Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng “Canh ngọn đèn đợi sáng”

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tại cuộc ra mắt tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng”
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tại cuộc ra mắt tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng”
TP - Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - một người Việt được biết đến ở Nga không chỉ bởi tài thơ mà còn bởi nỗi đau khôn cùng: năm 1993 con gái đầu lòng của ông bị mất tích.

Suốt mấy chục năm nay, nhà thơ - tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng ở lại nước Nga tìm con gái và trong sự tìm kiếm vô vọng đó, ông kịp cho ra đời trên 10 tập thơ. Tập mới ra mắt ở Hà Nội có tên Canh ngọn đèn đợi sáng.

Dường như ông luôn trong tâm thế “Canh ngọn đèn đợi sáng”, chờ một tin vui, một cái gì đó mới mẻ vào ngày mai?

Tôi đã từ bỏ mọi thứ dành cho mình ở phía trước để ở lại nước Nga với một niềm hy vọng, đó là gặp lại đứa con gái đầu lòng bị lạc. Tôi đã gắng hết sức, đã đi khắp bốn phương, đã ngửa mặt cầu xin khắp chốn, đã chấp nhận một cuộc sống chật vật, đã chịu biết bao đắng cay mà bút giấy không thể nào tả xiết. 

Khi mọi thứ đã không ở trong bàn tay mình, tôi chỉ biết phó thác cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hy vọng. Và những đêm dài canh đèn đợi sáng, tôi thấp thỏm đợi một dòng tin, một lời nhắn gửi tốt lành mà tôi đã mỏi mòn chờ suốt hơn hai chục năm đằng đẵng: “Một mình, một bóng đêm đêm/ Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con...”.

Thắp ngọn đèn đợi sáng mong ngày mai đến vì tôi sống 1/3 thế kỷ ở Nga, nhiều trải nghiệm, đi rất nhiều. Nước Nga mênh mông bay từ Mátxcova về đây đúng 8 tiếng, nhưng bay từ đầu đến cuối nước Nga 12 tiếng. Tôi mong ngày mai trời lại sáng hơn.

Thật khó hình dung một người đàn ông mất con bao năm canh ngọn đèn đợi sáng phải vất vả mưu sinh xứ người nhưng đã sáng tác không ngừng nghỉ để cho ra đời trên 10 tập thơ?

Tôi viết nhiều, sau những thời gian lao động. Đằng sau bức chân dung tâm hồn của mình là hình ảnh những người con đất Việt xa xứ. Ăn ở đi lại vô cùng khó khăn đắt đỏ, nước Nga đã ba lần đạt danh hiệu đất nước đắt đỏ nhất thế giới. Cho nên đối với những nhà văn nhà thơ như chúng tôi, ngay ngồi viết cũng là điều ghê gớm. Tôi chấp nhận tất cả vì đó là nghiệp, bảo bây giờ dừng làm thơ, tôi không thể dừng được.

Tôi may mắn được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thấy tôi là người châu Á, ngài quan tâm. Tôi hỏi: “Thưa thầy, con vừa đọc xong cuốn Cuộc sống sau cái chết, vậy xin hỏi thầy: cuộc sống sau cái chết chúng ta còn cái gì? Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: người ta bảo sau khi chết, con người để lại di cốt và linh hồn, như thế đúng nhưng chưa đủ. Người đó còn để năng lượng cho đời sau. Một nhà thơ để lại những tác phẩm mà đời sau đọc thấy xúc động, thì đó là năng lượng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đọc “Canh ngọn đèn đợi sáng” nhận xét: “Tôi bắt gặp cái buồn năm tháng, cái buồn thân phận”. Phải chăng âm hưởng chung là của tập thơ là nỗi buồn?

Có lẽ cái buồn của tôi khác với cái buồn của anh Vũ Quần Phương. Cái buồn của anh Phương là: “Tôi không buồn vì những buổi chiều/ Vì tôi đã sống quá nhiều ban mai”. Anh đã có quá nhiều ban mai nên anh buồn vừa vừa thôi. Thực sự tôi không chịu được những người hơn hớn hả hê, đến đâu cũng vỗ tay. Tôi rất thích cái buồn thánh thiện. “Buồn ta là buồn muôn đời/ Buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn”.

Tập thơ này tập hợp những bài viết trong gần hai năm, vài bài tôi đã chọn đưa vào tuyển thơ nước Nga Một thời tôi từng có. Lúc đầu tôi định đặt tên Khi biết mình là co cho tập thơ này, xuất phát từ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ người Mỹ Walt Whitman: “Tôi xin hiến đời tôi cho bùn đất/ để làm nẩy sinh ngọn cỏ tôi yêu” “Nếu bạn muốn gặp tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn” để nói lên phẩm thế của một con người, nhưng sau đó tôi thay bằng Canh ngọn đèn đợi sáng, chuyển tải được nhiều tâm trạng của tôi. Nói một cách giản dị, Canh ngọn đèn đợi sáng với những mảng màu đậm nhạt khác nhau, tôi khắc họa đôi nét chân dung tâm hồn mình trong dòng chảy thời gian và không gian đa chiều.

MỚI - NÓNG