Giám định tư pháp: Nên tập trung một mối

Giám định tư pháp: Nên tập trung một mối
TP - Hôm qua (16-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Vấn đề nhiều ĐB quan tâm thảo luận là nên giao hẳn cho ngành Y tế hay Công an quản lý lĩnh vực này.

>Xóa pháp y trong công an: Nguy hiểm
>Giám định tổn hại sức khỏe 'theo hồ sơ'?

Theo báo cáo, lực lượng giám định viên pháp y (GĐPY) cấp tỉnh vừa thiếu, vừa yếu, quản lý không thống nhất, không đáp ứng yêu cầu. Về mô hình tổ chức, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất.

Đa số ý kiến tại UBTVQH thống nhất tổ chức hệ thống GĐTP công lập gồm: Viện Giám định pháp y thuộc Bộ Y tế, Trung tâm GĐPY tỉnh trực thuộc ngành y tế, Viện Pháp y quân đội (Bộ QP) và Trung tâm GĐPY thuộc Viện Khoa học Hình sự (Bộ CA). Như vậy, ở cấp tỉnh sẽ không còn GDV pháp y thuộc Công an tỉnh.

Thay vào đó, tập trung cho GĐTP thuộc ngành y tế để thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực hiện đại chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc hợp nhất cần có lộ trình, trong đó phân định rõ trách nhiệm hai ngành.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc quản lý nên tập trung về một đầu mối thuộc Sở Y tế là hợp lý. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu, ngành y tế phải đổi mới quản lý, kể cả mô hình tổ chức, quy chế hoạt động, mối quan hệ với các cơ quan tố tụng…

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nhiều năm qua, hoạt động GĐPY thuộc Công an tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng cần duy trì. Hơn nữa, tổ chức GĐPY cấp tỉnh chậm được kiện toàn nên trước mắt khó đảm đương toàn bộ nhiệm vụ. Vì vậy, nên giữ quy định GĐPY thuộc ngành công an như hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, GĐPY thuộc công an đã có lịch sử phát triển hơn 50 năm, trưng cầu hay giám định đều tuân thủ các quy định tố tụng hình sự. Việc điều tra các vụ án, nếu chờ mang tử thi từ hiện trường đến phòng mổ y tế thì mất rất nhiều thời gian, phức tạp.

Hai Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Tòng Thị Phóng đều cho rằng, phải cân nhắc, xem xét thận trọng. Trước mắt, nên đưa ra cả hai phương án để QH thảo luận, quyết định.

Được lập thư viện có yếu tố nước ngoài

Cùng ngày, UBTVQH thảo luận cho ý lần đầu về dự án Luật thư viện - thay thế pháp lệnh hiện hành (chỉ điều chỉnh hoạt động thư viện Công lập). Trong thời gian qua đã có 50 thư viện tư nhân thành lập, nhưng còn thiếu khung pháp lý điều chỉnh.

Nét mới, Dự thảo luật quy định khung pháp lý đối với vấn đề xã hội hóa hoạt động thư viện, thành lập hệ thống thư viện ngoài công lập, trong đó có thư viện có yếu tố nước ngoài (liên kết hoặc độc lập).

Dự luật quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền thành lập thư viện có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi. Theo đó, ngoài một số điều kiện, đối với thư viện liên kết thì các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có 5 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục; còn thư viện độc lập, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có 5 năm hoạt động trong lĩnh vực thư viện.

Thường trực Ủy ban VHGDTNTNNĐ đề nghị bổ sung, mở rộng khái niệm thư viện thuộc lĩnh vực điện tử (thư viện điện tử) cho phù hợp tình hình hiện nay. “Thông tin trên mạng cũng như một thư viện, đó là thư viện điện tử, vậy phải có cơ chế phù hợp để quản lý hiệu quả” - Chủ nhiệm UB KHCNMT Phan Xuân Dũng kiến nghị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG