Dự án cao ốc đánh bật người lao động?

Dự án cao ốc đánh bật người lao động?
TP - Việc Cty Lương thực cấp I Lương Yên đề nghị TP Hà Nội cho chấm dứt hoạt động bến xe Lương Yên từ ngày 1-7 để bàn giao mặt bằng xây dựng tổ hợp chung cư cao tầng đang làm cho nhiều người lao động tại đây lo lắng.

> Chưa đóng cửa bến xe Lương Yên

Người lao động lo lắng về công việc sau khi bến xe thành cao ốc
Người lao động lo lắng về công việc sau khi bến xe thành cao ốc.

Khi bến xe thành dự án chung cư

Năm 2004, bến xe Lương Yên nằm trên đường Nguyễn Khoái (vành đai 2) thuộc địa bàn phường Bạch Đằng-quận Hai Bà Trưng đã được đầu tư cơ sở vật chất để trở thành bến xe loại 3.

Tuy nhiên, giờ đây bến xe Lương Yên bị xoá sổ để phục vụ cho dự án xây dựng nhà cao tầng thay vì mục đích ban đầu là di dời nhằm giảm ùn tắc và chất tải ở khu vực nội.

Khu đất trên 26 nghìn m2 tại số 3 Lương Yên mà bến xe Lương Yên đang hoạt động tiền thân là của Nhà máy xay Lương Yên (đã có truyền thống hoạt động trên 50 năm).

Hiện mảnh đất này do Cty Lương thực cấp I Lương Yên quản lý. Từ một đơn vị độc lập đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tháng 6-2010, Tổng Cty Lương thực miền Bắc đã có quyết định thành lập chi nhánh của mình tại Hà Nội trên cơ sở chuyển đổi và sắp xếp lại Cty Lương thực cấp I Lương Yên.

Lúc này, Cty Lương thực cấp I Lương Yên là đơn vị hạch toán kinh tế phụ thuộc của Tổng Cty lương thực miền Bắc.

Chính vì vậy, việc liên kết với các đối tác là Cty CP hạ tầng và BĐS Việt Nam và Cty CP xây dựng đầu tư BĐS Việt Minh Hoàng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp công trình văn phòng thương mại, chung cư cao tầng với tổng mức đầu tư 928 tỷ đồng..., tại mảnh đất số 3 Lương Yên của Cty Lương thực cấp I Lương Yên đều do Tổng Cty lương thực miền Bắc quyết định.

Theo ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Lương thực miền Bắc thì liên danh chủ đầu tư dự án tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên đã có cuộc họp về tình hình triển khai dự án, trong đó các bên đã thống nhất không tiếp tục xin gia hạn cho bến xe nhằm tạo điều kiện mặt bằng xây dựng.

Chính vì vậy, mới đây, Cty Lương thực cấp I Lương Yên (đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên) đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội xin chấm dứt hoạt động của bến xe tạm này kể từ ngày 1-7 để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư - Tổng Cty Lương thực Miền Bắc xây dựng công trình hỗn hợp.

Điều đáng nói, khu đất “vàng” trên 26 nghìn m2 tại số 3 Lương Yên được UBND TP Hà Nội quyết định cho phép Tổng Cty lương thực miền Bắc chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp công trình.

Mang tiếng là dự án đầu tư tổ hợp công trình có chức năng làm bãi đỗ xe cao tầng nhưng trong hơn 26 nghìn m2 đất chỉ dành 3.940m2 đất để xây bãi đỗ xe với sức chứa khoảng 400 ô tô.

Lao động lo mất việc

Ngày 20-6, Sở GTVT Hà Nội có văn bản đề nghị Tổng Cty Lương thực miền Bắc chỉ đạo Cty Lương thực cấp I Lương Yên tiếp tục duy trì hoạt động của bến xe khách này.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, bến xe là tài sản chung, phục vụ nhân dân, không phải tài sản riêng của cá nhân, tổ chức nào nên dù thời điểm này, Cty Lương thực Lương Yên có tờ trình Sở GTVT thì cũng không thể đóng cửa bến xe vào ngày 1-7 được.

Ngoài ra khi tiếp xúc với nhiều người lao động gắn bó với mảnh đất, họ không khỏi lo lắng cho công ăn, việc làm của mình.

“Bến xe Lương Yên di dời là đúng. Tuy nhiên, việc liên doanh liên kết với đối tác bên ngoài làm dự án BĐS để bán thì phải cân nhắc, vì đây là khu đất rất thuận lợi cho việc sử dụng vào nhiều mục đích khác có ích, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở đây” -Anh Hoàng Hà, bảo vệ tại bến xe chia sẻ.

Nhiều người lao động cho rằng, dù bến xe được gia hạn hoạt động một vài tháng cũng không làm nhân viên an tâm về công việc sau này.

“Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là sau khi bến xe di dời thì 200 cán bộ công nhân viên gắn bó bao năm ở Cty sẽ được bố trí công việc gì? Liệu công việc mới có phù hợp với chúng tôi không, vì cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy Tổng Cty bàn cụ thể việc làm cho người lao động sau khi xoá xổ bến xe”- Một công nhân cho biết.

Cty Lương thực Lương Yên đã bỏ ra 10 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng bến tạm Lương Yên gồm đầy đủ nhà dịch vụ, sân đón trả khách, các quầy bán vé…, chứng tỏ doanh nghiệp vẫn có tham vọng kinh doanh bến xe lâu dài. Vì vậy, đề nghị xóa sổ bến từ ngày 1-7 rõ ràng chỉ có thể là do sức ép.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.