Nông dân đi trước vẫn nghèo

Nông dân ĐBSCL đã thu hoạch lúa bằng máy khoảng 30% diện tích
Nông dân ĐBSCL đã thu hoạch lúa bằng máy khoảng 30% diện tích
TP - Theo định hướng của Bộ NN-PTNT, sản lượng lương thực của ĐBSCL đạt 21 triệu tấn vào năm 2020, nhưng năm nay đã đạt được, vượt trước 10 năm. Nông dân thâm canh lúa với năng suất cao áp dụng công nghệ sinh thái, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế… nhưng nhiều người vẫn nghèo đói và thất học.
Nông dân ĐBSCL đã thu hoạch lúa bằng máy khoảng 30% diện tích
Nông dân ĐBSCL đã thu hoạch lúa bằng máy khoảng 30% diện tích . Ảnh: Lê Phương Chăm

Năng suất cao, công nghệ mới

Tại hội thảo Nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, bền vững do Bộ NN-PTNT và UBND TP Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ sáng 7-12, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nông dân ĐBSCL vượt định hướng về sản lượng lúa của Bộ NN-PTNT đến 10 năm là nhờ tăng năng suất.

Còn PGS Nguyễn Văn Huỳnh ở Trường Đại học Cần Thơ nhận xét, nông dân ĐBSCL đang thâm canh cây lúa theo chiều sâu, xây dựng cơ sở vững chắc cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.

PGS Huỳnh cho biết, hơn năm nay, nông dân ĐBSCL áp dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa. Đây là công nghệ phòng trừ rầy nâu hại lúa không sử dụng thuốc trừ sâu. Khởi đầu từ vụ lúa đông xuân 2009-2010 tại hai địa điểm có rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá gây hại trầm trọng ở huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang), nông dân được hướng dẫn trồng trên bờ ruộng các hoa dại như sài đất, xuyến chi, cúc gót…

Những loại hoa này có nhiều mật và phấn hoa thu hút nhện, ong ký sinh, chuồn chuồn, kiến ba khoang là thiên địch của rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá. Nông dân hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu mà rầy nâu rất ít, năng suất lúa đạt 7,8 tấn/ha.

Sang vụ hè thu, nông dân tiếp tục trồng hoa dại và không sử dụng thuốc trừ sâu, hiệu quả vẫn rất tốt. Công nghệ sinh thái đang được mở rộng toàn tỉnh Tiền Giang.

Ở tỉnh An Giang, từ vụ hè thu 2010 có 15 nông dân ở xã An Bình (Châu Thành) trồng hoa dại trên bờ bao cánh đồng 30 ha. Đều là những loại hoa dại ở địa phương như sao nhái, cúc mặt trời, mè, trâm ổi, cũng hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu mà năng suất lúa đạt 6,5 tấn/ha. Vụ đông xuân 2010-2011, tỉnh An Giang khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi công nghệ sinh thái.

PGS Huỳnh cho biết, trong thiên địch có loại ký sinh vào trứng rầy nâu đạt tỷ lệ đến 40% mà về lý thuyết ký sinh 30% đã diệt rầy nâu hữu hiệu. Kết quả của công nghệ sinh thái càng cao khi áp dụng chặt chẽ biện pháp phòng trừ tổng hợp. Và thêm hiệu quả kinh tế nếu trên bờ bao trồng thêm rau màu.

Một số hộ nông dân áp dụng việc trồng hoa nhử thiên địch trong vườn cây ăn trái cũng cho kết quả khả quan. Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho biết, Cần Thơ đang vận động nông dân áp dụng công nghệ sinh thái trong các khu vườn cây ăn trái ở huyện Phong Điền, trọng điểm du lịch sinh thái của thành phố.

Nông dân vẫn nghèo, mù chữ

Sản lượng lương thực tăng nhưng thu nhập của nông dân ĐBSCL không tăng tương xứng. Theo TS Nguyễn Văn Sánh ở Trường Đại học Cần Thơ, chênh lệch giàu nghèo đã lên đến 6,4 lần và ngày càng rộng thêm. Khi nông dân còn nghèo thì chưa thể có một nền nông nghiệp bền vững gồm ba phương diện: Kinh tế, môi trường, xã hội.

Hiện nay, nhiều nông dân ĐBSCL không những nghèo mà còn thất học. Tại tỉnh An Giang, một trọng điểm lúa của ĐBSCL, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2009 còn có 13% dân số từ 15 tuổi trở lên ở nông thôn không biết đọc, biết viết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng TS Sánh nhấn mạnh “kỹ năng tổ chức sản xuất nối kết với thị trường”. Sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn manh mún, hộ gia đình “trồng để ăn, có thừa thì bán”, còn doanh nghiệp vẫn lối kinh doanh hàng xáo buôn chuyến.

Theo TS Sánh, kinh nghiệm phát triển tam nông trên thế giới có 4 giai đoạn: thúc đẩy sản xuất, hội nhập mở rộng thị trường, phát triển cơ chế chính sách hội nhập kinh tế, hiện đại hóa hội nhập. Nước ta đang ở hai giai đoạn đầu, bắt đầu vào giai đoạn ba nhưng chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức.

Đề cập khía cạnh xuất khẩu, nguyên Chánh chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), TS Trần Văn Đạt, nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Ông nói: “Cần tổ chức kết nối đội ngũ thương lái, giới xay xát, chế biến với hoạt động xuất khẩu để đảm bảo chất lượng cao cho lúa gạo”.

Trong kinh doanh, cần chấm dứt tình trạng trộn nhiều loại gạo để thành gạo trắng có phẩm cấp thấp như hiện nay. Các doanh nghiệp lớn không “ngồi không hưởng lợi” nữa mà phải đầu tư, tổ chức, xây dựng thương hiệu, mở mang thị trường. Để làm điều này, cần có các quy định về quản lý, giám sát, ông Đạt nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG