Tăng lương, cấp nhà để giữ công nhân

Phần lớn các xưởng may tại công ty May Bình Minh đã đông đủ công nhân
Phần lớn các xưởng may tại công ty May Bình Minh đã đông đủ công nhân
TP - Trong khi rất nhiều doanh nghiệp (DN) điêu đứng vì công nhân đình công hoặc bỏ việc, nhất là sau mỗi dịp Tết, thì ở nhiều DN khác người lao động lại gắn bó, giúp cho DN phát triển đi lên. Quan tâm, chăm lo đời sống người lao động là nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này.

>> 500 công nhân đình công đòi tăng lương

Phần lớn các xưởng may tại công ty May Bình Minh đã đông đủ công nhân
Phần lớn các xưởng may tại công ty May Bình Minh đã đông đủ công nhân .

Dám tin và dám chi

Tính đến trưa 16-2 (14 tháng Giêng), sau 3 ngày ra quân, số lao động trở lại làm việc tại Cty CP May Sài Gòn 3 là 2.650 người, nhiều hơn tổng số lao động trước tết 100 người. Giải thích về số lao động vượt, ông Phạm Xuân Hồng-Tổng GĐ cho biết, trước Tết chỉ có 50 công nhân có đơn xin nghỉ việc vì những lý do cá nhân, bù lại sau Tết có thêm 150 lao động mới đầu quân.

Ông Nguyễn Đức Lung- Phó Giám đốc Cty May Bình Minh (TPHCM) cho biết, tính đền thời điểm trên, có đến 95% trong tổng số 1.600 lao động của Cty đã có mặt và bắt tay vào sản xuất. So với nhiều đơn vị khác cùng ngành, tỷ lệ lao động trở lại nhà máy sau Tết tại Cty May Bình Minh là khá lớn.

Ông Hồng cho rằng, điều cốt yếu nhất để người lao động gắn bó là DN phải biết chăm lo cuộc sống của họ và xây dựng được mối quan hệ lao động, tạo niềm tin cho mọi người. May Sài Gòn 3 chú trọng việc chăm lo đời sống và mạnh dạn đầu tư cho người lao động bằng các chính sách thiết thực như tăng lương, giảm giờ làm, hạn chế tối đa việc tăng ca trong những ngày thường và chấm dứt làm việc ngày chủ nhật...

“Khi đưa ra chính sách này, nhiều cán bộ quản lý cũng lo ngại, nhưng thực tế đi vào sản xuất thì hiệu quả tăng cao. Do đầu tư và sắp xếp sản xuất hợp lý, người lao động được nghỉ ngơi đúng mức nên năng suất tăng cao, thu nhập cũng tăng nên người lao động rất phấn khởi”- ông Hồng nói. Thu nhập bình quân của công nhân Cty tăng từ 3 triệu đồng năm 2009 lên 3,9 triệu đồng/người/tháng trong năm 2010 và đặt mục tiêu nâng lên 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2011.

Nhiều DN khác cũng có những chính sách quan tâm chăm sóc thiết thực đối với người lao động. Tuy nhiên, ở nhiều DN khác, lãnh đạo lo ngại nếu đầu tư nhiều cho người lao động rồi họ bỏ đi nơi khác là xem như mất nên không chịu mở hầu bao. Và đó là một trong những lý do khiến nhiều công nhân không trở lại nhà máy làm việc.

Theo một vị lãnh đạo Hiệp hội Dệt - May Việt Nam, không quan tâm chăm sóc người lao động là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết DN quy mô nhỏ trong ngành đang rất thiếu lao động.

Xây nhà ở, nhà giữ trẻ cho công nhân

Một trong những cách đầu tư căn cơ mà gần đây nhiều DN đang triển khai là xây nhà lưu trú cho công nhân. Cty Giấy Sài Gòn (SGP) đã đầu tư xây dựng khu căn hộ dành cho CNCNV tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu, vốn đầu tư (giai đoạn 1) 8,5 tỷ đồng, gồm chung cư 5 tầng với 32 phòng ở gia đình và 8 phòng tập thể với đầy đủ tiện nghi, ưu tiên cho những lao động từ các tỉnh xa, gắn bó lâu dài và khó khăn về nhà ở.

Cty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 dãy chung cư, đồng thời xây dựng nhà trẻ, sân chơi và tổ chức các mô hình giải trí cho người lao động.

Trước đó, Cty CP Acecook Việt Nam đã đưa vào hoạt động một chung cư dành cho nữ công nhân của Cty tại Bình Dương với vốn đầu tư 1,5 triệu USD. Đại diện Acecook Việt Nam cho biết, chung cư ưu tiên cho các công nhân gắn bó lâu năm với Cty và đạt nhiều thành tích trong lao động.

Sắp tới, Acecook Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng khu chung cư dành cho công nhân nam ở Bình Dương và ở nhiều khu vực khác có nhà máy Acecook Việt Nam. Cty May Bình Minh cũng đã triển khai xây dựng gần 100 căn hộ cho công nhân tại KCN Bình An (Bình Dương).

Ngoài đầu tư xây dựng nhà ở, nhiều DN còn xây dựng nhà giữ trẻ cho công nhân. Ông Nguyễn Ân-TGĐ Cty CP may Sài Gòn (GMC) cho biết, 80 % trong tổng số khoảng 3.600 công nhân của công ty là nữ. Trước tình trạng nhiều công nhân phải nghỉ việc sau khi sinh con vì không có nhà giữ trẻ, GMC đã đầu tư xây dựng khu nhà ở miễn phí cho công nhân gần nhà máy của Cty tại Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), trong đó có cả nhà giữ trẻ.

Theo ông Ân, việc xây dựng nhà ở nói riêng và các chính sách hỗ trợ công nhân nói chung là cách đầu tư hiệu quả dài lâu cả về kinh tế lẫn xã hội, nó không chỉ đem lại lợi ích cho người lao động mà còn đem lại lợi ích cho DN.

Cần trên 20 ngàn lao động

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đồng Nai cho biết hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang cần tuyển dụng trên 20 ngàn lao động phổ thông để đáp ứng tiến độ đơn hàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều khó tuyển dụng được lao động. Có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài chuyên về sản xuất linh kiện điện tử trước đây đưa ra nhu cầu tuyển dụng công nhân phải có trình độ văn hóa PTTH, sau đó hạ xuống trình độ THCS và tiểu học, đến nay thì chỉ cần người biết chữ. Một số doanh nghiệp đưa ra thông báo tuyển dụng trả lương ngay trong thời gian học việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG