Sách và văn

Sách và văn
TP - Có lẽ trên đời này chả mấy nhà văn được “hưởng sướng” như ông Nguyễn Nhật Ánh, khi đang còn “mạnh chân khỏe tay” mà đã có hẳn một cuộc thi để độc giả viết về văn mình.

> Nguyễn Nhật Ánh 'ngồi khóc' ở Hà Nội
> “Bảo tôi viết hiện thực, có lẽ tôi chịu”

Mở ra cuộc thi viết “Nguyễn Nhật Ánh và tôi”, nhà xuất bản Trẻ phải nói là tài, dù rằng sách của ông Ánh xưa nay chẳng cần PR gì nhiều, sách in liền tù tì, cha trước con sau cứ thế mà đọc. Bằng chứng là chỉ trong vòng 5 tháng, đã có tới trên 1.000 bài dự thi gửi về.

Cuộc thi vừa trao giải đình đám. Giải nhất thuộc về một chàng trai Hà Nội 33 tuổi với bài viết có cái tựa rõ dài “Tác phẩm của chú đã giúp tôi vượt qua giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời”.

Cái sự “đen tối” của anh chàng chỉ là lười học ham chơi, bị bố bắt ở nhà…chăn gà, nuôi lợn ! Thế rồi một hôm cậu vớ phải một cuốn truyện của ông Ánh. Thay đổi suy nghĩ từ đấy, trở lại việc học, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, có vợ con đàng hoàng, tất nhiên là không liên quan gì đến lợn gà nữa. Còn NXB Trẻ, nhân đà nay quyết định đổi bìa, tái bản trên 20 đầu sách của ông Ánh…

Liên tưởng đến trường hợp nữ tỉ phú da màu huyền thoại của truyền hình Mỹ Oprah Winfrey, nhờ những trang sách mà vượt thoát ra khỏi cái nông trại nghèo nàn ở Mississippi để chinh phục thế giới.

Tại Brazil, bốn trại giam liên bang nơi đang giam giữ những tù nhân khét tiếng nhất, vừa áp dụng chương trình đọc sách chuộc tội. Tù nhân được đọc 12 tác phẩm kinh điển. Cứ mỗi tuần đọc một cuốn xong viết bài thu hoạch, mỗi năm sẽ được giảm 48 ngày tù. Ở Paris, có nhiều tour dạy viết văn, thu hút vô số sinh viên, các cây bút trẻ từ khắp thế giới, với học phí đắt đỏ.

Sức hút tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là bởi chứa đựng trong đó những “kho” hồn nhiên không bao giờ vơi cạn. Trong lúc việc dạy văn, học văn trong nhà trường hiện nhiều khi như một “cực hình”, do thiếu đi tố chất đặc biệt trên.

George Bernard Shaw, nhà soạn kịch lừng danh nước Anh từng hài hước: “Nhờ đọc sách mà Don Quixote trở thành người quân tử, nhưng vì quá tin vào sách mà ông bị điên”. Ứng vào tình huống này, học trò xứ ta chắc không đến nỗi “bị điên”, nhưng cũng phải căng óc vì những bài giảng văn khô cứng, giáo điều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG