“Sẽ xử lí nghiêm các trường hợp vị phạm, bất kể người đó là ai”, ông Sa nói.
Khoảng 1.000 m2 rừng tại ấp Lê Bát bị đốn hạ . |
Chiều cùng ngày, theo phản ánh của người dân, phóng viên Tiền Phong tới hiện trường vụ phá 20 ha rừng tràm ở ấp Lê Bát. Tại đây, việc phá rừng vẫn diễn ra. Trong ngày 22-5, có khoảng 1.000m2 rừng tràm bị đốn hạ.
Tại khu vực rừng bị chặt phá đã xuất hiện một số cây trồng mới như: xà cừ, đào, dừa… Một số cây gỗ đã được tập kết để chuẩn bị dựng lán trại. Theo phản ánh của người dân và thể hiện trên bản đồ địa chính, đây là khu đất rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc (VQGPQ) quản lí.
Tại ấp II, cạnh Khu di tích đình thờ cụ Nguyễn Trung Trực, một khu rừng tràm và cây hỗn hợp cũng vừa bị chặt phá. Tại đây “lâm tặc” đã đưa máy móc vào đào một con mương dài hàng trăm mét, rộng khoảng 4m.
Một cán bộ đo đạc địa chính Bộ TNMT khẳng định, khu vực này là đất rừng phòng hộ. Trước đây, dân bao chiếm trái phép và UBND huyện Phú Quốc đã ra quyết định thu hồi. Một nguồn tin cho hay, đã có một đại gia ở Hà Nội sở hữu lô đất này.
Trong ngày 22-5, chúng tôi lần lượt gặp các chủ rừng để yêu cầu xác định vị trí hiện trường xảy ra các vụ phá rừng nhưng đều không được trả lời thỏa đáng.
Ông Nguyễn Trung - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Quốc nói: “Đất rừng do chúng tôi quản lí ở xã Cửa Cạn là rất ít. Khu vực rừng bị tàn phá có khi là đất của dân”.
Khi chúng tôi mở máy tính xách tay cho ông Phạm Quang Bình - Giám đốc VQGPQ xem các bức ảnh chụp rừng bị phá, đào bới và sơ đồ địa chính thể hiện đất thuộc VQGPQ quản lí nhưng ông Bình nói: “Xem như thế này rất khó xác định vị trí, phải đến tận hiện trường mới khẳng định được có phải là đất rừng hay không.
Hiện chúng tôi đang thực hiện điều chỉnh mục đích sử dụng khoảng 500 ha rừng thuộc VQGPQ quản lí qua quy hoạch du lịch sinh thái, dân cư và các công trình xây dựng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ”.
Ông Bình hứa sẽ kiểm tra, làm rõ những địa chỉ phá rừng mà báo chí nêu.
Ngày 22-5, báo Tiền Phong đăng bài “Phá rừng bán đất trái phép” phản ánh tình trạng rừng ở Phú Quốc bị phá và hợp thức hóa thành đất nhà.