> Tư liệu cổ Trung Quốc ghi nhận : Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Ngay đến “Trung Hoa dân quốc toàn đồ” vẽ trong khoảng thời gian 1911-1949, cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa !
Từ trên 300 năm trước, chính thiền sư kiêm nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc Thích Đại Sán, sau hai năm trời (1694-1696) chu du khắp xứ Đàng Trong của Việt Nam, trong cuốn “Hải ngoại kỷ sự”, nhiều chỗ đã thẳng thắn khẳng định chủ quyền của Đại Việt đối với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Thế nhưng, Trung Quốc hiện nay đang khiến cả thế giới bất ngờ về tham vọng và thái độ bất chấp mọi luật lệ lẫn thông lệ quốc tế, bất chấp mọi bằng chứng lịch sử rành rành của chính họ để quyết độc chiếm toàn bộ biển Đông.
Mức độ leo thang gần nhất là lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” rộng tới 2,6 triệu km2 ôm gần trọn biển Đông, xây dựng bộ máy quân sự khổng lồ tại đây.
Đặc biệt, không riêng các nước Đông Nam Á, mà ngay Nhật Bản và cả Nga cũng bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền và xâm phạm biển đảo. “Thùng thuốc súng Tam Sa” trao vào tay những người vô trách nhiệm đang khiến cả thế giới lo lắng.
Thích Đại Sán từng có đôi câu đối nổi tiếng thể hiện tư tưởng “Nho Phật nhất trí” rất mới. “Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tống yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại – Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đố, khủng cụ bất văn” (Cửa Phật giới luật, nhà Nho trung dung, cốt ở thành ý tu thân, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chính trực – Quân tử cơ vi, thiền sư nhập định, đều để minh tâm kiến tánh, bởi vì răn chỗ chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe”.
Cũng vì đụng phải những kẻ “chẳng thấy, chẳng nghe”, nên khi về lại quê nhà, thiền sư bị quan lại đương thời bắt bớ, dẫn giải khiến phải chết trên đường đi.
Sau hàng loạt phản đối của các học giả, nhà báo Trung Quốc về chính sách biển Đông của lãnh đạo nước họ, mới đây nhất, sau sự kiện Việt Nam công bố “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Bản đồ các tỉnh của Trung Quốc, được vẽ thời nhà Thanh – 1904), hàng loạt báo chí Trung Quốc đã tường thuật rất cụ thể, được đông đảo người dân nước này quan tâm, chia sẻ. Rõ ràng, người Trung Quốc không phải ai cũng bị che mắt, bịt tai trước sự thật.
Thế giới hiện đại thời nay không cho phép những sự thật bị che giấu, khuất tất. Nhiệm vụ sống còn của mọi quốc gia trên thế giới này, trong mọi tương hỗ lẫn tranh chấp, đó là tất cả cùng phải thấy, phải nghe, phải hiểu biết, để cùng tuân thủ pháp lý và đạo lý, mà một đất nước được coi là “cường quốc” như Trung Quốc càng không được quyền ngoại lệ.