Vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Vi phạm chủ quyền của Việt Nam
TP - Trước thông tin Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16-5 đến 1-8-2010 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam, PV Tiền Phong trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam.
Vi phạm chủ quyền của Việt Nam ảnh 1
Ông Trần Cao Mưu

Ông Trần Cao Mưu nói: Việc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản là cần thiết. Việt Nam cũng đã có những lệnh cấm tương tự nhưng trong giới hạn vùng biển thuộc chủ quyền của mình, không ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của nước khác.

Nhưng ở đây, lệnh cấm của Trung Quốc đã bao trùm cả vùng biển tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính vì thế, lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế.

Thưa ông, lệnh cấm mà phía Trung Quốc đưa ra ảnh hưởng thế nào đến hoạt động khai thác của ngư dân Việt Nam?

Nếu theo lệnh này thì Trung Quốc sẽ ra ngăn cản vì cho rằng ngư dân Việt Nam vi phạm lệnh cấm trong khi ngư dân Việt Nam đang khai thác hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của mình. Ngay khi chưa có lệnh cấm, ngư dân Việt Nam khai thác hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã liên tiếp bị phía Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc.

Khi có lệnh cấm này sẽ gây tâm lý hoang mang, lo ngại của ngư dân khi khai thác thủy sản tại các vùng biển, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân.

Hội nghề cá Việt Nam đã làm gì nhằm bảo vệ ngư dân?

Phải khẳng định rằng: Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, nên không có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam.

Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm sai trái trên, đồng thời không được bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hội Nghề cá đề nghị Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao có biện pháp can thiệp, phản kháng những hành động ngang ngược, vô lý, vi phạm các điều ước Quốc tế và những ứng xử trên Biển Đông của lực lượng chức năng Trung Quốc.

Hội Nghề cá đề nghị các địa phương cần động viên ngư dân yên tâm khai thác trên biển. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ những ngư dân khai thác hợp pháp, không may bị nước ngoài bắt giữ.

Ông có khuyến cáo gì với ngư dân đi khai thác trên biển?

Ngư dân Việt Nam hãy tiến hành hoạt động khai thác bình thường trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng phải tuân thủ nghiêm những quy định về khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi mà nhà nước đã ban hành.

Khi đi khai thác ngư dân nên đi theo đoàn, tổ để hỗ trợ nhau khi cần thiết.  Khi gặp sự cố trên biển cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng, bộ đội biên phòng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đề nghị giúp đỡ ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ

Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản số 78 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT đề nghị giúp đỡ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt giữ (ngày 4-5), tịch thu tài sản và đòi phạt tiền.

Hội Nghề cá đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần sớm thông qua con đường ngoại giao can thiệp để phía Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm sai trái trên, không lặp lại các hành động tương tự, trả người, phương tiện vô điều kiện và bồi thường thiệt hại cho ngư dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 1 đến 5-2010, Trung Quốc liên tiếp bắt giữ 6 tàu cá và đang giam giữ 3 tàu của ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa, đây là hành động ngang ngược, vô lý, vi phạm các điều ước quốc tế và những ứng xử trên Biển Đông.

Nhật Minh
Thực hiện

MỚI - NÓNG