Chờ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về an toàn đập

Chờ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về an toàn đập
TP - Đó là quan điểm của Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam hôm qua (10-4), sau khi tiếp tục kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2.

Thủy điện Sông Tranh 2:

Chờ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về an toàn đập

>Chưa có đánh giá độ an toàn thủy điện Sông Tranh 2
>Khảo sát lắp đặt trạm quan trắc động đất

Tình hình địa chất rất phức tạp

Tại buổi làm việc, đoàn công tác do TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu dẫn đầu đã thông báo tình hình động đất ở Bắc Trà My và độ an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 liên quan đến hiện tượng động đất.

Theo TS Lê Huy Minh: “Khu vực xây dựng đập thủy điện này có tình hình địa chất rất phức tạp với 2 đới đứt gãy Hương Nhượng - Ta Vi và Trà Bồng gây ra”. Ở khu vực cách lòng hồ khoảng 3 km xuất hiện điểm lộ nước nóng (suối Vin) do có đứt gãy, có rãnh rất sâu đi ra từ lòng đất. Đứt gãy biểu hiện rất rõ rệt là hoạt động của suối nước nóng. Khi tích nước lòng hồ, làm tải trọng thay đổi, nước ngấm vào đới đứt gãy, làm giảm độ bền của đất đá. Động đất kiến tạo có thể sắp xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.

Việc xuất hiện động đất do hồ chứa là bình thường, không chỉ ở VN mà trên thế giới cũng có nhiều. Đơn cử, tại hồ thủy điện Hòa Bình động đất đo được là 4,8 độ richter sau khi tích nước 6 - 8 tháng. Tuy nhiên, ở Sông Tranh 2 động đất kèm theo tiếng nổ rất khác thường, mà nguyên nhân là hoạt động giải phóng năng lượng, nguồn động nằm ở độ nông.

Theo đoàn công tác, hiện tượng động đất ở Bắc Trà My có thể từ 4 đến 5 năm là kết thúc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng kéo dài từ 20 đến 40 năm như nhiều công trình thủy điện trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của UBND tỉnh và các sở ban ngành Quảng Nam về an toàn đập, đoàn công tác cho biết, đang kiến nghị Viện KH&CN và Bộ KH&CN để thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về hiện tượng động đất và an toàn đập Sông Tranh 2 để có kết luận chính xác.

Cần có ngay các trạm đo động đất

TS Nguyễn Đình Kiên - Viện Cơ học, cho biết: “Hiện tượng động đất và an toàn đập là bài toán rất phức tạp. Cần thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, nghiên cứu chi tiết. Để có kết luận chính xác cần có đầy đủ các thông số về độ dịch chuyển ngang của đập, độ nở khe nhiệt, tần suất kích thích… Có những vấn đề ảnh hưởng đến an toàn đập, BQL phải theo dõi sát sao, kết hợp với nhà khoa học để có những nghiên cứu thực tế hơn”.

“Nếu chủ đầu tư thiết kế đập đúng kiến nghị ban đầu của Viện Vật lý Địa cầu chống được động đất cấp 7 thì chưa đáng lo ngại. Cần đưa vào hoạt động các thiết bị mà BQL đã lắp đặt, ghi nhận số liệu để đánh giá, khuyến cáo đưa vào khâu vận hành” - TS Minh nói.

Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng BQL Dự án thủy điện 3: “Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), BQL đang duy trì mực nước ở cao trình 155m, để đảm bảo hiệu suất phát điện cao nhất, không hạ xuống mức nước chết. Hiện tại, Cty CP Tư vấn điện lực đang thiết kế những phương pháp chống thấm hiệu quả nhất. Ít nhất có 3 phương pháp đã đưa ra nhưng chưa có phương pháp cuối cùng”.

Cũng theo ông Hải, kết quả quan trắc mới nhất vào ngày 9-4, lưu lượng nước thấm qua thân đập là 75 lit/s cao hơn kết quả công bố trước đó do việc thu gom nước chưa tập trung. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay chưa có tiêu chuẩn nào về lưu lượng ngấm qua thân đập, nhất là đối với đập bê tông đầm lăn, nên không thể kết luận cho phép hay không cho phép. Theo ý kiến các chuyên gia, ở đập thủy điện Sông Tranh 2 có sự khác thường về nước thấm và lưu lượng, dù rằng nước thấm qua thân đập là cho phép.

Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, việc nghiên cứu động đất ở Quảng Nam và lắp đặt các trạm quan trắc đo dư chấn là rất cần thiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG