Chuyện đặt tượng Bác ở thành Len

Chuyện đặt tượng Bác ở thành Len
TP - Rể Việt Nam, GSTS Vladimir Kolotov là người làm rất nhiều việc có ích cho quê vợ. Anh là một trong những người chủ chốt trong việc lập Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ngoài lãnh thổ Việt Nam và đặt tượng Bác Hồ ở Đại học Quốc gia Saint Petersburg, LB Nga.

Tôi gặp Vladimir Kolotov lần đầu ở T.Ư Hội Hữu nghị Việt - Nga cuối năm 2009. Khi ấy nhà khoa học người Nga trẻ trung, phong độ ấy để lại cho tôi ấn tượng là một người dễ xúc động: Tôi thấy anh rơi nước mắt khi nghe nhắc đến việc Việt Nam vừa khánh thành tượng đài tưởng niệm quân nhân Nga/Xô Viết hi sinh khi làm nhiệm vụ ở căn cứ hải quân Cam Ranh.

Bẵng đi gần hai năm, hôm bật ti vi xem lại cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội – Mátxcơva “Bài ca chiến thắng” đầu tháng 11-2011, tôi thấy Vladimir cầm mic dẫn chương trình ở đầu cầu Mátxcơva bằng tiếng Việt. Hôm gặp lại cũng ở Hội Việt Nga cuối tháng 11 vừa rồi, tôi hỏi về việc làm chương trình, anh bảo: “Tôi không dám xem lại nữa. Tiếng Việt của tôi hôm đó khủng khiếp”.

Té ra hôm đó người đảm nhiệm bản dịch tiếng Nga cứ đọc gần như đồng thời với Vladimir, mà anh thì không được trang bị tai nghe cách âm, thành ra mọi thứ cứ loạn cả lên, không giữ được sự điềm tĩnh cần thiết.

Tuy nhiên, việc một ông Tây dẫn cầu truyền hình của đài quốc gia Việt Nam bằng tiếng Việt là một món quà bất ngờ thú vị với khán giả Việt và khó có ai nỡ trách anh về sự thiếu hoàn hảo. Câu chuyện Vladimir kể như một bằng chứng. Một tiếng đồng hồ sau chương trình, anh bỗng nhận được điện thoại của một nhân vật lớn Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất: “Này, cậu làm cái gì trên truyền hình mà một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam gọi điện cho tôi cảm ơn thế?”

Vladimir Kolotov
Vladimir Kolotov.

Tiếng Việt của Vladimir có thể dùng thoải mái ở mọi hoàn cảnh, kể cả các hội thảo khoa học, hội nghị chính thức. Hỏi về bí quyết học, anh cười: “Có người trong khách sạn nhìn cách chọn món và cách ăn của tôi đã đoán: Chắc anh có từ điển tiếng Việt tóc dài?” Đúng rắp! Vợ anh là cô gái Việt anh đã gặp ở thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác.

Vladimir Kolotov là giáo sư, tiến sĩ, Chủ nhiệm bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông tại khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Leningrad trước đây), Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh của Đại học này, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt tại cố đô Nga, thành viên UB Quốc gia Nga của Hội đồng Hợp tác an ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP).

Hỏi vì sao chọn chuyên ngành liên quan Việt Nam và Phương Đông, Vladimir chỉ lên trời nói: “Trên đó còn chưa tiết lộ cho tôi lý do. Một tập hợp các hoàn cảnh ngẫu nhiên đã khiến tôi chọn lĩnh vực này, tôi cũng không thật hiểu vì sao. Có lẽ do định mệnh”. Có thể là định mệnh, nhưng một điều chắc chắn là tình cảm của anh với quê vợ tựa trên một cái nền vững chắc tri thức của một nhà Việt Nam học.

Xem danh mục các công trình nghiên cứu đã công bố của anh, thấy đụng chạm nhiều đến các vấn đề chính trị, xung đột và đặc điểm tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt, anh phân tích rất kỹ việc các thế lực từ bên ngoài sử dụng các yếu tố tôn giáo trong mô hình “quản lý xung đột” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17, các thế lực thực dân Phương Tây đã lợi dụng các giáo sĩ để thâm nhập vào Việt Nam. Trong thuyết quản lý xung đột có 3 giai đoạn: Một là cải đạo dân bản địa và xây dựng cộng đồng tôn giáo tại chỗ; Hai là, gây mâu thuẫn giữa giáo dân và bên lương; Ba là thực hiện sách lược gây mất ổn định cục bộ có tính quản lý và tiến tới xâm lược đối tượng.

Lịch sử cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã diễn ra theo kịch bản như vậy. Vladimir chỉ rõ: chiến thuật đó, cơ chế đó, “mô hình quản lý xung đột” đó cũng đang được các thế lực thù địch với Việt Nam áp dụng ngày hôm nay với việc truyền đạo trái phép ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc...

Vladimir cũng nghiên cứu sâu về các chuyển động chính trị của vùng Đông Nam Á. Phân tích chiến lược của các cường quốc đối với khu vực cực kỳ quan trọng đối với thế giới hiện đại này, anh đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam. Trong bài “Yếu tố Việt Nam trong hệ thống an ninh khu vực” mà anh viết riêng cho Đài BBC tháng 12-2008, anh nhận định các cường quốc “đều hiểu là họ không thực hiện được chính sách của mình nếu họ coi thường yếu tố Việt Nam. Điều đó khiến chúng ta phải coi yếu tố Việt Nam là hết sức quan trọng trong hệ thống an ninh khu vực đang trong giai đoạn biến đổi”.

Trong các phát biểu khác trên Thanh niên BBC, anh nhận xét ý đồ chiến lược của Trung Quốc là “rất rõ ràng đó là kiểm soát tài nguyên ở biển Đông và kiểm soát tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới này”, là “độc chiếm Biển Đông”. Anh khẳng định: “Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền kiểm soát đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...”.

Vladimir là một trong những người chủ chốt tham gia thành lập Viện Hồ Chí Minh ở khoa Phương Đông thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg, đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện, tổ chức nhiều hoạt động phong phú của Hội hữu nghị Nga - Việt thành Petersburg mà anh là chủ tịch...

Viện Hồ Chí Minh được khai trương ngày 19-5-2010, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác. Ngoài các vấn đề liên quan đến Việt Nam, Viện Hồ Chí Minh nghiên cứu các vấn đề quốc tế rộng. Chẳng hạn vừa qua, Viện tổ chức 3 semina khoa học về hiện tượng “Mùa xuân Arập”, phân tích rõ các thủ đoạn, thủ thuật kích động, gây xung đột để can thiệp của một số thế lực. Như việc một clip “biểu tình giải phóng” (cảnh bạo loạn) ở thủ đô Tripoli của Lybia lại được dàn dựng và quay ở Qatar, tại địa điểm có bối cảnh na ná Tripoli...

V. Kolotov thuyết trình về việc dùng mô hình
V. Kolotov thuyết trình về việc dùng mô hình "Quản lý xung đột" để can thiệp vào VN.

Vladimir kể rằng ý tưởng thành lập Viện Hồ Chí Minh và đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện trở thành hiện thực là nhờ công lao và sự phối hợp ăn ý của rất nhiều người, trong đó vai trò cực kỳ quan trọng thuộc về GSTS E.I. Zelenev - Trưởng khoa Phương Đông, GS TS N.M.Kropachev - Hiệu trưởng trường ĐHQG St. Petersburg, hai hiệu phó; hai vị đại sứ Việt Nam tại LB Nga là các ông Bùi Đình Dĩnh và Phạm Xuân Sơn.

Khoa Phương Đông báo cáo ý tưởng thành lập Viện lên Hiệu trưởng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Đại sứ Bùi Đình Dĩnh là người thảo văn bản đầu tiên báo việc này với nguyên thủ Việt Nam lúc đó là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tháng 4-2010, Đoàn đại biểu ĐHQG St. Petersburg đã sang làm việc với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Sau khi được sự chuẩn y của Chủ tịch nước Việt Nam, một đoàn đại biểu lãnh đạo Việt Nam do ông Tô Huy Rứa dẫn đầu đã sang ký hiệp định hợp tác và khai trương Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ở nước ngoài tại St. Petersburg vào ngày 19-5-2010. Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tặng Viện bức tượng Bác Hồ bằng đồng.

Trường và Viện quyết định đặt tượng Bác trong khuôn viên Viện. Cán bộ của sứ quán Việt Nam ở Nga đã chọn ngày giờ rất cẩn thận, lại đặt la bàn tỉ mỉ để tượng Bác quay hướng nhìn đúng về Tổ quốc Việt Nam. Khuôn viên ngoài tượng Bác còn có tượng Khổng Tử và được hưởng quy chế của bảo tàng ngoài trời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG