Nỗi “sợ” ấy theo mô tả của lãnh đạo ngành ngoại giao, đại loại rằng không những lãng phí lớn ngân sách (nước bạn chả việc gì phải “sợ” điều này!), mà bạn vừa tiếp đoàn này, trả lời câu hỏi này, mai đoàn khác sang lại cũng hỏi đúng câu ấy, rồi ngày kia, ngày kìa…
Nếu chỉ vậy chưa phải sợ, mà là oải. Phong trào “học tập mô hình” ở trong nước có lẽ đã hết mốt, nay chuyển hướng ra ngoài nước cho oách. Nhiều “mô hình” xứ ta quanh năm suốt tháng chả làm ăn gì được, đoàn này vừa kéo đi, đoàn kia lục tục đến. Tỉnh lúa An Giang, ông Chủ tịch vừa than từ đầu năm đến nay phải tiếp 70 đoàn công tác, nhiều đoàn ăn ở từ 1-3 tháng. Lâu nay đủ loại hội nghị, hội thảo lớn bé cứ nhè các khu du lịch nổi tiếng để tổ chức. Tên gọi kêu như mõ, bầu đoàn thê tử bay ra bay vào, nhưng hội có, mà nghị với thảo thì hẻo, lại thường bị cắt bỏ nhiều “hạng mục” để kéo nhau tham quan, du hí. Đi Tây công cán, chắc cũng vậy.
Sợ, có lẽ còn ở vế khác. Nhưng thôi, sẽ không nói chuyện “người Việt xấu xí” khi ra nước ngoài nữa. Có những người xứ mình chả cần đi đến đâu cũng từng khiến ông chủ của Microsoft “khiếp vía” nữa là. Chỉ cần ông tỷ phú này đăng trên facebook một tấm hình dây điện nhằng nhợ tại Việt Nam, là biết nhau ngay!
Ngồi trong nước nghiên cứu về năng lực hội nhập khoa học, công nghệ với thế giới, các nhà khoa học còn bị đòi “chia” tới cả nửa tổng kinh phí để đi “ngoại giao, cám ơn”. Một dạo, một nước Bắc Âu đột ngột dừng tài trợ mấy dự án ODA nghiên cứu về biến đổi khí hậu, cũng gây lùm xùm.
Một số người đang đề xuất đổi múi giờ của Việt Nam từ GMT + 7 lên GMT + 8 để “hội nhập” hơn với thế giới. Nhưng nghĩ cho cùng, đổi lên đổi xuống ngày vẫn 24 tiếng. Nắng, chạy trời vẫn toát mồ hôi. Hội nhập kiểu gì, nếu không gột rửa bớt được cái thói, cái tính cố hữu, khiến người ta bớt “sợ” đi, cũng bằng thừa!