> Du lịch với người M’ Nông hồ Lắk
Cưỡi voi ở Luang Prabang. |
Vương quốc Lan Xang - miền đất triệu voi
Từ trung tâm TP Luang Prabang, lái ô tô chừng 25km theo quốc lộ 13, chúng tôi đến làng voi nằm dọc bờ sông Mekong thuộc địa bàn huyện Pak Ou.
Già làng Chan Phouma ngoài 80 tuổi cho hay truyền thuyết về lịch sử lập quốc của Lào gắn liền với loài voi: Được Trời Phật giao sứ mệnh cai trị thần dân ở hạ giới, Khun Burom cưỡi voi trắng xuống trần và phát hiện một dây leo có hai trái bầu khổng lồ.
Ông chọc thủng trái bầu khiến con người, muông thú và hạt giống rơi xuống đất; sau đó cho bảy con trai giúp người hạ giới săn bắn, trồng tỉa để sinh sống. Từ đó người Lào xem Khun Burom là tổ tiên của mình.
Còn theo sử sách, vua Fa Ngum đã chỉ huy đàn voi thiện chiến cùng cả vạn binh sĩ tả xung hữu đột thống nhất một số vương quốc để hình thành nước Lan Xang (nghĩa là vương quốc triệu voi) vào năm 1353 với kinh đô là Nam Chưởng hay còn gọi là Mường Luông.
Thời đó, voi được xem là vũ khí lợi hại nhất, vì vậy việc đặt tên nước là Lan Xang phải chăng để dương oai, phô trương thanh thế nhằm uy hiếp tinh thần những quốc gia có dã tâm gây chiến, xâm lược?
Sau này, các hậu duệ của Fa Ngum đổi tên kinh đô thành Luang Prabang (Prabang nghĩa là tượng Phật - quà tặng của vua Khơmer dành cho vua Fa Ngum). Thành phố cổ này từng là thủ đô của nước Lào hàng trăm năm.
Voi ở Hong Sa. |
Năm 1995, Luang Prabang được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi giá trị lịch sử có một không hai của thành phố hoàng gia cổ kính trải qua 63 đời vua; một trung tâm Phật giáo với hàng ngàn chùa chiền, trong đó nhiều ngôi chùa là điểm nhấn kiến trúc tuyệt đẹp, được sơn son thếp vàng trông rất nguy nga, huyền bí; một thành phố nhỏ yên bình, duyên dáng nép mình bên dòng sông Mekong và Nam Khan trong xanh, thơ mộng và được bao bọc bởi những dãy núi điệp trùng quanh năm mây phủ.
Ngày cuối tuần, làng voi thật rộn ràng bởi hàng chục chú tượng đồ sộ quây quần, tụ họp để đáp ứng nhu cầu cưỡi voi dạo chơi của du khách. Trong khi chờ đợi, một số con voi thong dong tuốt lá cây trên triền đồi, số khác ra bờ sông hút nước tắm; phun nước đùa nghịch cùng nhau hoặc với đám trẻ con.
Vài chú voi tìm đến khu nhà sàn nghểnh cổ lên và ngo ngoe cái vòi như thúc giục du khách thưởng cho vài món khoái khẩu như chuối, mía, đường... Chỉ với vài nải chuối và mấy lóng mía, chúng tôi đã có thể tiếp cận vuốt ve cái vòi mềm mại hoặc vỗ lên lưng chú tượng khổng lồ nặng hàng tấn. Quả thực chưa thấy voi nơi nào hiền và dễ làm quen như vùng đất này!
Sau khi thỏa thuận giá 80 USD/người cho 2 giờ cưỡi voi dạo chơi, chúng tôi được hướng dẫn tỉ mỉ về tính nết, thói quen của từng chú voi để đối phó trong những tình huống bất ngờ.
Đặc biệt tránh dùng loại nước hoa quá nặng mùi làm voi dị ứng hoặc mang giầy có đế sắc nhọn dễ gây trầy xước, làm đau voi... Quản tượng giúp chúng tôi leo lên bành (chỗ ngồi trên lưng voi), thắt dây bảo hiểm rồi ra hiệu cho voi lên đường. Cảm giác thật lạ lùng khi ngất ngưởng trên lưng voi ngắm bầu trời xanh ngắt, không một gợn mây.
Cung đường du ngoạn ngang qua cánh rừng nguyên sinh cây cối rậm rạp nên thảng hoặc có dịp chiêm ngưỡng những nhánh lan rừng tuyệt đẹp thấp thoáng ẩn hiện trong tán lá cây cổ thụ, từng bầy khỉ nháo nhác chuyền cành hoặc quấn đuôi vào cành cây treo mình lơ lửng tò mò nhìn khách lạ.
Đến đoạn lội sông càng thú vị hơn bởi trong lúc phăng phăng lướt sóng, voi luôn giữ được thăng bằng và lưng nổi trên mặt nước. Du khách như được thử thách với môn thể thao cảm giác mạnh song rất an toàn vì voi bơi rất giỏi.
Một địa điểm thú vị khác để cưỡi voi là thác Khuang Si, cách trung tâm TP Luang Prabang 32km về hướng nam. Chúng tôi lại leo lên bành, lắc lư theo từng bước chân voi dạo chơi trong trong khu bảo tồn quốc gia rộng lớn bao quanh thác để tận hưởng sự tĩnh lặng, hoang sơ của khu rừng.
Khi ngang qua cánh rừng có loài cây thân thẳng tắp, vỏ cây màu trắng, lá to tựa như lá bàng, quản tượng cho biết đó là loài cây quý tên gọi là tếch. Loại gỗ này rất chắc, có vân đẹp được dùng làm báng súng hoặc trang trí nội thất cao cấp.
Thác Khuang Si được ví như mắt ngọc bởi dòng nước xanh biếc đổ từ trên núi xuống. Dưới chân thác có cả một dãy hồ mà hồ nào cũng trong xanh như ngọc bích in hình bầu trời xanh thắm và những đám mây trắng như bông trên mặt hồ.
Nhiều du khách châu Âu thích thú bơi ngửa để ngắm mây bay hoặc đu sợi dây thừng treo trên nhánh cây cổ thụ kế bên thác rồi gieo mình xuống hồ nước mát rượi.
Ấn tượng lãnh địa voi Lào
Voi quỳ chào khách. |
Từ Luang Prabang, theo lời khuyên của già làng Chan Phouma, chúng tôi vượt quãng đường hơn 160km theo quốc lộ 13 và quốc lộ 4 đến bản Vienkeo, huyện Hongsa, tỉnh Xaynhabouly.
Nhờ giữ được dòng suối mát lành và khu rừng tre nguyên sơ vốn là lãnh địa của voi tự nhiên nên Vienkeo được chọn xây dựng trung tâm bảo tồn loài voi và là nơi tổ chức lễ hội voi - một trong những lễ hội lớn được mong đợi nhất hàng năm ở Lào.
Không có duyên tham dự lễ hội voi bởi đã được tổ chức cách đây 3 tháng nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được linh hồn lễ hội khi tình cờ nghe bản hợp xướng của hàng chục chú voi đang sống tại các khu dân cư trong bản.
Bác quản tượng tên là Buoahong cho hay Hongsa là một trong số ít nơi còn thuần hóa voi theo nghi thức truyền thống sau nhiều thế kỷ và điều này được tái hiện một cách sinh động tại lễ hội thu hút hàng vạn người xem.
Chương trình rước voi vào sáng sớm cũng rất được mong đợi: Các chú voi được trang điểm mặt bằng phấn màu và mặc những trang phục đẹp nhất trước khi rước vào khu trung tâm lễ hội.
Biểu tượng voi 3 đầu. |
Sau nghi lễ ban phước lành của các nhà sư, nhiều người dâng thức ăn cho voi để thể hiện sự tôn kính và cầu xin sự may mắn, thịnh vượng. Ngoài ra sẽ có các cuộc thi về thể trọng, tính khí, chạy đua, kéo gỗ, đá bóng, bơi vượt sông... để chọn con voi xuất sắc nhất trong năm.
“Phần thưởng dành cho chủ nhân của con voi thắng cuộc thường rất lớn, chẳng hạn một chiếc xe máy đời mới để động viên, khích lệ bởi huấn luyện thành thục một chú voi kỳ công lắm!” - già làng Chan Uom nói.
Còn theo bác Buoahong, quản tượng thường xuất thân từ những gia đình có truyền thống và hiểu biết về voi được tích lũy qua nhiều thế kỷ và tốt nhất, là cùng sống, cùng lớn lên với chúng. Tất cả các hoạt động của quản tượng phải gắn liền với voi từ khi mới ra đời hoặc chí ít trước khi biết nói.
Lý tưởng nhất là chọn một quản tượng trẻ để nuôi và tập những con voi còn non. Anh ta cùng với con voi chỉ mới hơn chục tuổi bắt đầu gắn bó, mang vác cùng nhau qua nhiều thập kỷ và khi bước vào tuổi 40, cả hai đang ở đỉnh cao, mối quan hệ càng gắn kết.
Quản tượng phải thực sự yêu mến, tôn trọng voi; hiểu tập quán của động vật hoang dã, cách lần tìm lối mòn trong những khu rừng rậm; hiểu tính tình, khả năng và biết cách chẩn bệnh, nhất là ghi nhớ từng chấn thương của voi.
Quá trình điều khiển voi cần phải dùng trí thông minh và cả thủ đoạn; đặc biệt khi voi trở chứng, quản tượng giỏi biết cách khống chế bằng sự âu yếm nhẹ nhàng.
Người Lào cho rằng voi cũng có linh hồn, có thần linh hỗ trợ nên đối xử với chúng hệt như con người. Lần đầu tiên xuất hiện trong nhà, voi được làm lễ đặt tên như một thành viên mới.
Nếu cùng lứa tuổi với đứa trẻ nào đó thì voi cùng lớn lên như anh chị em trong nhà.Mỗi năm voi đều được gia chủ làm lễ cúng sức khỏe, lễ mừng tuổi. Phát hiện voi quan hệ với anh hoặc ả nào đó, thì phải làm lễ cưới cho voi
“Làm sao biết chúng gần gũi nhau lúc nào mà làm lễ cưới?!” - một du khách tỏ vẻ không tin. “Mỗi kỳ voi động dục thì kinh hoàng lắm, chúng cùng nhau tìm đến khu rừng vắng, quần thảo đến xác xơ cây cỏ mới xong một cuộc giao phối” - Bác Buoahong nói.
Ngược lại, voi cũng rất yêu qúy và có nghĩa khí với chủ, thậm chí có con bỏ ăn bỏ uống đến chết khi chủ qua đời. Loài vật đồ sộ này cũng rất thông minh, thân thiện.
Trưa hôm đó, trong lúc chúng tôi chuẩn bị rời làng voi, chú voi tên là Sin bất ngờ phun nước khiến mọi người ướt sũng và ai nấy đều cảm thấy khoan khoái. Bác Buoahong giải thích đó là cách tạm biệt và là lời chúc phúc voi dành riêng cho khách quý.
Theo số liệu điều tra của một số tổ chức quốc tế, Lào hiện còn khoảng 1.350 con voi được thuần dưỡng và từ 800 - 1.200 con voi tự nhiên. Số lượng này quả là ít ỏi so với danh xưng vương quốc triệu voi ngày nào. Tuy nhiên, bởi voi là động vật thương yêu nhất trong trái tim người dân địa phương và cùng với sự hỗ trợ của hiệp hội Pháp ElefantAsia (hiệp hội bảo vệ Voi châu Á), có thể hy vọng đất nước này bảo tồn được thương hiệu du lịch trên lưng voi. |