Tàu chiến 'made in Việt Nam'

Tàu chiến 'made in Việt Nam'
Cuối tháng 9-2011, tàu pháo TT400TP chính thức được nghiệm thu thành công tại cầu cảng của Công ty đóng tàu Hồng Hà (còn gọi là Nhà máy Z173, TP Hải Phòng). Đây là chiếc tàu pháo đầu tiên do VN sản xuất.

Sáng 27-9, đại tá Nguyễn Văn Đắc, chính ủy nhà máy, nhận được cuộc điện thoại: “Báo cáo chính ủy, tất cả hệ thống vũ khí khí tài trên tàu đã thử bắn đúng mục tiêu”.

Đôi mắt người chính ủy long lanh những giọt nước mắt hạnh phúc. Chỉ là dòng thông tin rất ngắn gọn nhưng là phút giây mà biết bao năm tháng qua, cả hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân của nhà máy chờ đợi.

Đại tá kể: “Các chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên nói rằng ở nước họ phải bắn thử mấy lần, rồi về phải chỉnh lại bắn mới đúng mục tiêu. Nhưng tàu do người VN đóng chỉ cần bắn thử một lần đã đạt độ chính xác đến hoàn hảo”.

Bước ngoặt đột phá

Bảy năm trước, khi nhận công tác giám đốc Nhà máy Z173, đại tá Nguyễn Văn Cường luôn trăn trở với câu hỏi: tự đóng tàu chiến trong nước hay mua? Đây là việc rất hệ trọng của quốc gia. Nếu mua thì mua tàu mới hay mua tất cả vật tư rồi chuyển giao công nghệ, để chuyên gia nước ngoài qua hướng dẫn cách đóng tàu? Hoặc là chỉ mua thiết kế sơ bộ, sử dụng nguồn nhân lực sẵn có và các chuyên gia trong nước, cho người đi nước ngoài đào tạo rồi tự đóng?

Hai năm sau, ban lãnh đạo Z173 đề xuất mua thiết kế sơ bộ tàu chiến và thiết kế vũ khí. Nhà máy sẽ phối hợp với Viện Thiết kế của quân đội để thiết kế, thi công công nghệ.

“Nếu mua bản thiết kế và chuyển giao công nghệ thì giá mỗi chiếc tàu lên đến hơn 10 triệu USD! Mua bản vẽ thiết kế sơ bộ chỉ tốn mấy trăm ngàn USD, còn thiết kế công nghệ thì mình chủ động làm. Khi đó, giá thành sản xuất một chiếc tàu sẽ rẻ hơn rất nhiều, chỉ gần 1 triệu USD, tiết kiệm được 90%!” - ông Cường cho biết.

Đại tá Cường nhìn nhận: “Con người là quan trọng nhất. Trước đó, chúng tôi đã đóng mới thành công tàu cảnh sát biển TT400, cũng mua thiết kế sơ bộ của nước ngoài. Vậy tại sao không thể đóng được tàu chiến? Tại sao chúng ta không dám đi con đường mà chưa ai dám nghĩ, dám đi trong khi có rất nhiều người tài như vậy?”.

Hàng trăm kỹ sư giỏi nhất của Z173 được đưa đến các học viện, ra nước ngoài tập huấn hơn ba năm để chuẩn bị cho dự án mang tính lịch sử này. Ban lãnh đạo Nhà máy Z173 đã chủ động đàm phán với các đối tác nước ngoài, tự bỏ tiền mua bản thiết kế sơ bộ rồi báo cáo chứng minh cho chủ đầu tư (Quân chủng Hải quân) và Bộ Quốc phòng: Z173 chắc chắn đóng được tàu chiến.

Vài số liệu về tàu pháo TT400TP

TT400TP là lớp tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động hoạt động trên biển với bốn nhiệm vụ: tiêu diệt tất cả tàu chiến đổ bộ và tàu hộ tống của địch; bảo vệ căn cứ các đội tàu đổ bộ và đội tàu hộ tống ở vùng hoạt động của các lực lượng và tàu phục vụ các lực lượng rà quét mìn; bảo vệ tàu dân sự trên biển và trinh sát chiến thuật cảnh giới mặt nước.

Chiều dài dài nhất 54,16m, chiều rộng rộng nhất 9,16m, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ. Tàu hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện gió cấp 9, 10 và sóng cấp 8, tầm hoạt động 2.500 hải lý.

Ngày 22-4-2009, con tàu TT400TP đã được đặt ky (sống chính của tàu). Đại tá Lê Văn Thước, phó giám đốc kỹ thuật, cho biết: “TT400TP được đóng theo phương pháp mới của thế giới là đóng tổng đoạn từng môđun độc lập (trong mỗi môđun được thiết kế và bố trí lắp đặt các thiết bị gần như hoàn chỉnh, sau đó chỉ cần cẩu - đấu - lắp tổng thành các đoạn môđun lại). Vì thế, các trang thiết bị đóng sẵn có thể đưa lên trước, tiến độ nhanh hơn, độ chính xác cao hơn. Nhưng từ bệ khuôn (phương pháp đóng tàu truyền thống) đến môđun là một bước tiến lớn về chuyển đổi công nghệ đóng tàu. Để làm được điều này, phải có con người và công cụ”.

Và không ai khác, chính các kỹ sư Nhà máy Z173 đã thiết kế thành công trên máy vi tính cái nào cần trước, cái nào cần sau... Các cán bộ, kỹ sư của nhà máy cũng phối hợp với chuyên gia ở các viện nghiên cứu trong nước ứng dụng phần mềm tiên tiến để triển khai thiết kế toàn bộ phần công nghệ, thiết kế các hệ thống trong không gian ba chiều và dùng phần mềm để phóng dạng, biến hình...

Theo đại tá Bùi Duy Chính - trưởng phòng kỹ thuật, khâu khó nhất là tự thiết kế chi tiết công nghệ phục vụ thi công phần tàu và phần lắp đặt vũ khí.

Ở phần tàu, các kỹ sư phải giải quyết bài toán có nhiều ẩn số: làm sao để sức cản của tàu nhỏ nhất, lượng choán nước ít nhất trong điều kiện công suất của máy không đổi để đạt được vận tốc tối ưu. Để tìm đáp án cho bài toán đầy thách thức này, các kỹ sư của nhà máy đã gần như phải thức trắng nhiều đêm.

Tàu pháo TT400TP đang được các kỹ sư và công nhân VN lắp đặt vũ khí - Ảnh: Nhà máy Z173 cung cấp (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tàu pháo TT400TP đang được các kỹ sư và công nhân VN lắp đặt vũ khí - Ảnh: Nhà máy Z173 cung cấp (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Giọt mồ hôi thầm lặng

Đại tá Nguyễn Văn Đắc nói: “Đến nay trình độ kỹ sư, công nhân đã nâng cao vượt bậc. Chúng tôi hi vọng đến chiếc tàu pháo TT400TP thứ ba sẽ có thể chủ động hoàn toàn trong tất cả thiết kế công nghệ đóng tàu”.

Để làm nên điều tự hào ấy, có biết bao câu chuyện bình dị nhưng xúc động về tình yêu lớn với công việc của các kỹ sư, công nhân trong quá trình thi công sản xuất tàu pháo TT400TP. Ông Đắc nhớ mãi hình ảnh một cô thợ hàn mảnh mai và xinh xắn cặm cụi làm việc với ổ bánh mì và chai nước. Nếu bỏ dở sẽ quên và làm bị lỗi vì một giắc cắm có hàng trăm mấu hàn nhỏ li ti.

Còn thiếu tá Nguyễn Văn Tiếp, quản đốc phân xưởng vũ khí khí tài, từ khi tiếp nhận vũ khí khí tài của tàu TT400TP, ông lo đến không ngủ được, bị hạ đường huyết, phải tiếp nước biển mấy lần. Nhiều đêm 3g, 4g sáng không ngủ được, người kỹ sư lại lấy bản vẽ ra nghiên cứu phương án lắp đặt hệ thống vũ khí khí tài.

“Cậu ấy làm đến quên ngày quên ăn dù có những tháng nhiệt độ dưới hầm tàu kín mít tới 37-38oC” - ông Đắc kể. Thiếu tá Tiếp nói rất bình dị: “Với chúng tôi, TT400TP không chỉ là công việc mà là niềm tự hào lớn và trách nhiệm lớn với đất nước mình”.

Và kết quả của những nỗ lực thầm lặng mà lớn lao ấy: tháng 8-2011, chiếc tàu pháo TT400TP đầu tiên “bằng xương bằng thịt” xuất hiện trong niềm xúc động của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy Z173.

Tăng sức mạnh chiến đấu cho hải quân Việt Nam

Đại tá Cao Hòa Bình (chủ nhiệm Cục Kỹ thuật hải quân): Tàu pháo TT400TP được trang bị các thiết bị hiện đại có độ tích hợp cao, nhiều tính năng nổi trội hơn so với cùng lớp tàu 400 tấn (như điều khiển máy chính máy phụ, hệ thống báo cháy, tự động dập cháy, hệ thống điều khiển vũ khí tự động, ổn định).

Thông thường để sản xuất một lớp tàu, người ta thiết kế sơ bộ, sản xuất mẫu thử, rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh thiết kế, sau đó mới sản xuất. Với tàu TT400TP, chúng ta vừa chuyển giao thiết kế vừa huấn luyện đào tạo đóng tàu, vừa giám sát thiết kế và thi công.

Nhưng kết quả đã được hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá rất cao. Về kỹ - mỹ thuật của tàu pháo TT400TP đều đảm bảo chất lượng, các thông số kỹ thuật đúng theo thiết kế.

TT400TP sẽ góp phần làm tăng sức mạnh chiến đấu cho hải quân Việt Nam và quan trọng nhất là Việt Nam từng bước làm chủ được công nghệ đóng tàu chiến, tạo thế chủ động trong việc đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo trang bị, phương tiện, vũ khí phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển.

Theo Mỹ Lăng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG