Cục Đăng kiểm không hề biết Vinalines mua ụ nổi?

Cục Đăng kiểm không hề biết Vinalines mua ụ nổi?
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chỉ thực hiện giám định trạng thái kỹ thuật ụ nổi theo yêu cầu của Vinalines, còn việc Tổng Công ty này mua và đưa ụ nổi về Việt Nam, thì không biết thông tin.

Cục Đăng kiểm không hề biết Vinalines mua ụ nổi?

> Vinalines tự mua ụ nổi, tôi không biết

Ụ nổi 83M trở thành đống sắt vụ khi về Việt Nam vẫn không thể khai thác. Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet
Ụ nổi 83M trở thành đống sắt vụ khi về Việt Nam vẫn không thể khai thác. Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet.

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản số 916/DKVN báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về công tác giám định và thẩm định trạng thái kỹ thuật ụ nổi 83M, sau khi cơ quan chức năng công bố các sai phạm của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vung số tiền 480 tỷ đồng mua ụ nổi 83M không còn hoạt động, mặc dù đã được Bộ Giao thông Vận tải cử Cục Đăng kiểm Việt Nam sang Nga để thẩm định, trước khi kéo về Việt Nam sửa chữa nhưng đến nay ụ nổi vẫn không thể khai thác được. 

Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Cục Đăng kiểm chỉ thực hiện giám định trạng thái kỹ thuật của ụ nổi theo yêu cầu của Vinalines còn việc Tổng Công ty này quyết định mua và đưa ụ nổi về Việt Nam, Cục hoàn toàn không biết thông tin”.

Có phát hiện “khiếm khuyết”của ụ nổi 83M

Nói về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc giám định kỹ thuật ụ nổi PLAVDOC No.83M, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trịnh Ngọc Giao khẳng định: “Ý kiến đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam là khách quan, cụ thể, phản ánh đúng trạng thái kỹ thuật thực tế của ụ tại thời điểm kiểm tra giám định.”

Lý giải cho vấn đề này, ông Giao cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm là giám định trạng thái kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông vận tải theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc chủ phương tiện, thiết bị.

Bởi vậy, sau khi nhận văn bản đề nghị cử đăng kiểm viên tham gia đoàn công tác đánh giá trạng thái kỹ thuật ụ nổi tại Nakhodka, Liên bang Nga, Cục đã cử đăng kiểm viên Lê Văn Dương của Chi cục Đăng kiểm số 6, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công việc theo yêu cầu của Vinalines.

“Đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cùng đi với Vinalines sang Nga để thực hiện kiểm tra giám định trạng thái kỹ thuật ụ nổi PLAVDOC No.83M từ ngày 2 đến 6-8-2007 tại Nhà máy sửa chữa tàu Nakhodka và lập biên bản kiểm tra giám định số 3002/07SG ngày 08-08-2007,” ông Giao khẳng định.

Trong biên bản kiểm tra giám định số 3002/07SG và văn bản số 858/ĐKVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, tại thời điểm kiểm tra giám định thực hiện đầu tháng 08/2007, ụ nổi 83M cơ bản vẫn đáp ứng các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường để hoạt động với sức nâng 16.500 tấn. Nhưng do không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm tra hàng năm nên ụ nổi đã bị cơ quan Đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định.

“Do không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đặc biệt là chưa thực hiện sửa chữa trên đà từ khi xuất xưởng nên tại thời điểm kiểm tra giám định ụ có nhiều khiếm khuyết,” biên bản giám định chỉ ra các lỗi của ụ nổi.

Bổ sung thêm trong trường hợp ụ nổi nếu được đưa lên đà thực hiện đầy đủ khối lượng sửa chữa định kỳ theo quy định của quy phạm, biên bản giám định có khuyến cáo, ụ nổi có thể khôi phục trạng thái kỹ thuật để sử dụng bình thường và có khả năng thỏa mãn các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của Việt Nam.

Ông Giao cũng cho biết thêm: “Khi Vinalines mời đăng kiểm đi giám định kỹ thuật, đưa ra báo cáo kỹ thuật những việc ụ nổi còn tốt, những lỗi khả năng kỹ thuật của nó thế nào chúng tôi đưa ra một báo cáo kỹ thuật cho Vinalines. Còn việc Vinalines mua thế nào là việc của Vinalines. Cục Đăng kiểm không có trách nhiệm.”

Ông Giao cũng bổ sung thêm: “Cục Đăng kiểm không đánh giá đạt yêu cầu hay không đạt yêu cầu mà chỉ giám định ụ nổi được sản xuất năm nào, sử dụng bao lâu, đã lên đà bao nhiêu lần, hiện nay như thế nào và có khuyến cáo với Vinalines. Họ thấy lợi thì mua. Họ phải xin phép cơ quan chức năng khác chứ không phải xin phép đăng kiểm. Kết quả tư vấn của Cục Đăng kiểm là đảm bảo đầy đủ các thông số”.

Đăng kiểm Nga sửa chữa và nghiệm thu

Báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sau khi cấp Công văn số 858/ĐKVN ngày 16-08-2007 về thẩm định trạng thái kỹ thuật ụ nổi, Cục Đăng kiểm không nhận được yêu cầu và cũng không thực hiện bất kỳ công việc đăng kiểm nào đối với ụ nổi PLAVDOC No.83M.

Ngày 14-11-2011, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được văn bản của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ nổi.

Khi đó, qua trao đổi với đại diện Vinalines, Cục Đăng kiểm mới được biết, năm 2008, ụ nổi 83M đã được Vinalines mua, chuyển về Việt Nam và đưa lên đà của Công ty Trách nhiệm hữu hạng Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (tỉnh Khánh Hòa) sửa chữa dưới sự giám sát kỹ thuật của Đăng kiểm RMRS (Cộng hòa Liên bang Nga).

Sau đó, ụ nổi đã được Cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Sài Gòn cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời ngày 25-3-2011, số đăng ký VNSG-2037-UN, với thông tin về tổ chức Đăng kiểm là RMRS (giấy chứng nhận này do đại diện Vinalines cung cấp).

“Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có bất kỳ tài liệu nào về việc đăng kiểm ụ nổi từ cuối tháng 08-2007 cho đến nay”, Cục trưởng Giao nhấn mạnh.

Ụ nổi 83M là thành phần không tách rời của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, được sản xuất năm 1965, sức nâng 25.000 tấn với mức đầu tư 14,136 triệu USD, trong đó chi phí mua, sửa chữa tại Nga, cước vận chuyển là 12,5 triệu USD.

Tuy nhiên, sau đó Vinalines lại thay đổi phương án mua dẫn đến chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi này về Việt Nam sửa chữa, tổng chi phí hết 24,3 triệu USD. Thế nhưng cho đến nay, ụ nổi 83M vẫn không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam.

Đến ngày 30-9-2011, tổng số tiền Vinalines đã chi phí cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi là 26,3 triệu USD tương đương 70% giá đóng mới bình quân trên thị trường thế giới.

Các khoản chi phí lãi vay từ 30-4-2010 đến 30-9-2011 là 24,2 tỷ đồng và các khoản chi phí tiếp theo 1,6 tỷ đồng/tháng trong thời gian chưa đưa ụ nổi vào khai thác.

Dự án xây dựng nhà máy cũng đã bị tạm dừng, ụ nổi không khai thác được, gây lãng phí lớn.

Theo Việt Hùng
Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.