> Xe khách tung hoành đường phố thủ đô
Đường Đinh Bộ Lĩnh ùn tắc cục bộ do dòng người đổ về TPHCM qua cửa ngõ phía đông ngày 29-1. Ảnh: Huy Thịnh. |
TP Hồ Chí Minh: Gian nan ngày trở về
Ngày 29-1, các cửa ngõ, bến xe liên tỉnh ở TPHCM đông nghịt người trở về sau đợt nghỉ Tết dài ngày để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên của năm mới (30-1). Để về đến TPHCM, nhiều người phải trải qua cuộc hành trình vô cùng gian nan.
15 giờ 30 chiều 29-1, chiếc xe khách mang biển số 38B 00… chạy tuyến Vinh - TPHCM tấp vào “bến cóc” nằm bên trong Trạm xăng dầu Sài Gòn Nhỏ (QL1A phường Tam Bình, quận Thủ Đức) để trả khách. Xe 50 chỗ nhưng chở đến 71 người cùng nhiều hành lý lỉnh kỉnh. Sau 40 phút, đến lượt xe 53N 31… chạy tuyến Hà Nội - TPHCM ghé vào. Xe này cũng chở hơn 70 người.
Bị nhồi nhét trên suốt chặng đường dài cả nghìn cây số nên trông ai cũng bơ phờ, mệt mỏi. Chị Nguyễn Thị Phượng, Công nhân công ty giày Thái Bình than: Trước tết, tôi cũng đi xe này vì đỗ gần nhà trọ, không phải mất thêm tiền đi xe ôm vào bến. Xe đưa khách về đến tận nhà. Dù bị nhồi nhét, chật chội nhưng có xe về TPHCM là may mắn rồi. Bạn tôi có đứa sáng nay vẫn còn ở ngoài quê vì chưa đón được xe.
Theo đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi, dù đã tăng thêm 20 xe mỗi ngày nhưng vẫn không đủ phục vụ khách. Các công ty Phương Trang và Mai Linh Đà Lạt cũng hết vé đến ngày mùng 9 Tết.
Tại bến xe Miền Đông (BXMĐ), hầu hết các xe vào bến đều chở đúng tải, không vượt số khách quy định. Tuy nhiên, theo lời một số hành khách, khá nhiều xe, kể cả xe các hãng có thương hiệu sau khi đón đủ khách trong bến, tài xế vẫn tiếp tục rước khách dọc đường rồi nhồi nhét dọc theo lối đi. Khi gần đến TPHCM, lái xe bán hết số khách thừa trên xe cho các xe dù hoặc xe buýt có tuyến về TPHCM.
Do hành khách quay về TPHCM sau Tết quá đông, nhiều người đã chọn cách thức di chuyển tuy tốn kém song khá an toàn. Đó là đón xe đi “lòng vòng” thay vì đi thẳng về TPHCM. Anh Phan Tấn Tú, công nhân công ty Pouyen VN cho biết do hết vé xe đi thẳng từ Vinh về TPHCM, anh quyết định đón xe vào Đăk Lăk rồi sau đó mua vé xe về TPHCM.
“Nếu ra TP Nam Định thì đón cả buổi cũng không có xe về TPHCM. Đi xe “dù” thì bị nhồi nhét, khổ sở. Vợ chồng tôi quyết định đón xe từ quê (xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, Nam Định) vào Bình Phước rồi từ Bình Phước về TPHCM. Tốn thêm ít tiền nhưng bù lại được phục vụ chu đáo, xe rộng rãi bởi sau Tết, các xe về các tỉnh xa rất vắng khách” - Chị Phạm Thị Lan, nhân viên công ty TNHH xây dựng và trang trí nội thất Ánh Dương nói.
Theo Phó giám đốc BXMĐ Thượng Thanh Hải, trong ngày 29-1, bến xe đã đón khoảng 2.000 lượt xe từ các tỉnh với gần 60 nghìn lượt khách. Theo ông Nguyễn Văn Thành, phó trưởng ga Sài Gòn, lượng hành khách đổ dồn về thành phố tăng nhanh nên ngành đường sắt đã tăng cường thêm 10 đoàn tàu Thống Nhất. Ngoài ra, ngành đường sắt còn huy động thêm 5 đoàn tàu địa phương đưa khách quay về TPHCM sau Tết.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại các cửa ngõ, tuy dòng phương tiện quay về TPHCM rất đông song việc lưu thông của người dân vẫn đảm bảo bởi Phòng CSGT Công an TPHCM huy động toàn bộ lực lượng chốt chặn điều tiết, “phân luồng từ xa”. Tại cửa ngõ phía Đông, lực lượng CSGT đội Rạch Chiếc gồm 24 người chia làm nhiều tốp có mặt 24/24 nên không xảy ra nạn ùn tắc kéo dài tại các điểm “nóng” như các năm trước.
Bắt khách trước mặt cảnh sát. |
Hà Nội: Xe khách "tung hoành"
Năm nay, mặc dù lượng người dân sau khi nghỉ Tết không đổ về thủ đô ồ ạt như mọi năm, song tình hình giao thông cũng khá phức tạp. Những chiếc xe khách sau khi từ các tỉnh đổ về thủ đô trả khách đã ngang nhiên bắt khách giữa đường, chặn xe trước cổng bến xe, đỗ xe vào khu vực xe buýt ngay trước mặt cảnh sát để bắt khách.
Theo quan sát của phóng viên, ngay tại khu vực bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai), có đến 5 chiến sỹ cảnh sát làm nhiệm vụ ở đây, tuy nhiên nhiều lái xe còn đỗ ngay tại cổng, lối dành cho xe xuất bến để bắt khách, khiến khu vực bến xe Giáp Bát bị ách tắc cục bộ. Có những chiếc xe khách còn ngang nhiên đỗ xe bắt khách giữa đường ngay trước mặt cảnh sát giao thông.
Cụ thể như chiếc xe khách mang BKS 17K-8807; 29V-2937;29B-026.98, dừng xe câu giờ ngay tại cổng ra của bến xe Giáp Bát để bắt khách, khiến những chiếc xe đi sau không có lối thoát. Điều khó hiểu đó là lực lượng quản lý bến xe vẫn ra rả trên loa phóng thanh về những xe khách trì trệ câu giờ bắt khách, nhưng các tài xế vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra.
Tại khu vực đường Giải Phóng, nhiều chiếc xe còn lượn như đèn cù để bắt khách. Cụ thể xe khách BKS 18N-5046 lượn đến 4, 5 vòng trên đường Giải Phóng, từ lối cổng của bến xe Giáp Bát, tới ngã ba Kim Đồng-Giải Phóng để đón khách.
Chiếc xe khách 16 chỗ mang BKS 18N-2889, sau một hồi tung hoành ngoài đường Giải Phóng không kiếm đủ khách. Liền lùi ngay vào khu vực dành cho xe buýt tại bến xe Giáp Bát để tiếp tục bắt khách.
Tại khu vực đường Phạm Hùng đối diện với bến xe Mỹ Đình (Từ Liêm) cũng rất lộn xộn. Nhiều xe khách chèn ép nhau, vượt lên rồi lùi lại để bắt, tranh khách. Nhiều xe đang đi đột ngột phanh gấp bật cửa ngay giữa đường để bắt khách. Phụ xe mở cửa kính, thò đầu ra ngoài mời mọc khách, khiến đoạn đường này trở nên lộn xộn và gây nguy hiểm cho người đi đường và các phương tiện khác.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thượng tá An Thanh Bình, Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết: Ngay ngày 29-1, chúng tôi đã tung 50 chiến sỹ Công an để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại. Ngoài ra còn chỉ đạo Công an phường Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Giáp Bát, Trạm Cảnh sát bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai) tham gia bảo vệ trật tự.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát nói, năm nay được nghỉ Tết dài ngày nên số lượng người không đổ về thủ đô dồn dập như mọi năm. Ngày 28-1, có tắc đường ở quốc lộ 21, khu vực Nam Định, tuy nhiên việc ách tắc không bị kéo dài.
Năm nay không có gì đột biến, số người trở về thủ đô ngày 29-1 (mùng 7) cũng tương đương với hôm 28 (mùng 6), khả năng một số người còn có suy nghĩ kiêng kị “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” nên ngày 29-1 không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2 - Phòng CSGT Hà Nội, từ mồng 5, Đội lại phải huy động gần như toàn bộ lực lượng tham gia phân luồng, chống ùn tắc trên các tuyến đường. Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội, nói: “Bài toán tăng dân số cơ học quá lớn đang là vấn đề làm cho các giải pháp chống ùn tắc của sở lâu nay chỉ là giải pháp tình thế”. |