Du khách Việt xấu xí, giảm nhưng chưa hết

Du khách xả rác trên khán đài sau khi xem chọi trâu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Du khách xả rác trên khán đài sau khi xem chọi trâu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nhìn lại một năm chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, hình ảnh xấu xí giảm rõ rệt, nhưng người Việt chưa có thói quen ứng xử văn minh một cách tự nhiên như hơi thở.

Tiến bộ hơn

Cuối tháng 3 năm ngoái, Hiệp hội Du lịch Việt Nam lần đầu tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam” mong muốn chấn chỉnh ứng xử của du khách. Sáng 9/4 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế 2017, hiệp hội có cuộc tọa đàm nhìn lại một năm thực hiện chiến dịch này.

“TransViet là công ty khởi xướng và thực hiện gần hai năm qua. Lúc đầu chúng tôi lo khách phản ứng nhưng không ngờ họ ủng hộ và thực hiện rất tốt. Gần như không còn cảnh chen lấn xô đẩy, lấy thức ăn thừa mứa. Điều này cũng khiến cả đoàn du lịch vui vẻ hơn, không còn cảnh chịu đựng nhau như tật nói to, trễ giờ của vài cá nhân”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc TransViet nói.

Lãnh đạo một công ty vận chuyển lớn xác nhận ý thức khách tốt hơn trước rất nhiều. Trước đó ác mộng của các nhà vận chuyển là khách thiếu ý thức và xả rác bừa bãi trên xe, nay chỉ còn ít trường hợp khó chịu khi bị nhắc nhở. Ông Nguyễn Hoan, Giám đốc Cty Hanoi Redtours khẳng định: “Lúc đầu chúng ta nghĩ nâng cao hình ảnh du khách Việt là nghĩ đến hình ảnh đất nước con người Việt Nam, thực tế chiến dịch này rất có lợi cho doanh nghiệp lữ hành. Nếu tất cả du khách đều ứng xử văn minh coi như tour du lịch thành công, chỉ vài du khách không thực hiện đều ảnh hưởng tới doanh nghiệp khi phải giải quyết sự cố”.

Chớ vội mừng

Các đại biểu đều nhất trí dù thành quả đáng mừng nhưng ngành du lịch phải nỗ lực, kiên trì hơn nữa. TransViet nêu ví dụ công viên Yên Sở thường ngập trong rác mỗi dịp sự kiện và ngày lễ lớn, sau khi có chiến dịch ứng xử văn minh công viên trở nên xanh sạch hơn. “Chúng tôi tuyên truyền người dân vứt rác đúng chỗ, phát túi nilon để khách bỏ rác, tổ chức trò chơi cho gia đình nhặt và phân loại rác. In băng rôn răn đe bị phạt hai  triệu đồng nếu xả rác bừa bãi”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói. Nhiều người cũng không đồng tình chiến dịch nhặt rác tình nguyện, dễ dẫn tới suy nghĩ phải xả rác để họ có việc mà làm.

Một đại diện doanh nghiệp lữ hành cho rằng, dù các công ty đều gửi cho khách cẩm nang du lịch, hướng dẫn viên cần hướng dẫn kỹ hơn và không ngại làm mất lòng khách. Điều này thuận lợi hơn sau khi Bộ VHTTDL ban hành bộ Quy tắc Ứng xử Văn minh Du lịch hôm 17/3. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn. “Tôi cho rằng, các khuyến nghị này nên được biểu tượng hóa thay vì dòng chữ dài để khách nào cũng có thể hiểu được, chẳng hạn biểu tượng xếp hàng, vào chùa không mặc váy ngắn. Bộ quy tắc thực tế chỉ là định hướng cho nên khó có cơ chế giám sát, xử phạt. Xử phạt có cái được cái không nhưng giám sát hoàn toàn có thể và chính ngành du lịch giám sát lẫn nhau”, ông Nguyễn Hoan nói.

Ông Nguyễn Hồng Đài (APT Travel) Chủ nhiệm CLB Du lịch Thủ đô đề xuất phải có diễn đàn phản ánh các hiện tượng không đẹp. Một đại biểu khác cũng đề nghị quy tắc ứng xử nên đưa thẳng vào chương trình tour buộc khách hàng phải quan tâm. Một hướng dẫn viên có thâm niên đưa khách ra nước ngoài nói rằng, người Việt lúc tham quan thực hiện nghiêm nhưng “về tới khách sạn lại hiện nguyên hình là người Việt”.

Để có được hành xử văn minh, nhiều người cho rằng, điều này phải ngấm từ nhỏ bằng giáo dục và các quy định pháp luật. Ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch (ĐH Mở) khẳng định, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên du lịch được rèn kỷ luật thép. “Tôi thấy bên ngành Dược có nhà thuốc đạt chuẩn, có lẽ ngành du lịch cũng phải có doanh nghiệp đạt chuẩn”, ông Dân nói. Trước đó nhiều ý kiến  cho rằng, hiệp hội nên đưa tiêu chí thực hiện quy tắc ứng xử văn minh du lịch làm một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu, giải thưởng du lịch.

Đánh giá chiến dịch này không thể một sớm một chiều. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, nâng cao hình ảnh du lịch cũng là nâng cao vị thế quốc gia. “Chúng ta chê du khách Trung Quốc nhưng xin thưa người Việt cũng không thua kém. Cùng với tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, việc xây dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện, văn minh cũng góp phần nâng cao sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế”, ông Ngô Hoài Chung nói.

“Tôi thấy bên ngành Dược có nhà thuốc đạt chuẩn, có lẽ ngành du lịch cũng phải có doanh nghiệp đạt chuẩn”.

Ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch (ĐH Mở)

MỚI - NÓNG