Lính đứng vời trông, lệch cả đảo chìm
Tháng 4/1996, lần đầu tiên tôi được đi thăm Trường Sa. Trừ khu vực giữa đảo có một số cây xanh, hầu khắp đảo Trường Sa là những căn nhà lợp tôn trên nền cát san hô, trắng nhức mắt dưới cái nắng thiêu đốt. Đảo Trường Sa Đông bây giờ rộng rãi, rợp bóng cây xanh, nhưng lúc đó, hầu như không một bóng cây. Ở các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông, bộ đội ở trong những ngôi nhà lâu bền xấu xí, như những chiếc lô cốt, bên cạnh vẫn còn nhà cao chân dựng từ năm 1988, nay dùng để trồng rau. Những mảnh “ruộng rau” bé bằng chiếc chiếu, được lính đảo che chắn kỹ, vừa ngăn gió vừa ngăn chuột. Chỉ tiêu ăn rau muống, rau mồng tơi hằng ngày của cả đảo được tính bằng từng ngọn, từng lá. Đại úy Đỗ Quốc Bình, đảo trưởng đảo Trường Sa Đông nói, mỗi ngày lính đảo được hơn chục lon Pepsi. Sang thế? Nhưng đó là lon Pepsi để đong định suất nước hằng ngày cho mỗi người…
Cánh nhà báo thường được đi chuyến xuồng đầu tiên từ tàu vào đảo. Xuồng còn cách mép nước hàng chục mét, lính đảo đã lội nước ào ra để kéo xuồng cập đảo. Những nụ cười tươi, những cái ôm thật chặt. Nhưng sau đó, ánh mắt lính đảo lại đăm đắm hướng ra chuyến xuồng sau. Trên tờ báo tường của đảo Đá Đông, tôi đọc thấy câu thơ: “Đoàn văn công theo con tàu đang tới, lính đứng vời trông, lệch cả đảo chìm…”. Chỉ khi thấy rõ các cô gái văn công trên xuồng, niềm vui của họ mới bùng ra hết cỡ. Cả năm trời chỉ có mấy “thằng” với nhau, lính đảo khát khao được thấy, được nắm tay một cô gái, được nghe một giọng nói dịu dàng. Nhưng khi văn công lên đảo rồi, các anh lại trở nên vụng về, không dám làm quen. “Nhiều anh cứ ngồi nhìn, chẳng nói gì chỉ say sưa ngắm bọn em thôi, thương lắm”. Thanh Thủy, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị nói với tôi.
Tấm lòng với người đã khuất
Tháng 3/2009, thấy một số người nói rằng sự kiện ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin bị giấu nhẹm, tôi chụp ảnh toàn bộ các bài viết trên báo Nhân Dân từ tháng 2/1988 đến tháng 4/1988 về việc Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa năm 1988, đưa lên blog của tôi. Trong đó, có danh sách 74 người hy sinh và bị coi là mất tích trong sự kiện 14/3/1988, được đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 28/3/1988 (sau này, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cung cấp cho tôi danh sách chính thức 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988). Trong những người lính đã kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma, có liệt sĩ Võ Đình Tuấn, quê ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Ngày 22/12/2010, trước khi được ra Trường Sa lần thứ hai, tôi tìm về thôn Phú Hữu. Cụ Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn tự tay viết và trao cho tôi một lá thư gửi hương hồn người con trai mãi mãi tuổi hai mươi. Sáng 12/1/2011, tại vùng biển cạnh đảo Gạc Ma, trong lễ tưởng niệm những người con đất Việt hy sinh ngày 14/3/1988, trên một chiếc xuồng nhỏ, tôi đọc to rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta: “Cha mẹ Võ Ta – Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Mong linh hồn con siêu thoát”. Gió cuốn tro thư bay lên cao trước khi hòa vào sóng nước Trường Sa. Ngửa mặt lên trời, tôi thấy như mây trắng quần tụ lại, thành những dáng người đang nhìn xuống, cảm giác như Võ Đình Tuấn và các đồng đội của anh đã nhận được thư của cha mẹ anh. Bài trên báo Tiền Phong, clip bản tin của VTV1 về lễ tưởng niệm được tôi đưa lên blog, với niềm tin: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên!”.
Do trái tim mách bảo hay hương hồn anh Tuấn mách bảo, chị D., người yêu xưa của anh Tuấn đã thấy ảnh anh ở blog của tôi. Hai người chưa một lần nắm tay nhau, chưa từng có một nụ hôn, nhưng hình bóng Tuấn vẫn không phai mờ trong tâm trí D. “Nhiều khi, D. hy vọng Tuấn không hy sinh, đang ở một nơi nào đó. Một buổi sáng, Tuấn sẽ xuất hiện trước mặt D., vóc người tầm thước, nước da ngăm đen, mái tóc quăn, nụ cười chân chất...”. D. chat với tôi. Câu chuyện về tình cảm của chị D. dành cho anh Tuấn đã được kể trong bài báo “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, đăng trên báo Tiền Phong và báo Khánh Hòa trong tháng 5/2011. Chưa được ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi, cuối năm 2011 chị D. đã nhờ tôi và đồng nghiệp gửi vào lòng biển Gạc Ma những kỷ vật tình yêu của anh chị.
Những sự hy sinh âm thầm, lớn lao
Phóng viên Nguyễn Đình Quân đọc thư của cụ Võ Ta gửi liệt sĩ Võ Đình Tuấn, tại lễ tưởng niệm ngày 12/1/2011
Sáng 18/1/2011, khi đón anh em hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Tiên Nữ ra tàu Trường Sa 22, chúng tôi đã trải qua những phút lo lắng đến thắt lòng. Mấy lần xuồng công tác kéo xuồng chuyển tải vượt mép xanh (vùng rìa bãi cạn san hô tiếp giáp biển) đều bị sóng hất dựng ngược, chết máy. Anh em trên đảo phải mặc áo phao, lội nước ra kéo hai xuồng trở vào. Cố gắng vượt mép xanh ở hướng khác, xuồng công tác bị sóng đánh chìm. Tàu Trường Sa 22 phải cấp tốc hạ xuồng cứu sinh, kéo hai xuồng về tàu. Khi lên tàu, Đại úy Nguyễn Duy Bá, Chính trị viên đảo Tiên Nữ nói với tôi: “Chúng tôi ở đảo vất vả chút, nhưng thấm gì so với vợ ở nhà. Mọi việc gia đình, hiếu hỉ, nuôi dạy con đều một tay vợ lo toan hết”. Có những người vợ vừa phải chịu đựng nỗi cô đơn hằng năm trời, vừa phải chịu những điều thị phi đối với người phụ nữ vắng chồng, sự hy sinh, thiệt thòi của họ khó có thể diễn tả hết bằng lời…
Chiều 28/12/2010, ở quân cảng Cam Ranh, tôi chứng kiến cảnh Trung úy Bùi Minh Nam chia tay vợ con, trước khi anh lên đường ra đảo Song Tử Tây. Cậu con trai Bùi Minh Đức mới 2 tuổi, chưa hiểu gì về sự chia ly, cứ vô tư chào kiểu con nhà binh với mọi người. Trong khi đó, vợ Trung úy Nam là chị Trần Thị Loan thỉnh thoảng lại lấy khăn tay lau nước mắt, đôi mắt đỏ hoe. Chiều ngày 2/1/2013, tôi lại gặp đôi mắt đỏ hoe ấy. Sau ít ngày về đất liền, trung úy Bùi Minh Nam lại ra Trường Sa, lần này anh làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Vợ chồng họ lại phải xa nhau, đằng đẵng... Khi đoàn tàu rời bến đưa những người lính ra đảo xa, nhiều phụ nữ, nhiều cô gái thẫn thờ dõi mắt trông theo, những cặp uyên ương vừa vẫy tay chào vừa nói với nhau qua điện thoại, miệng cười mà mắt ướt. Những gương mặt buồn, những đôi mắt ngấn nước ấy nhắc tôi rằng, để giữ gìn bờ cõi Tổ quốc, đã có biết bao sự hy sinh âm thầm, lớn lao.