Ngang nhiên xông vào ngân hàng, bắt cán bộ

Ngang nhiên xông vào ngân hàng, bắt cán bộ
TP - Giữa thanh thiên bạch nhật, một đối tượng cho vay nặng lãi, dẫn theo nhóm côn đồ xông thẳng vào trụ sở giao dịch của ngân hàng, đánh đập và dùng roi điện khống chế rồi bắt đi một cán bộ để đòi nợ trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ cũng như công an.

PV Tiền Phong tham gia giải cứu vụ bắt cóc

Khoảng hơn 17 giờ ngày 25-4, PV Tiền Phong nhận được cuộc điện thoại kêu cứu từ người phụ nữ tự xưng tên Châu, là mẹ của anh Phan Quang Lam (1983) - cán bộ phòng giao dịch Ngân hàng nông nghiệp Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Bà cho biết, con bà đang bị một người tên Việt, xông vào trụ sở làm việc đánh đập, bắt cóc đưa về nhốt ở nhà riêng. Con bà liên tục điện thoại cho gia đình kêu cứu qua điện thoại của ông Việt: “Ba mẹ cứu con với, không là con chết”.

Nghe tin, chồng bà là ông Phan Văn Tạo tức tốc từ nhà (ở thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch) nhờ cháu chở ra Thanh Khê, vào đồn Công an Thanh Hà trình báo vụ việc.

Tuy nhiên, khi ông cùng một công an viên đến nhà ông Việt thì ngay lập tức ông Tạo bị ông Việt khống chế và nhốt giam luôn.

Ông Tạo thường xuyên gọi điện ra cho bà Châu và con dâu (vợ của Lam) mang tiền đến nếu không hai cha con sẽ chết.

Trước sự việc trên, bà Châu đã điện báo vụ việc cho trực ban Công an huyện Bố Trạch. Đã có ba lần công an đến nhà ông Việt nhưng đều bỏ về mà không giải cứu được chồng con bà.

Trước sự thống thiết của bà Châu, PV Tiền Phong đã cùng bà Châu và một số người trong gia đình nạn nhân mang đơn cấp báo lên trực ban của Công an huyện Bố Trạch.

Chúng tôi được hai người đàn ông mang thường phục, tiếp tại phòng làm việc của đội CSHS.

Khi gia đình vừa đưa đơn, vừa trình bày lại sự việc thì một người (sau này nghe nói là đội trưởng) nói: Chúng tôi biết sự việc từ chiều, đang chờ anh em dưới đồn báo cáo, rồi còn phải báo cáo lại với chỉ huy nên không vội được. Người nhà nạn nhân khóc lóc, nói nhờ các anh giải cứu chứ công an đồn Thanh Hà đã đến mà không làm gì được.

Anh chị của Lam đến cũng bị người nhà ông Việt đánh đập, bị giữ luôn chiếc xe máy và điện thoại di động. Ngay lập tức, người đội trưởng xẵng giọng: “Nợ người ta hàng trăm triệu, chiếc xe máy đáng gì?”.

Bất bình trước thái độ thờ ơ của vị công an, PV lên tiếng, rằng anh nói thế là không được, liền bị vị công an này to tiếng: “Anh đến đây để trình báo, anh nói tôi nói không được thì tự mà đi làm đi”.

Trước thái độ bất hợp tác của vị công an, buộc lòng PV Tiền Phong phải gọi điện cấp báo vụ việc với đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Từ Hồng Sơn. Chỉ sau cuộc điện thoại, lực lượng công an mới đến giải cứu đưa nạn nhân về đồn Công an Thanh Hà lúc 19h.

Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục ở Công an đồn Thanh Hà, PV Tiền Phong cùng người nhà nhanh chóng đưa nạn nhân Lam vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bố Trạch trong tình trạng đau nhức toàn thân và kiệt sức. Lúc đó là 22h30.

Những dấu hiệu bất thường

Ngày 26-4, quay trở lại làm việc với các cơ quan chức năng liên quan vụ việc nói trên, đi đến đâu PV Tiền Phong cũng nhận được sự thờ ơ, né tránh.

Cả ông Hà Văn Mẫu (trưởng phòng giao dịch Ngân hàng nông nghiệp Thanh Khê) và ông Nguyễn Văn Khanh (Giám đốc chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện Bố Trạch) đều từ chối nói đến vụ việc cán bộ mình bị đánh đập, bắt đi và giam giữ trái pháp luật.

Ông Khanh nói: “Các anh thông cảm, để chúng tôi giải quyết nội bộ, chứ đưa lên báo là rắc rối lắm”.

Còn ông Mẫu lấy lý do cấp trên (ông Khanh) không cho nói nên không nói được. Tuy nhiên, ông Mẫu thừa nhận là ông Việt đã đánh đập, dùng roi điện khống chế lôi anh Lam từ phòng làm việc của ông lên xe ô tô để đưa đi.

Ngay sau đó, cả ông Khanh và ông Mẫu đã lên tiếng răn đe cán bộ của mình: “Nếu đứa nào nói việc hôm qua cho phóng viên sẽ bị kỷ luật” – một nhân viên xin được giấu tên thuật lại.

Giải thích việc lực lượng Công an đồn Thanh Hà có đến nhà ông Việt 3 lần, chứng kiến anh Lam bị nhốt, đánh đập mà không giải cứu, Thượng úy Phan Xuân Thọ (trực ban) nói: “Chúng tôi đến thấy anh Lam bị nhốt ở phòng trong, ngồi trệt dưới đất, mặt mày sưng vù nhưng anh Việt nói là chuyện cá nhân giữa hai người theo nợ nần gì đó nên chúng tôi về”.

Còn việc ông Tạo bố anh Lâm đến đồn kêu cứu, sau đó bị ông Việt giữ lại không cho về: “Chúng tôi đã cử đồng chí công an viên chở đến. Ông Tạo vào nhà thì đồng chí ấy về nên không biết” - ông Thọ nói.

Khi được hỏi về vụ việc, Thượng tá Lê Xuân Băn – phó Trưởng Công an huyện Bố Trạch nói: “Hôm qua tôi không trực ban, tôi biết gì mà hỏi. Các anh còn biết hơn tôi, sáng nay các anh ra ngoài đó (Thanh Khê) làm gì, gặp ai mà tôi lại không biết.

Tôi còn biết đêm qua PV Tiền Phong còn điện cho cả giám đốc Công an tỉnh”. Giải thích việc “không biết” của mình, ông Băn nói là bộ phận tham mưu đang tập hợp hồ sơ nên chưa chuyển lên chỗ ông.

Màu sắc xã hội đen?

PV Tiền Phong quay lại bệnh viện để nghe anh Lam kể lại vụ việc
PV Tiền Phong quay lại bệnh viện để nghe anh Lam kể lại vụ việc.
 

Anh Lam cho biết, lúc 14h ngày 25-4 anh đang ngồi ở phòng làm việc của ông Mẫu thì ông Việt xông vào nói: “Tau hỏi mi có trả nợ cho tau không?”. Anh Lam nói là “từ từ cho em ít bữa, giờ không có, anh có làm gì em cũng chịu”.

Ông Việt liền xông vào đấm đá túi bụi anh Lam, ném hai cái ly uống nước trên bàn vào người anh. Mọi người vào can ngăn, ông Việt liền gọi điện thoại cho con trai nói là cầm theo roi điện để gí cho anh Lam ngất để đưa về nhà.

Ngay lập tức con trai ông, gọi thêm bạn chạy xuống cùng xông vào đánh đập, gí roi điện vào trúng mắt trái của anh, may chiếc roi này yếu điện nên không giật mạnh.

Sau đó ba người nhà ông Việt lôi anh xềnh xệch từ phòng của ông Mẫu ra xe ô tô đưa về nhà.

Tại nhà ông Việt, theo anh Lam kể lại, anh bị cha con họ dùng dây thừng, trói hai tay và chân lại với nhau, cho ngồi xổm xuống nền và thay nhau đánh.

Họ đã dùng tuýp nước đánh khắp người, rồi lấy một cục sắt to hơn nắm đấm đánh vào đầu…

Nghe tin em và cha bị bắt giam, chị Phạm Thị Minh Thảo (chị gái Lam) và chồng là Võ Minh Thắng đi xe máy, đến nhà ông Việt cùng với một số công an đồn Thanh Hà.

Khi vào trong nhà, thấy người nhà ông Việt liên tục đánh anh Lam, chị Thảo nói: “Có việc gì thì có công an đến đây rồi sẽ giải quyết, xin đừng đập đánh em tôi”.

Ngay lập tức người nhà ông Việt xông vào túm tóc chị vừa đánh, vừa giật. Hoảng quá, anh Thắng nhảy vào lôi chị ra, khi ấy chiếc điện thoại và chùm chìa khóa xe máy bị rơi, ngay lập tức người nhà ông Việt nhặt lên và bà vợ ông Việt ra dắt chiếc xe của anh chị vào trong nhà, tuyên bố là xiết nợ, anh chị xin kiểu gì cũng không được.

Anh Đinh Quang Sáng (vệ sỹ thuộc Cty Hải Long) được hợp đồng bảo vệ ở trụ sở phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp Thanh Khê tiếc nuối nói: “Khi vừa xảy ra vụ việc ông Việt đánh anh Lam tại phòng của ông Mẫu tôi đã cố hết sức can ngăn, nhưng khi con ông Việt xuống thì một mình tôi không làm gì được. Khi đó có cả Công an xã nữa nhưng cũng đành nhìn họ lôi xềnh xệch anh Lam ra xe ô tô”.

Theo người nhà của anh Lam, hơn 1 năm nay anh Lam đã vay nóng của ông Việt 800 triệu đồng với lãi suất 2%/ngày. Mỗi tháng anh phải trả lãi cho ông Việt 48 triệu đồng. Tháng trước, đến hạn phải trả hết tiền gốc nhưng anh Lam đã không có tiền để trả. Bố mẹ anh Lam cũng đã gặp ông Việt thương lượng là sẽ cam kết trả nợ cho Lam và xin được trả dần.

Bệnh án của anh Lam tại bệnh viện ghi: “Bị đa chấn thương toàn thân”. Hiện tinh thần anh Lam rất hoảng loạn và đau nhức toàn thân. Trong lúc đó, biên bản hiện trường của Công an đồn Thanh Hà đã không thu giữ được hung khí là chiếc roi điện và không hề nhắc đến chiếc xe máy của chị Thảo - anh Thắng bị vợ ông Việt xiết nợ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.