Một người Đà Nẵng say đắm sách

 Ông Trương Văn Thông trong thư viện thu nhỏ ở căn nhà của mình
Ông Trương Văn Thông trong thư viện thu nhỏ ở căn nhà của mình
TP - Nhiều tiệm sách ra đời, sách mới, sách online liên tục tuôn ra mỗi ngày, nhưng không ít người vẫn tìm đến căn phòng nhỏ của ông Trương Văn Thông (số 187 Hùng Vương, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) để tìm mua sách cũ. Điều gì thu hút họ như vậy?

Con hẻm nhỏ dẫn vào nhà ông Trương Văn Thông (63 tuổi) vừa đủ lọt một người. Căn phòng chừng hơn ba chục mét vuông, ban ngày vẫn phải bật điện. Đây là nơi sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình mấy chục năm nay. Trước ánh mắt vẻ ái ngại của chúng tôi, ông cười: “Trông chật chội thế này thôi chứ chưa bao giờ sách bị ẩm ướt hay ủ mục”.

Phần lớn không gian căn nhà dành cho sách. Đập ngay vào mắt gian phòng khách chừng 10 m2 như một nhà sách thu nhỏ. Với nhiều loại sách được đánh dấu và xếp ngăn nắp. Sách được xếp trên giá, lấn sang cả chiếc bàn đặt uống nước. Chiếc cầu thang gỗ cũng được thiết kế những kệ sách đặc biệt nhằm tận dụng tối đa diện tích. Sách xếp dọc hai bên tường lối đi dẫn xuống nhà bếp và sang phòng ngủ.

“Có đến hàng chục ngàn cuốn sách nên phải tận dụng mọi chỗ, thiết kế kệ sách theo cách riêng của mình để sách không bị “ngộp thở” và mình cũng dễ nhớ, dễ tìm” - ông nói.

Hỏi ông không thuê mặt tiền để trưng bày làm sao khách hàng biết mà tới mua? Ông cười, “Sách không phải là mặt hàng thông thường, nhất là với sách cũ nó đã định dạng khách hàng quen cả rồi”.

Thèm sách!

Từ nhỏ ông thích đọc tiểu thuyết nổi tiếng của Nga, Pháp, Đức… rồi sau này chuyển sang đọc sách triết học. Từ khi là sinh viên Trương Văn Thông đã nổi tiếng “trùm” săn sách cũ; Cứ tan giờ học và trước giờ làm thêm lại đạp xe quanh các con phố bán sách cũ để tìm mua. Khuya, lại chong đèn đọc.

“Có đến hàng chục ngàn cuốn sách nên phải tận dụng mọi chỗ, thiết kế kệ sách theo cách riêng của mình để sách không bị “ngộp thở” và mình cũng dễ nhớ, dễ tìm”.

Ông Trương Văn Thông

Ra trường, với tấm bằng Văn khoa, Luật khoa và Anh văn, Trương Văn Thông được nhận vào làm thông dịch viên, rồi trưởng phòng tổ chức an ninh bảo vệ công ty. So với bạn bè, anh kiếm được một công việc như vậy là khá ổn. Song, lương của mỗi tháng cũng chỉ đủ nuôi một anh chàng độc thân, còn đồng nào lại đổ hết vào sách.

Nhưng cũng chỉ được 7 năm như thế, kinh tế khó khăn, công ty phải tinh giảm những người lớn tuổi hơn, trong đó có ông. Dốc hết số tiền tiết kiệm lẫn bồi thường nghỉ hưu non, ông mở được một sạp sách báo nhỏ ở bờ hồ đường Hàm Nghi. Còn căn nhà nhỏ ở con hẻm đường Hùng Vương biến thành nhà sách thu nhỏ.

“Ổng suốt ngày mê mẩn với sách thôi. Bữa cơm cũng nói về các nhân vật trong sách” - Bà Châu Thị Lượng, vợ ông chia sẻ.

Hỏi về những kỷ niệm với sách, ông bảo sống với nó mỗi ngày, không kể hết những kỷ niệm. Nhưng nhớ nhất những lần “đau” vì sách. Sau chuyến công tác xa về, thấy tủ sách của mình bị vơi đi phân nữa. Máu dồn lên mặt, nhưng rồi lại ngậm ngùi khi bố ruột tự nhận rằng ông đã bán bớt sách cho mấy người thu mua phế liệu để lấy tiền đong gạo.

Bạn của giới trẻ yêu sách

Nước da hơi sẫm màu, nét mặt khá nghiêm nghị, nhưng khi hỏi về sách thì mắt ông sáng hẳn lên. Những cuốn sách quý, nguyên tác nhưng xuất bản quá lâu rồi, không còn xuất bản mới hoặc xuất bản cũng không chuẩn như ban đầu. Lúc đó sách cũ trở nên rất quý. Thế nên hành trình đi tìm những cuốn sách cũ cũng không hề đơn giản. Có những tập sách ông phải mất hai, ba năm mới sưu tập đủ bộ.

Sách được ông đưa về từ nhiều nguồn. Ông đăm chiêu, có những cuốn sách rất quý nhưng người ta không hiểu hết giá trị nên cứ ném dồn vào chồng phế liệu thấy rất xót xa.

Sinh viên các trường Kinh tế, Ngoại ngữ, Sư phạm hay những học sinh trung học thường tìm đến ông để nhờ tìm những cuốn sách ưng ý. Với lượng kiến thức, hiểu biết vốn có ông chủ tiệm không những tìm những bộ sách ưng ý mà còn tư vấn sách tham khảo.

Hồ Thị Hạnh, sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế bộc bạch: “Mỗi lần cần tìm sách gì mình nghĩ ngay tới việc tìm tới nhà bác Thông. Sinh viên tụi mình ít ai có tiền để mua được hết những cuốn sách ưng ý, nên thường tìm mua những bộ sách cũ để tham khảo”.

“Một bộ phận giới trẻ bây giờ cũng còn sống hời hợt. Không thích đọc sách. Cả ngày ôm máy tính để chơi game lướt facebook hoặc xem phim. Trẻ, khỏe và có đam mê nhưng nếu hổng kiến thức, thiếu hiểu biết sẽ rất khó để thành công (thành công theo nhiều nghĩa chứ không riêng giàu có tiền bạc) sau này” – ông Trương Viết Thông.

MỚI - NÓNG