Dự kiến Vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020: Ít khả thi

Dự kiến Vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020: Ít khả thi
TP - “Nhiều khả năng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam sẽ không thể vận hành vào năm 2020 như dự kiến”. TS Trần Đại Phúc - chuyên gia hạt nhân quốc tế cao cấp, hiện đang giảng dạy cho các cán bộ nòng cốt theo lời mời của Chính phủ VN - trao đổi với PV Tiền Phong.

Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: An toàn nhất thế giới
> Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Phải báo cáo Quốc hội trước khi khởi công

Từ những phân tích nào khiến ông đưa ra nhận định nói trên, thưa TS?

Các quốc gia có ĐHN đều phải có một cơ quan an toàn hạt nhân (ATHN) hoàn toàn độc lập, có quyền thẩm định, đưa ra các quyết định trong mọi tình huống, từ khi xây dựng, vận hành thử, đến khi được cấp phép vận hành thương mại. Việt Nam không là ngoại lệ.

Trong quá trình 10 năm từ khi ta triển khai mặt bằng đến lúc vận hành thương mại, cơ quan ATHN quốc gia có chức năng lập ra các tiêu chí an toàn, dựa trên tiêu chí của các cơ quan pháp quy thế giới như Nhật, Pháp, Nga, đồng thời đáp ứng và phù hợp với môi trường VN. Tuy nhiên, hiện giờ VN chỉ có Cục An toàn bức xạ hạt nhân, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN). Đây là ngoại lệ. Cơ quan đó khó có thể đảm bảo một cách hữu hiệu chức năng thẩm định an toàn và tham sát trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN.

Đã thế, nhân lực của Cục An toàn bức xạ hạt nhân chỉ chừng 80 người, trong đó chỉ 30 người có khả năng thông hiểu ở mức cơ bản về Công nghệ hạt nhân. Nhóm khoảng 30 nhân viên này hiện tôi đang giảng dạy, còn rất trẻ, một phần mới tốt nghiệp, được đào tạo trong nước và nước ngoài chừng vài tháng, vài năm. Nhưng dù có học 4 – 5 năm ở nước ngoài, trở về với bằng kỹ sư hạt nhân, cũng chỉ là học lý thuyết đơn thuần, mà lại chỉ chuyên ngành về vật lý hoặc thủy động học, trong khi liên quan tới lò phản ứng hạt nhân có hàng chục chuyên ngành khác.

Ở châu Âu, Mỹ, Nga, trong lĩnh vực hạt nhân, đòi hỏi cán bộ phải có kinh nghiệm ít nhất 8 – 12 năm. Cơ quan An toàn Pháp (ASN) và Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật (IRSN), trong 10 năm từ 1975 – 1986, đã đào tạo được từ 85 người lên thành 1.800 người. Đó là do Pháp dựa trên những hạ tầng cơ sở khoa học sẵn có. VN chưa có gì trong tay thì khó có thể làm được điều này, trong khi từ nay đến 2020, VN phải có ít nhất 500 người trong lĩnh vực ATHN.

Do đó, dự kiến vận hành thương mại nhà máy ĐHN đầu tiên năm 2020 có nhiều khả năng là không đạt được.

Nếu chậm lại có gây ra thiệt hại gì không?

Việc chưa sẵn sàng về nhân lực khiến VN có thể phải thuê chuyên gia, thuê một cơ quan pháp quy quốc tế khác để thẩm định các hồ sơ An toàn liên quan tới địa điểm và thiết kế của nhà máy ĐHN. Ví dụ như, phải cần từ 1.800 – 2.500 Euro một ngày cho một chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy ĐHN, nếu tiến hành phương sách này trong thời gian dài sẽ tốn kém rất nhiều. Và như thế, sự chuyển giao và cập nhật công nghệ nhà máy ĐHN sẽ không được như mong muốn.

Trong bối cảnh đó, theo ông Việt Nam phải có hướng đi như thế nào được cho là hợp lý nhất?

Đào tạo hiện tại rất quan trọng. Trong 45 năm tham gia thẩm định hồ sơ an toàn tất cả các thiết kế của Phần Lan, Nhật Bản, Đức, Mỹ, v.v… và tham gia các chuyến đi giám sát tại các nước nói trên, tôi đã thu thập được các tài liệu không thể có trong trường đại học. Trong khi đó, các giáo trình thông thường được dạy trên thế giới là chương trình cơ bản cho vật lý hạt nhân, chưa cụ thể về kỹ thuật, chưa chuyên sâu về công nghệ. Dù có gửi người sang học thì khi trở về cũng chỉ mô tả được chung chung, kinh nghiệm thực tế thì chưa có, để có thể thẩm định các hồ sơ An toàn liên quan tới nhà máy ĐHN vốn vô cùng phức tạp.

Trong thời gian gấp rút là 10 năm từ nay đến khi dự kiến vận hành nhà máy ĐHN, VN phải có một hội đồng quốc gia hợp tác với các trường đại học lớn và các chuyên gia, tạo ra một giáo trình đặc biệt dạy cho chuyên gia VN trước khi gửi họ đi học nước ngoài.

Hiệu trưởng các trường Đại học nổi tiếng trong nước cho biết đang suy nghĩ về việc xây dựng một giáo trình giống như tôi đề cập, nhưng việc triển khai hơi chậm trễ, không quyết liệt như Trung Quốc và Hàn Quốc mà tôi có dịp tiếp xúc trong thập niên 80 - 90.

Ông đánh giá như thế nào về công nghệ mà VN lựa chọn cho nhà máy số một?

Công nghệ của Liên bang Nga có thể xem là công nghệ tốt nhất thế giới. So với các nước châu Âu, Mỹ, Nga có phần nhỉnh hơn về kỹ thuật, nhưng về “văn hóa bảo vệ chất lượng” trong lắp ráp và xây dựng lại chưa bằng các nước tiên tiến Âu, Mỹ.

Vấn đề đảm bảo chất lượng, hay “văn hóa an toàn” này chiếm bao nhiêu phần trăm trong chi phí giá thành của lò hạt nhân?

Về tài chính có thể ảnh hưởng 20% giá thành của lò và 20% trong khi vận hành. Một sơ hở về đảm bảo chất lượng nếu phải dừng lò trong 1 – 2 ngày, có thể mất 1 triệu USD/ngày, với lò 1.000 MW.

Cảm ơn ông.

TS Trần Đại Phúc đã có 45 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực ĐHN tại các quốc gia tiên tiến như Pháp, Canada, Bỉ, Úc. Ông từng đảm nhiệm vai trò kiểm soát viên hạt nhân quốc tế và hiện đang sinh sống tại Pháp. Ông về Việt Nam lần này theo lời mời của Chính phủ Việt Nam với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức đào tạo về lĩnh vực ĐHN cho các cán bộ của Cục An toàn bức xạ hạt nhân và các cơ quan liên quan.

TS Phúc vừa trao tặng cho Bộ KHCN một thư viện nhỏ khoảng 2.000 cuốn sách ông thu thập được trong suốt sự nghiệp khoa học.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG