Thất thoát tài sản nhà nước, ai chịu trách nhiệm?

Thất thoát tài sản nhà nước, ai chịu trách nhiệm?
TPO – Trong phiên trả lời chất vấn sáng 15-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu Quốc hội về vấn đề "nóng" như chống tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước…

 > 'Nợ xấu ngân hàng có một phần của tổng công ty nhà nước'

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay, 15 - 6
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay, 15 - 6.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu thực tế, nạn tham nhũng xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vụ PMU 18, Vinashin rồi đến Vinalines, gây bất bình trong dư luận

Theo ông Thuyền, nhiều cử tri cho rằng, nếu không sớm hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không chống được nạn tham nhũng, lãng phí thì Việt Nam rất khó phát triển.

“Xin Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của Chính phủ đến đâu và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, đưa nền kinh tế nước nhà phát triển ổn định, bền vững đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân?” – Ông Thuyền hỏi.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo quy định của pháp luật, Chính phủ là cơ quan hành chính, hành pháp, quản lý toàn diện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đất nước.

“Mỗi một thất thoát, một hiện tượng nào không tốt trong xã hội, từ một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm, đến những máy bay bị nổ, đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan” – Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ nhận thức được vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý, giải quyết.

“Đặc biệt sẽ có một chương trình quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát lãng phí trong thời gian tới” – Phó Thủ tướng nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết, rất tán thành với báo cáo của Phó Thủ tướng về giải pháp phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, chưa thấy khâu đột phá.

“Theo Phó thủ tướng, có nên chọn ba vấn đề sau đây làm khâu đột phá hay không? Thứ nhất, chỉnh sửa luật kinh tế, để pháp luật vững chắc, kín kẽ khiến cho tham quan, tham nhũng không thể xâm nhập vào tài sản của nhà nước, nhân dân.

Thứ hai, sửa luật về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ để tham quan không thể lọt vào bộ máy nhà nước.

Thứ ba, có nên ban hành luật trọng dụng nhân tài như tôi đã đề nghị từ kỳ họp thứ nhất đến nay để thu hút lực lượng cán bộ tinh hoa nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước hay không”.

Phó Thủ tướng tán thành những điểm đại biểu Vân nêu, cần những luật kín kẽ hơn, đặc biệt luật về quản lý kinh tế phải không có kẽ hở; đồng thời, phải có một quy chuẩn, giám sát chặt chẽ hơn để không lọt những cán bộ không tốt mang tư tưởng tham nhũng vào trong bộ máy nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với việc, nên có một cơ chế thu hút nhân tài trong bộ máy nhà nước.

“Điều đó không những làm năng suất xã hội được nâng lên, đồng thời cũng góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng” – Phó Thủ tướng nói.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo, Đoàn đại biểu Thừa Thiên – Huế dẫn chứng, cuối năm 2010, khi trả lời chất vấn đồng chí Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nói là vô can trong thất thoát ngân sách tại Vinashin. Ngày hôm qua, đồng chí Bùi Quang Vinh trả lời cũng nói không nắm được sai phạm tại Vinalines.

“Xin hỏi Phó Thủ tướng, vậy trách nhiệm của các Bộ kinh tế tổng hợp và Bộ chuyên ngành trong việc kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh và việc sử dụng ngân sách nhà nước tại các tập đoàn tổng công ty như thế nào, các bộ có trách nhiệm gì?” – Đại biểu Mạo nêu câu hỏi.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, theo quy định của pháp luật, các Bộ tổng hợp và các Bộ chuyên ngành đều phải có trách nhiệm trong vấn đề thất thoát tài sản, vốn của nhà nước.

Phó Thủ tướng nhắc lại, bất cứ một tổn thất nào về tài sản của nhà nước, của nhân dân, theo quy định của pháp luật, có cả trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước với các bộ ngành có chức năng quản lý nhà nước trong việc sử dụng, quản lý vốn tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả trong thời gian vừa qua.

“Nếu được, nên công khai cách xử lý và đặt rõ trách nhiệm của Chính phủ về vấn đề này để nhân dân biết” – Bà Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu vấn đề, đến khi nào thì tổ chức được việc đảm bảo cho người di dân, tái định cư có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ khi thu hồi đất để triển khai các dự án.

“Các chính sách thu hồi đất trong thời gian vừa qua đã đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư chưa. Vì sao người dân còn bức xúc khiếu nại kéo dài và có vụ rất căng thẳng” – Nữ đại biểu của Thành phố HCM hỏi.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phương châm, quan điểm xử lý di dân tái định cư là phải đảm bảo cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

“Đảm bảo quyền lợi cho người dân rất quan trọng. Chúng ta nói chính quyền do dân, vì dân, chúng ta phải lo việc này” – Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tuy dân chủ công khai, tạo thuận lợi tối đa cho người dân nhưng nếu người dân nào cố tình vi phạm không chấp hành luật pháp quy định trên thái độ cầu thị của chính quyền thì phải có biện pháp cương quyết để giữ kỷ cương phép nước.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.