Tăng cường hoạt động “điều trần” tại các ủy ban

Tăng cường hoạt động “điều trần” tại các ủy ban
TP - Ngày 19-5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ sáu, thẩm tra Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

> Cải cách lương khu vực lao động nhanh hơn công chức

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Việt Trường cho rằng, việc quy định thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu QH sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc; bảo đảm để đại biểu QH trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết, nhiều nội dung đổi mới tuy chưa được QH xem xét, thông qua nhưng qua thực tế đã chứng minh hiệu quả như hoạt động tiếp xúc cử tri.

Các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội gần đây đã được thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc.

Đồng thời tiến hành tiếp xúc cử tri theo địa bàn, nơi cư trú và theo từng đối tượng cử tri. Do vậy, trước đây tiếp xúc cử tri chỉ có khoảng 80- 100 cử tri tham gia thì đến nay nhiều cuộc tiếp xúc đã thu hút hơn 200 cử tri.

Thành phần cử tri cũng khá đa dạng, nhiều cử tri là các nhà khoa học, nhà trí thức nên đã có những phản ánh kiến nghị rất tích cực, xác đáng gửi đến QH.

Ông Thảo cho rằng, đổi mới hoạt động QH là một trong những mục tiêu quan trọng mà QH khóa XIII hướng đến. Muốn đổi mới một cách căn bản phải chờ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên, đổi mới nếu chỉ vướng một số quy định của pháp luật mà không trái với Hiến pháp thì vẫn nên mạnh dạn sửa đổi.

Ví như, vấn đề về bỏ phiếu tín nhiệm nếu chiếu theo quy định của Luật Tổ chức QH hiện hành thì khó thực hiện, nhưng nếu căn cứ theo Nghị quyết T.Ư 4 thì hoàn toàn thực hiện được.

Do vậy, có thể dùng một luật sửa nhiều luật hoặc ban hành Nghị quyết để điều chỉnh vấn đề này.

Các ý kiến cũng cho rằng, sau chất vấn, cần thiết phải có nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ QH, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH giữa hai kỳ họp…

Đề án cũng đặt ra yêu cầu phải sớm nâng cao chất lượng chất vấn các thành viên Chính phủ theo nhóm vấn, chất vấn đến cùng, nhằm thấy rõ hơn nữa bản chất các sự việc thời sự, được cử tri cả nước quan tâm.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ quan dân nguyện nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại nhưng chưa giải quyết hết được. Quốc hội là cơ quan dân cử nên cần có trách nhiệm giải quyết các vấn đề người dân khiếu nại.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh tới phạm vi của Đề án là đổi mới về phương thức, cách thức làm việc để vừa giảm bớt thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả làm việc của QH.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG