Quyền đương nhiên
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, quyền tự chủ của các trường giống như hơi thở đối với con người, có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chứ không thể nhịn thở được.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, quy định trong khoản 2 dự thảo luật: “cơ sở giáo dục đại học không đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy theo mức độ bị hạn chế quyền tự chủ” là chưa hợp lý.
Theo đại biểu này, việc tự chủ là thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học, là xu thế quốc tế.
“Điều này rất đúng, nó cũng giống như hơi thở đối với con người. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chứ không thể nhịn thở được. Nếu chúng ta xác định quyền tự chủ giống như một phần thưởng, nếu làm tốt thì ta thưởng cho quyền tự chủ, làm không tốt thì ta phạt, ta cắt bớt quyền tự chủ như vậy là không được”- Ông Đáng nói.
Quyền tự chủ không phải mục đích ta hướng tới mà là quyền đương nhiên. Để thành lập và hoạt động cơ sở giáo dục đại học phải qua hai bước, thứ nhất là quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, thứ hai là quyết định được phép đào tạo.
Như vậy, rất nhiều điều kiện, quy định chặt chẽ. Đại học nào đã có đầy đủ các quyết định thì đương nhiên có thuộc tính của nó là quyền tự chủ.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (TP Hải Phòng) cho rằng, quy định quyền tự chủ như trong dự thảo luật là phù hợp.
Cụ thể về tuyển sinh, các trường có quyền tự chủ xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh của mình theo khả năng của đơn vị, song Bộ GD&ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.
Không cào bằng
Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Tuy nhiên, bà Hải đồng tình quy định giới hạn quyền tự chủ.
“Trong tình hình thực tế của nước ta hiện nay, có sự phát triển không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục đại học và phần lớn các cơ sở chưa đạt chuẩn mực thực thụ nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp”- bà Hải nói.
Trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện có hơn 100 trường trên tổng số 400 trường được thành lập trong thời gian 10 năm trở lại đây. Do đó, các trường có đặc điểm lịch sử, điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... khác nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng.
Vì vậy, theo bà Hải, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằng.
Việc giao quyền tự chủ cho trường đại học là nhằm nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng trường. Trên thực tế, các trường đã có sự phân tầng mạnh yếu khác nhau.
Do đó, giao quyền tự chủ cần phải dựa trên cơ sở của điều kiện năng lực, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường. Điều này sẽ khuyến khích đơn vị trường nâng cao khả năng cạnh tranh để được giao quyền tự chủ.
Đề nghị dừng tuyển sinh trường yếu kém
“Với thực trạng của giáo dục hiện nay ở nước ta, nếu tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ ngay thì tôi e rằng sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát, làm ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học. Vì vậy, tôi đồng tình quy định thu hồi quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực hoặc có hành vi vi phạm” - Bà Hải bày tỏ.
Thực tế, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thu hồi quyền tự chủ và cho dừng tuyển sinh đối với một số trường không còn đủ năng lực hoặc có hành vi vi phạm như trường ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Phan Chu Trinh...
Do vậy, nếu cho quyền tự chủ ngay cho các trường mới được thành lập chưa đủ mạnh về quản lý và hoạt động giáo dục sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Dự thảo luật cần giữ quy định giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở phân tầng và lộ trình thích hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ mục đích hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận của các cơ sở giáo dục đại học; kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước cho những cơ sở kinh doanh giáo dục.
Theo đại biểu này, với qui định tại Khoản 3, Điều 7 dự thảo luật về cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước thì chúng ta đã chính thức chấp nhận sự tồn tại của thị trường giáo dục.
Điều này đồng nghĩa chấm dứt cuộc tranh luận có hay không, nên chấp nhận hay không chấp nhận loại thị trường này ở nước ta.
Thực ra, sự tồn tại thị trường giáo dục không phải thảm họa, nhưng bà Thúy cho rằng, cần phải đưa vào luật phân biệt rõ ràng hai loại hình dịch vụ giáo dục. Đó là dịch vụ vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận, có như thế chúng ta mới có những chính sách phù hợp với mỗi loại hình.
“Qui định như dự thảo luật theo tôi chưa ổn”- Bà Thúy nói.