Ngư dân Việt vẫn vững vàng

Ngư dân sẵn sàng ra khơi Ảnh: Nam Cường
Ngư dân sẵn sàng ra khơi Ảnh: Nam Cường
TP - Nhiều ngư dân miền Trung khi được hỏi đều không hề nao núng trước chuyện 23.000 tàu cá Trung Quốc bắt đầu tràn ra đánh bắt ở biển Đông.

> Luật Biển là cơ sở vững chắc để bảo vệ chủ quyền

Hành xử ngang ngược

Lão ngư Nguyễn Văn Trọng, người giã từ nghề biển cách đây vài năm, hiện giao tàu cho con rể chạy lưới vây ngư trường Hoàng Sa, nói: "Đây không biết là lần thứ bao nhiêu phía Trung Quốc ngang nhiên cấm biển rồi lại dỡ bỏ.

Họ cấm vùng biển của họ ở Hải Nam đã đành, cấm luôn ngư trường Hoàng Sa rồi vin vào đó thường xuyên dọa nạt, đẩy đuổi ngư dân mình".

Trên 35 năm làm thuyền trưởng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, thì khoảng 10 năm gần đây nhất, chuyến ra khơi nào ông Trọng cũng đụng không tàu hải giám thì tàu chiến, ngư dân Trung Quốc.

Trung Quốc vừa rồi dỡ lệnh cấm đánh bắt, xua hàng ngàn tàu cá của họ tiến ra biển, nhưng với ngư dân nước ngoài, họ vẫn ngang ngược giữ nguyên lệnh cấm.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Thương, sau chuyến đi biển dài 18 ngày gần đây nhất, cho biết: "Ngày nào cũng thấy tàu chiến của họ, từ hải giám đến ngư chính quần thảo liên tục. Rồi trực thăng hộ tống trên không, bay phành phạch ngay trên tàu mình. Sau này, hỏi anh em Quảng Nam, Quảng Ngãi mới hay, họ tăng cường xua đuổi ráo riết là nhằm dọn dẹp ngư trường cho hàng ngàn tàu của họ ra khơi”.

Theo nhiều ngư dân Thanh Khê, sử dụng trực thăng hộ tống tàu hải giám là chiêu của Trung Quốc thời gian trước, còn gần đây, có khi đến 2 trực thăng bay là là trên không, theo đuôi tàu dọa nạt ngư dân Việt Nam, cứ khoảng 2 ngày xuất hiện một lần.

dân Trương Văn Hay, người từng bị trực thăng Trung Quốc áp sát ở Hoàng Sa, kể: "Trước chỉ tàu ngư chính hoặc hải giám bắc loa xua đuổi. Nay thì họ áp sát, dùng vòi rồng phun nước. Rồi mới đây lại đến trực thăng, không những một mà 8 chiếc thành từng cặp, áp sát khoảng 20 phút lại tản ra. Liên tục mấy ngày như thế".

Can đảm

Mặc dù những ngày qua đến kỳ sáng trăng, nhưng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đội lưới vây và lưới cản của ngư dân Đà Nẵng đã ra khơi đến 80%, số còn lại cũng bắt đầu chuẩn bị nhu yếu phẩm để khởi hành.

Thuyền trưởng Lê Văn Chiến, nói: Ngư dân Trung Quốc trước đây thường đánh ở vùng biển Trung Sa, nhưng gần đây, họ đã bắt đầu tỏa ra, xuất hiện ở toàn bộ các ngư trường.

"Trước đây, ở vùng biển chung, ngư dân Trung Quốc thường ngang ngược nhất so với sự hiền hòa của Philippines, Malaysia hay Việt Nam, nhưng đúng là gần đây, ngay cả ngư trường mình ở Hoàng Sa họ cũng bắt đầu ỷ thế, không coi ai ra gì".

Anh Chiến cho biết, khoảng 2 ngày nữa, khi tiếp đủ lương thực, nhiên liệu tàu anh sẽ ra Hoàng Sa. Thuyền trưởng Võ Văn Tươi cũng đang đợi qua ngày 15 âm lịch để khởi hành.

"Mua tàu rồi, không thể nằm nhà được, họ có ra hàng chục ngàn tàu chứ hàng trăm ngàn thì cũng thế thôi, về độ lỳ và kinh nghiệm thì họ không bằng mình, nhưng khổ nỗi là tàu họ lớn quá, nên giành ngư trường là họ ăn đứt. Ta chỉ dựa vào kinh nghiệm và can đảm là chưa đủ”.

Tàu anh Tươi chỉ có mã lực 280CV nhưng mấy chục năm nay vẫn hoạt động ở xung quanh Hoàng Sa.

"Mình không sợ, cứ 360 độ xoay quanh Hoàng Sa mà hoạt động, đó là ngư trường của Việt Nam. Nhưng tàu Trung Quốc lớn lắm, nên họ hoạt động rất hiệu quả. Sóng to gió lớn họ vẫn đứng, mình thì phải tránh. Ngoài ra, khi họ hoạt động thường có hải giám bảo kê".

Theo Thiếu tá Trần Công Thành - Phó tham mưu trưởng BĐBP Đà Nẵng, trong số hơn 140 tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng, hiện phần lớn đã ra khơi, số còn lại cũng đang chuẩn bị xuất bến.

Việc Trung Quốc xua 23.000 tàu cá ra biển Đông nói chung không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý bà con ngư dân. BĐBP Đà Nẵng thường xuyên vận động, tuyên truyền bà con yên tâm đánh bắt vùng biển thuộc chủ quyền của mình, không sợ sệt gì cả.

Ngày 3-8, Hội Nghề cá Việt Nam có tuyên bố khẳng định: Việc hàng vạn tàu cá Trung Quốc tổ chức đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, là hành động xâm lược của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Hội Nghề cá Việt Nam kêu gọi hội viên, ngư dân cả nước yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG