch, Úc
Theo Tuổi Trẻ
Chưa xử phạt vì đang chờ thông tư hướng dẫn Ngày 5-8, thời điểm nghị định 52/2012 của Chính phủ (thay thế nghị định 123/2005) quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) bắt đầu có hiệu lực, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết vẫn chưa xử phạt vì đang chờ thông tư hướng dẫn. Theo nghị định 52, đối với hành vi sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng, mức phạt nặng nhất lên đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hề biết, trong khi các đại lý xăng dầu vẫn cứ phải... nhắc nhở như cũ. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các cây xăng đều đã có gắn bảng cấm nghe điện thoại nhưng nhiều người vẫn cứ vô tư “alô” khi đang đổ xăng. Một ca trưởng ở cửa hàng xăng dầu trên đường Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay từ sáng đến 13h ngày 5-8, nhân viên đã nhắc nhở vài trường hợp vừa đổ xăng vừa “alô”, và cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào đến xử phạt các trường hợp này. Ông cho rằng nhiều người còn khá lạ lẫm với thông tin nghe điện thoại ở cây xăng có thể bị phạt tới 5 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực, hầu hết chỉ có các nhân viên bán xăng là được phổ biến để tuân thủ, trong khi nhiều người dân vẫn còn rất mù mờ về việc sử dụng điện thoại ở cây xăng lại có thể gây ra cháy nổ. Một cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) photo luôn số báo Tuổi Trẻ ngày 1-8 có thông tin về nội dung xử phạt khi sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng đem dán khắp các trụ bơm để cảnh báo khách hàng. “Nhiều người đọc bài báo dán trên trụ bơm rồi vẫn thắc mắc nghe điện thoại có gì đâu mà lại bị phạt dữ vậy”, cửa hàng trưởng ở đây nói. Theo S.Lâm - N.Khải |