> Phóng viên Tiền Phong giữa vùng binh biến
> Tác nghiệp giữa nỗi đau kép
Chiều 13/6, vừa đến nơi, nghe tin địch ném bom vô cùng dã man vào trại điều trị bệnh nhân phong Quỳnh Lập ở huyện Quỳnh Lưu (trên 2.000 bệnh nhân), phá hủy cơ sở, giết chết hơn 200 bệnh nhân, PV Mạc Lân lập tức đạp xe ngược ra Quỳnh Lập. Vô cùng căm phẫn trước tội ác tày trời, ông đã hoàn thành nhanh chóng bài viết.
Ngay sáng hôm sau, do không có phương tiện truyền bài về tòa soạn, lại cũng không gửi được ai, ông lại đạp xe hơn 200 km về Hà Nội để kịp in bài trong số báo gần nhất. Bài báo “Chúng tôi đòi được trả thù” đăng trên trang 1 số báo 1363 là bài báo đầu tiên tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước công luận, gây tiếng vang mạnh mẽ.
Năm 1968, thực hiện đề nghị của Trung ương Cục miền Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cử 32 cán bộ Đoàn đi hoạt động tại chiến trường B2 (gồm các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long). Bốn phóng viên báo Tiền Phong gồm Nguyễn Phong Sơn (nhà văn Sơn Tùng), Nguyễn Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền và Phạm Hậu được cử tham gia đoàn. Cùng với những nhà báo khác họ đã làm tờ báo Thanh Niên của T.Ư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam, ra tủ sách Thanh niên ở chiến trường. Họ đã đi sát các đơn vị, nhiều lần kề cận cái chết.
Tháng 4/1971, địch oanh kích vào trụ sở của Trung ương cục ở Tây Ninh. Nhà báo Sơn Tùng bị thương nặng. Ông bị 14 mảnh đạn M79 găm khắp người, hai bàn tay và cánh tay đều bị nặng sau này chỉ cứu được 3 ngón bàn tay trái và cả hai tay bị co rút, hai mảnh đạn găm sát cạnh não không thể gắp ra được. Rất may ông được chính đồng chí Sáu Phong - Nguyễn Minh Triết khi đó là phó văn phòng Trung ương Cục (sau này trở thành Bí thư T.Ư Đoàn, UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), cùng đồng đội phát hiện đưa đi cứu chữa kịp thời nên thoát chết. Trên phải đưa ông sang Trung Quốc điều trị dài ngày nhưng sức khỏe chỉ hồi phụ phần nào, xếp loại thương binh hạng nặng nhất 1/4.
Sau đó, nhà văn Sơn Tùng đã tỏ rõ một tấm gương và nghị lực phi thường, tiếp tục sống và lao động sáng tạo, trở thành tác giả của rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị, trong đó nổi tiếng nhất là các cuốn sách, tiểu thuyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng tỏ rõ một nhân cách cao đẹp, được mọi người kính trọng, nể phục. Năm 2011, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động.