Chính sách thuế, phí tăng gánh nặng cho dân

Chính sách thuế, phí tăng gánh nặng cho dân
TP -Theo kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT năm 2008, nông dân ngoài phải nộp các khoản phí, lệ phí, còn phải nộp 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục. Nay, thuế phí đang đè nặng vai cư dân đô thị...

>'Nuôi' ô tô bằng trả lương cho... sếp lớn
>'Đóng băng' vì thuế, phí 'khủng'

Các khoản thuế, phí ngày càng cao khiến cuộc sống cư dân đô thị thêm khó khăn. (Trong ảnh: Trạm thu phí đặt trên Xa lộ Hà Nội (TPHCM) nhưng thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ) Ảnh: H.T
Các khoản thuế, phí ngày càng cao khiến cuộc sống cư dân đô thị thêm khó khăn. (Trong ảnh: Trạm thu phí đặt trên Xa lộ Hà Nội (TPHCM) nhưng thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ) Ảnh: H.T.

Năm 2008, từ kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT, ai cũng giật mình khi nông dân ngoài phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước còn phải nộp 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương tự đặt ra. Còn nay, thuế phí đang đè nặng vai cư dân đô thị... 

Thu từ nhà ra phố

Chị Lê Thị Thùy Trâm (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, đại diện Tổ dân phố nơi chị ở vừa đến từng nhà thu các khoản đóng góp năm 2012, gồm: Tiền an ninh quốc phòng, vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ trẻ em, phòng chống lụt bão…với tổng số tiền phải đóng là 120 nghìn đồng.

Thấy đóng quá nhiều loại, nhiều hộ dân thắc mắc thì đại diện Tổ dân phố giải thích một số khoản thuộc diện đóng góp tự nguyện.

“Nói là không bắt buộc nhưng hộ nào cũng phải nộp. Nhà khóa cửa hoặc đóng trễ một tí là họ đến nhắc. Người dân lo rầy rà nên đều nộp đủ” - chị Trâm nói

Kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM năm 2008, cho thấy người dân thành phố tại thời điểm ấy phải đóng sơ sơ trên... 170 loại phí, lệ phí và nhiều loại phí vận động khác. Đến nay, nhiều loại phí đã bị bãi bỏ nhưng người dân TPHCM vẫn còn nộp hàng chục khoản “đóng góp tự nguyện”.

Giảm thuế cho người giàu

Trao đổi với Tiền Phong, bà Đỗ Thị Thìn, chuyên gia thuộc Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng, không nên bỏ mức thuế suất 35% hiện đang áp dụng cho mức thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên. Vì rất nhiều người Việt Nam có mức thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng. Việc bỏ bậc 35% là hoàn toàn không nên.

Với việc bỏ mức thuế suất này, đồng nghĩa giảm thuế cho người giàu.

Chỉ mấy tháng lại đây, người dân Hà Nội choáng váng vì phí tăng, dù cuộc sống khó khăn hơn, thu nhập thấp hơn do lạm phát cao. Đầu tiên là phí biển số xe ô tô con, tăng từ 2 triệu lên 20 triệu đồng; Lệ phí trước bạ ô tô con cũng tăng từ 12% lên 20%, xe máy có giá trị trên 40 triệu, phí cấp đăng ký tăng từ 1 triệu lên 4 triệu đồng, kể từ 1-1-2012. Tiếp theo, phí gửi, đỗ xe của Hà Nội cũng tăng gần gấp đôi.

Theo tính toán, hiện một xe ôtô du lịch mới nhập khẩu về Việt Nam phải chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu bằng 82%, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 30% đối với loại xe trên 5 chỗ ngồi và 50% đối với xe dưới 5 chỗ ngồi, và thuế giá trị gia tăng 10%.

Như vậy, nếu muốn sở hữu một chiếc Hyundai SantaFe nhập khẩu, người tiêu dùng phải bỏ ra khoảng 83.000USD (tương đương với khoảng 1,7 tỷ đồng), trong khi chiếc xe này có giá tại Mỹ chỉ là 23.000USD.

Từ ngày 1-6 tới, bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ, người mua xe sẽ phải chịu tổng cộng 3 loại thuế và 7 loại phí bao gồm: phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn, phí bảo trì đường bộ.

Đó là chưa kể 2 loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí vào nội đô giờ cao điểm mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, với mức phí khá cao, từ 20 đến 50 triệu đồng/xe ô tô/năm; từ 500.000 đến 1 triệu đồng/xe máy/năm.

Nếu đóng đủ các loại phí này, một năm một người đi ô tô con, ngoài chi phí xăng xe, bến bãi, còn phải trả cố định vài chục triệu đồng, nếu Chính phủ thông qua các đề xuất về những loại phí mới trên của Bộ GTVT.

Đáng lưu ý, trong kế hoạch thu phí lưu hành, Bộ GTVT còn đề xuất tăng giá hàng năm thêm 5%, gọi là bù đắp trượt giá.

“Tôi có xe ôtô 4 chỗ, chỉ sử dụng khoảng 2 tháng mới dùng để đưa gia đình từ Hà Nội về Thái Bình một lần và thỉnh thoảng đưa gia đình đi chơi cuối tuần. Thời gian còn lại trong tuần xe hầu như không đi.

Nếu áp dụng phí lưu hành, và phí vào nội đô giờ cao điểm và phí bảo trì đường bộ là không thỏa đáng trong khi mỗi lần đi tôi đã phải trả 100 nghìn tiền vé cầu đường. Tại sao lại bất công thế khi những ông chạy taxi và kinh doanh thì đi suốt ngày cũng chỉ đóng tiền như tôi”- Anh Hùng nhà ở Kim Giang (Hà Nội) cho biết.

Thêm gánh nặng cho dân

Trong khi Bộ GTVT, chính quyền thành phố, vì mục tiêu chống ùn tắc giao thông, đã đưa ra hàng loạt loại thuế, phí mới và tăng phí, thì Bộ Tài chính cũng toan tính phải đảm bảo nguồn thu ngân sách, nên vẫn đề xuất mức khởi điểm chịu thuế 6 triệu đồng và mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc 2,4 triệu đồng/tháng.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. Nếu năm 2014 mới áp dụng mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính vừa đề xuất, thì lạc hậu ngay khi áp dụng. Vì khi đó, chỉ số lạm phát của Việt Nam đã tăng khoảng hơn 60% (kể từ 2009), còn thực tế chi phí cuộc sống bị trượt giá hơn nhiều.

“Nếu trước đây, chỉ với khoảng 10 triệu đồng/tháng, 1 gia đình 4 nhân khẩu có thể sống khá dễ chịu ở Hà Nội, thì nay, mức tối thiểu đã phải nâng lên ít nhất gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, nếu tính cả tiền thuê nhà...

Nếu xét theo đà và áp lực lạm phát còn khá cao trong thời gian tới, nhất là về giá lương thực, thực phẩm và y tế, cũng như xăng dầu, điện, nước..., thì chắc chắn “gói thu nhập tối thiểu” dành cho 1 gia đình trung bình ở đô thị nước ta này còn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt”, ông Phong nói.

Giảm năng lực cạnh tranh

Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nhìn trên góc độ vĩ mô, việc tăng và áp dụng các khoản thuế, phí mới đối với ô tô, cũng như các khoản phí khác sẽ làm giảm nghiêm trọng năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Việt Nam thu thêm các loại phí trong khi các nước khác trong khu vực không thu sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải tăng thêm các chi phí, kéo giá cả đắt đỏ lên.

Theo ông Doanh, việc áp dụng các khoản thuế, phí mới cần đặc biệt cân nhắc. Hiện giá cả thế giới đang rất cạnh tranh trong khi chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với Bangladesh, Malaysia… trong khi các nước trên đều không có các khoản thu phí như ở Việt Nam.

Việc tăng và áp dụng các khoản thuế, phí sẽ mau chóng dẫn đến việc Việt Nam sẽ mất thị trường trong lĩnh vực dệt may, da giày…do phí vận chuyển, phí, thuế nhằm vào ô tô được đẩy vào chi phí giá thành của sản phẩm.

Với lĩnh vực vận chuyển, có thể thấy hiện tượng điển hình là các lái xe từ chối đi bằng đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, do chi phí đi đường, vận chuyển tăng cao.

“Các khoản phí liên tục tăng làm giảm thu nhập và khiến chi trả thực tế của người dân trong cuộc sống hằng ngày tăng lên. Như vậy, người dân sẽ phải bóp mồm bóp miệng khi chi cho các khoản khác.

Việc áp các phí này cũng làm tăng chi phí của toàn xã hội và đánh trực tiếp vào giá của từng quả trứng, mớ rau. Khi người dân không chi tiêu nhiều, giá thành bị đội lên thì sức mua của nền kinh tế không phát triển.

Chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, quản lý chi phí xây dựng không hiệu quả, thì việc tăng phí, với lý do huy động vốn đóng góp của dân, đến mức nào mới đủ.

Chúng ta không thể tiếp tục đổ vào cái thùng không đáy được. Cần có báo động về việc tránh trở thành quốc gia có thuế phí nặng”- ông Doanh cảnh báo.

Nhóm PV

Kiến nghị lùi thu phí bảo trì đường bộ

Hiệp hội Vận tải (HHVT) Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Tư pháp và UBND TP Hà Nội, xin lùi thời gian thu phí bảo trì đường bộ đến 1-1-2013, thay vì từ 1-6. Do giá điện, xăng dầu vừa tăng và trước ngày 1-7 các ô tô vận tải phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (GPS) nên nếu thu ngay sẽ làm cho nhiều DN gặp khó khăn về tài chính. HHVT Hà Nội cũng đề xuất, nếu có thể trong năm đầu chỉ nên thu phí bảo trì đường bộ bằng 60% mức đưa ra hiện nay.

Về đề xuất thu phí vào nội đô, HHVT Hà Nội cho rằng, việc thu phí vào nội đô và phí lưu hành do Bộ GTVT đề xuất là chưa có trong quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, nên đề xuất của Bộ GTVT là chưa có cơ sở pháp lý và chưa phù hợp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm rộng hơn 19.000ha của Huế nằm ở đâu?
Khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm rộng hơn 19.000ha của Huế nằm ở đâu?
TPO - Khu dự trữ thiên nhiên Sao La nằm ở Trung Trường Sơn, thuộc 2 huyện A Lưới và Phú Lộc (khu vực huyện Nam Đông cũ) của TP. Huế, với chức năng phòng hộ đầu nguồn sông Hương và sông Bồ; bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là quần thể Sao La và hai loài mang lớn, mang Trường Sơn…