> Tận thấy lâm tặc 'khoắng' gỗ quý trong rừng đặc dụng
> 'Máu' rừng vẫn chảy vì lợi nhuận ngang... ma túy
> Phá rừng, đánh bạc trên đỉnh núi
Gỗ nghiến được lâm tặc tập kết tại khu vực rừng đặc dụng ở xã Sảng Mộc (Võ Nhai, Thái Nguyên). |
Kiểm tra
Sau khi Tiền Phong có loạt bài phản ánh về nạn lâm tặc phá rừng nghiến tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, ngày 21-7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long thành lập và trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra.
Đoàn đến hiện trường khu vực rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai), tận thấy gỗ nghiến bị "xẻ thịt" và những cung đường gỗ lậu của lâm tặc.
Ngay sau đó, ông Dương Ngọc Long tổ chức họp khẩn để chỉ đạo các cơ quan liên quan gấp rút khắc phục hậu quả, nhanh chóng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Đặc biệt là nhanh chóng làm rõ việc một số cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc tàn sát gỗ rừng, báo cáo về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất để có hình thức xử lý cụ thể.
Trước đó, Cục Kiểm lâm cũng đã có Công văn giao Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên làm rõ: Diễn biến chi tiết của vụ việc phá rừng tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, trong đó cần nêu rõ khối lượng lâm sản thiệt hại, các biện pháp ngăn chặn; Việc rà soát bố trí cán bộ và xử lý đối với những tập thể, cá nhân có dấu hiệu sai phạm…; Tổ chức làm rõ những nội dung báo chí nêu, báo cáo về Cục kiểm lâm trước ngày 25-7-2012.
Mạnh tay
Ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng Thanh Tra, Pháp chế Cục Kiểm Lâm (Tổng Cục Lâm Nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, cần có biện pháp xử lý thật mạnh đối với những trường hợp kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc.
“Không chỉ có cảnh cáo, nếu người có chức vụ thì phải cách chức, nếu có cơ sở khẳng định tiếp tay cho lâm tặc thì phải buộc thôi việc, chứ không thể để năm nay chỗ này vi phạm, xử lý rồi năm sau lại chỗ kia vi phạm. Chỉ luân chuyển vị trí, công việc như thế sẽ nhờn thuốc. Không được nể nang, phải xử lý thật mạnh tay mới răn đe được” –Trường phòng Thanh tra, Pháp chế Cục Kiểm lâm nói.
Về việc tàn phá rừng bằng cưa xăng, theo ông Trinh, năm 2010, Cục kiểm lâm đã ban hành văn bản quản lý cưa xăng.
Theo đó, mức phạt áp dụng khi bắt giữ đối tượng sử dụng cưa xăng trái phép từ 1 - 2 triệu đồng/chiếc.
Khi phát hiện lâm tặc mang cưa vào rừng, kiểm lâm phải xử lý ngay. Nhưng thực tế, cho đến nay việc xử lý, thu giữ cưa xăng còn ở mức rất hạn chế. Cũng không thể thống kê bao nhiêu vụ lâm tặc mang cưa vào rừng bị xử lý.
Liên quan đến loạt bài phản ánh tình trạng “nghiến tặc” ngang nhiên phá rừng già tại Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) có dấu hiệu tiếp tay của một bộ phận cán bộ kiểm lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải báo cáo về vấn đề trên với Phó Thủ tướng trước ngày 10-8-2012. |