Chợ hàng 'dỏm' vây công nhân

Thịt, rau được bày bán trên mặt đường, ngay cổng một KCN ở Đồng Nai
Thịt, rau được bày bán trên mặt đường, ngay cổng một KCN ở Đồng Nai
TP - Đã thành thông lệ, cứ gần giờ tan ca, hàng trăm cái chợ 'chồm hổm' nhanh chóng mọc lên ngay cổng các công ty, hoặc gần các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai. Chợ bày bán la liệt đủ loại hàng hóa, thực phẩm, trong đó phần lớn là hàng dỏm, hàng nhái hay những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Thịt, rau được bày bán trên mặt đường, ngay cổng một KCN ở Đồng Nai
Thịt, rau được bày bán trên mặt đường, ngay cổng một KCN ở Đồng Nai.

Hàng tiêu dùng dỏm

Trước giờ tan ca, trong phút chốc, hàng trăm người với đủ loại hàng hóa đổ bộ trước cổng các Cty lớn như Pouchen (xã Hóa An, TP Biên Hòa), Cty Changsin (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), đoạn đường Bùi Văn Hòa, gần KCN Biên Hòa 2, Loteco... hình thành nên những cái chợ chồm hổm. Tiếng rao hàng, tiếng tranh giành chỗ buôn bán vang lên ỏm tỏi.

Tại khu vực trước cổng Cty Pouchen, hai người đàn ông trải tấm bạt ra đất bày lên hàng chục túi xà bông đỏ trắng OMA, nhìn qua rất giống sản phẩm bột giặt OMO.

Người bán hàng tay cầm chiếc áo nhúng qua nhúng lại trong thau nước sủi bọt xà bông giặt biểu diễn, miệng thao thao bất tuyệt giới thiệu tính năng, công dụng của loại xà bông... OMA và đặc biệt là sản phẩm mới của Cty nên được chào bán giới thiệu với số lượng hạn chế và giá cực rẻ, chỉ có 60 ngàn đồng cho mỗi túi có trọng lượng 2,5kg.

Nhiều công nhân vây quanh và có người nhanh tay mua hàng. Một nữ công nhân cho biết: Cứ khoảng một tuần họ quay lại bán hàng, cũng thứ xà bông này họ rao sản phẩm mới quanh năm.

Trước cổng Cty Changsin, những người bán áo rao to “hai áo sơ mi chỉ 30 ngàn đồng”. Anh bán hàng mau miệng giới thiệu: “Đây là hàng Cty thanh lý”. Bên cạnh, một chị bán dép trải hàng trăm đôi dép lên tấm bạt và trưng tấm bảng giới thiệu 15 ngàn đồng/2 đôi. Thấy nhiều công nhân đắn đo lựa chọn, chị bán dép nhanh nhẩu quảng cáo: “Đây là hàng xuất khẩu, Cty xuất hàng tồn kho mới có giá rẻ như vậy!”.

Tại các chợ chồm hổm này, hàng mỹ phẩm, sản phẩm dành riêng cho chị em được bày bán la liệt nhìn qua rất giống với sản phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng, nhưng xem kỹ thì nơi sản xuất là những Cty lạ hoắc.

Chị Nguyễn Thanh Nhàn, công nhân làm tại Cty Pouchen nói: “Biết là hàng dỏm nhưng vẫn phải mua, vì với mức lương công nhân thì làm sao nghĩ tới hàng hiệu, hàng siêu thị được. Nếu chẳng may mua về dùng bị làm sao thì phải chịu thôi”.

Thực phẩm ôi thiu

Chợ chồm hổm chủ yếu bán vào cuối buổi chiều, khi công nhân tan ca. Do đó, các loại thực phẩm sau một ngày cũng đã ngả màu. Chị Hà bày ra mớ chả cá, chả lụa ra chiếc mâm để trệt trước cổng Cty Changsin cho biết: “Buổi sáng, tôi bán quanh chợ Tân Bình, chiều ra đây bán cho công nhân”.

Kế đó, chị bán thịt heo bày những miếng thịt tái nhợt, đầy ruồi bu quanh, miệng liên tục mời khách. Lật qua, lật lại, cuối cùng một chị công nhân cũng mua cho mình một miếng thịt nhợt nhạt. Chị nói, thời gian đâu để mà đi chợ khác, mà ở đây giá cả cũng phù hợp với mức sống công nhân.

Dạo qua một loạt chợ công nhân ở Long Bình, Trảng Dài, Hóa An (TP Biên Hòa), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Hố Nai (huyện Trảng Bom), điều dễ nhận thấy tại các khu chợ này là hầu hết thực phẩm bán tại đây đều không tươi ngon, thậm chí chỉ là hàng dạt. Tuy nhiên, những chợ tự phát này đều được người tiêu dùng chủ yếu là công nhân chấp nhận vì giá rẻ. Còn chất lượng, xuất xứ,... gần như người mua không mấy chú ý.

Chị Nguyễn Thị Lệ đang làm việc ở KCN Hố Nai 3 (Trảng Bom) nhìn nhận: “Công nhân thu nhập thấp, cũng chẳng có nhiều thời gian chọn lựa, nên các khu chợ tự phát là nơi công nhân lựa chọn, với nhu cầu giá rẻ. Thực ra, người tiêu dùng là công nhân thì rất khó phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật; hay thực phẩm nào tốt xấu”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Đồng Nai cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500 cơ sở bán hàng rong. Đây là mối nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Tuy nhiên về biện pháp ngăn chặn, kiểm soát, chủ yếu mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, chứ không đủ lực lượng để kiểm tra, xử phạt.

Trong khi đó cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra là Chi cục Quản lý thị trường cũng nhận định: Các chợ phục vụ công nhân hầu hết là tự phát, tính ổn định thấp nên rất khó kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh, dịch bệnh... 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG