GS Vũ Khiêu kể chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp

GS Vũ Khiêu kể chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bắt đầu từ một một cuốn album lưu giữ những tấm ảnh mà Giáo sư  Vũ Khiêu (94 tuổi) chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, kiệm lời mà đầy đủ, giáo sư Vũ Khiêu đã kể về hành trình dài làm việc và gần gũi bên vị tướng của dân tộc.
GS Vũ Khiêu kể chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Giáo sư Vũ Khiêu kể lại: “Tôi được gần gũi với đồng chí Võ Nguyên Giáp cách đây gần 60 năm. Từ ngày tôi là Giám đốc thông tin ở Việt Bắc, thường hay qua lại chỗ Bác Hồ và cũng có nhiều lần gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp ở gần đó.

Từ năm 1950, bắt đầu các chiến dịch trên toàn quốc, tôi được phái vào làm ủy viên tuyên huấn phụ trách tuyên huấn của khu ủy của Việt Bắc, đồng thời của ngành thông tin tuyên truyền của Việt Bắc và của Quân đội nhân dân của Việt Bắc, nên tôi thường xuyên được điều động sang nắm thông tin tuyên truyền. Nhờ vậy, tôi được gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp thường xuyên cho đến ngày hòa bình lập lại.

Có những vấn đề được đồng chí giao tôi chuẩn bị biên soạn, sơ thảo để đồng chí duyệt, tôi đã làm hết sức mình.

Năm 1980, tôi được giao dịch lại “Bình Ngô đại cáo” cho Hội nghị Quốc tế về Nguyễn Trãi trong đó có Hội thảo quốc tế về sáng tác của Nguyễn Trãi do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặc biệt đi sâu nghiên cứu về tư tưởng của Hồ Chí Minh. Đồng chí có chủ trì một đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là công trình rất xuất sắc khái quát cả tư tưởng Hồ Chí Minh, từ sự ra đời của tư tưởng, việc ứng dụng trong thực tế và tồn tại mãi trong sự học tập, suy nghĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh của cán bộ và nhân dân cho đến hôm nay.

Với những tình cảm sâu sắc đó về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã tặng đồng chí đôi câu đối: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm” (Một vế nghĩa là võ công ghi vào sử đất nước, công lao của đồng chí về mặt quân sự sẽ tồn tại mãi mãi. Vế kia là đạo đức và văn chương của đồng chí trùm lên lòng người). Đôi câu đối này đã được đồng chí đặt ở đằng sau chỗ ngồi làm việc.

Nhiều năm qua, tôi vẫn đến thăm gia đình đồng chí. Và bao giờ đồng chí cũng sẵn sàng đón tiếp.

Đồng chí là người cao niên nhất và rất tài ba đức độ nên họ Vũ của chúng tôi đã lấy câu đối khắc trên bia đá rất lớn ở làng Mộ Trạch. Đồng thời trồng cây lưu niệm của đồng chí ở đó.

Sinh nhật tôi 90 tuổi, đồng chí đã tặng tôi một lời đề tặng. (Chính là bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi ở giữa hai bên là Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Trần Văn Giàu và đằng sau là bảy nhà khoa học nổi tiếng. Bên trái bức ảnh là đề tặng: “Mừng anh Vũ Khiêu, một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ văn hóa anh hùng năm nay thọ 90 xuân” mà Giáo sư Vũ Khiêu treo trang trọng trên tường căn phòng làm việc của mình).

Trong quá trình lâu năm làm việc với đồng chí Võ Nguyên Giáp, tôi thấy đồng chí là một người suốt đời nhiệt tình với cách mạng và Tổ quốc, kiên quyết với kẻ thù và đầy niềm tin với chiến thắng của ta. Đồng chí cũng là người luôn thông minh sắc sảo.

Ngay cả khi giao việc cho anh em viết nhưng bao giờ đồng chí cũng kiểm tra đọc lại kỹ càng và mang tính sáng tạo của riêng đồng chí. Đảm bảo được tính dân chủ khi giao cho anh em nhưng đồng chí luôn trực tiếp chỉnh sửa và viết lại từng câu chữ. Nhờ vậy mà các bài văn đều chặt chẽ, gọn gàng, sắc sảo.

Trong vấn đề quan hệ với các cán bộ, đồng chí rất bình dị, đầy tình yêu thương. Nếu ai đến thăm đồng chí đều tiếp và đều sẵn sàng cho chữ ký.

Vào đầu mùa xuân 2010, tôi đã tặng đồng chí một đôi câu đối: “Thăng Long thiên tải hội/ Đại tướng bách niên xuân” (Thăng Long có hội lễ ngàn năm. Đúng dịp Đại tướng 100 mùa xuân).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.