1001 nỗi lo trước đề nghị cấm kinh doanh, giữ xe trên vỉa hè

Vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 san sát nhà hàng, quán nhậu Ảnh: Lê Nguyễn
Vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 san sát nhà hàng, quán nhậu Ảnh: Lê Nguyễn
TP - Như Tiền Phong đã thông tin, Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa trình UBND TPHCM dự thảo quyết định điều chỉnh, huỷ bỏ danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng một phần vỉa hè làm bãi giữ xe, kinh doanh buôn bán, đậu xe... gây rất nhiều lo ngại.

> Vỉa hè Việt Nam dưới góc nhìn của một SV Đức

Đậu xe, buôn bán ở đâu?

Theo đề xuất của Sở GTVT, TPHCM bỏ 112/112 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh buôn bán. Việc cấm sử dụng vỉa hè sẽ tác động đến đời sống của hàng vạn gia đình, chủ yếu là người nghèo.

Theo thống kê của Viện Kinh tế (nay là Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) vào năm 2004, vỉa hè là nguồn sống của khoảng 150 nghìn người kinh doanh nhỏ, khoảng 100 nghìn người buôn bán hàng rong.

Khảo sát trên 35 tuyến đường (dài khoảng 4,7km), đã có gần 500 người buôn bán lưu động, 2.100 người buôn bán trên vỉa hè và hơn 5.000 hộ mặt tiền lấn ra vỉa hè buôn bán.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tiệm sửa xe Hùng Cường (đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp) cho biết: “Cả gia đình năm người từ miền Trung vào TPHCM thuê mặt bằng mở tiệm. Vợ tôi bán thêm tủ thuốc lá nhỏ kế bên, kiếm tiền đóng học phí cho hai đứa con. Nhà chật, tôi sử dụng một phần vỉa hè làm chỗ để xe. Cấm sử dụng vỉa hè, không biết sắp tới cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao vì cả hai vợ chồng không có trình độ, nghề nghiệp”.

Theo TS Nguyễn Hùng, chuyên gia quản lý đô thị, không ai muốn phải gửi xe cách xa hàng cây số rồi đi bộ đến cửa hàng. Không cho khách đỗ xe phía trước, cửa hàng chỉ có nước đóng cửa.

Cần lộ trình và giải pháp thay thế

Năm 2007, thực hiện “nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”, TPHCM thí điểm 15 tuyến đường mẫu (không cho phép sử dụng vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán, giữ xe, xả rác…) và giao UBND các quận chịu trách nhiệm thực hiện.

Đường Nguyễn Chí Thanh là một trong 15 tuyến đường mẫu nhưng sau 5 năm, con đường này vẫn còn nhếch nhác.

Chiều 26-4, trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (phường 12, quận 5), hàng chục xe kéo, xe đẩy bán thức ăn, vật dụng sinh hoạt tràn ra lòng đường. Các gốc cây và chân tường, chén, đũa bày la liệt mặc dù hai bên đường có treo rất nhiều bảng “cấm buôn bán hàng rong”.

Một nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đã nhiều lần phối hợp với phường 11 (quận 11) và phường 12 (quận 5) ra quân xử phạt những người lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng nhếch nhác đã trở lại.

Dọc các tuyến đường mẫu như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu..., tình trạng đậu xe, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vô tư xả nước thải và rác thải ra đường còn rất phổ biến.

Người dân còn tận dụng những gốc cây hai bên đường làm nơi chứa rác. Sát cổng UBND quận 1 (đường Lê Duẩn), dù có treo biển “cấm đậu xe” nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên đậu xe máy trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống đường.

Trước thực trạng “cấm cứ cấm, chiếm vẫn chiếm”, sau một hội nghị chuyên đề, thu thập ý kiến các chuyên gia, tháng 10-2008, UBND TPHCM ban hành Quyết định cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh, giữ xe nhằm quy hoạch và từng bước đưa hoạt động kinh doanh trên vỉa hè vào quản lý.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có lộ trình và giải pháp thay thế phù hợp thì việc cấm kinh doanh, giữ xe trên vỉa hè sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn, bát nháo như đã từng diễn ra trước tháng 10-2008.

Việc cấm mua bán, kinh doanh trên tất cả các tuyến đường có vỉa hè, nhất là vỉa hè rộng trên 3m là thiếu khoa học.

Trước khi xem xét, ban hành, UBND TPHCM cần khảo sát, thăm dò ý kiến người dân cũng như xem xét đoạn đường nào hoạt động mua bán trên vỉa hè không gây ảnh hưởng đến giao thông thì tiếp tục duy trì để người dân mưu sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, Chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận, để đưa vỉa hè về đúng công năng phục vụ lợi ích công cộng, làm lối đi cho người dân cần phải có đề án rõ ràng, lộ trình cụ thể và thời gian chuẩn bị những điều kiện cần thiết.

Trường hợp thành phố không thúc đẩy nhanh việc xây dựng các bãi đậu xe tập trung, không quy hoạch được nơi cho người buôn thúng bán bưng làm chỗ mưu sinh trước khi ban hành lệnh cấm, thì chính quyền địa phương không thể quản lý được.

Trên địa bàn quận, rất nhiều chợ được xây dựng trước 1975 không có bãi giữ xe. UBND quận 5, vừa kiến nghị UBND TPHCM cho phép được cho giữ xe trên vỉa hè ở các tuyến đường xung quanh chợ theo giờ, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của tiểu thương cũng như tạo thuận lợi cho người dân.

“Lập lại trật tự lòng lề đường, khôi phục mỹ quan đô thị là việc cần làm nhưng đột ngột quá, hàng nghìn gia đình nghèo sẽ mất kế mưu sinh, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội không đạt được. Đó là chưa nói đến vấn đề an toàn xã hội”. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, quận 1

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.