Nhà số 15

Nhà số 15
TP - Nhà văn Lê Minh Khuê có thời là phóng viên Tiền Phong. Từ một đơn vị TNXP chiến trường, chị cộng tác rồi chuyển hẳn về báo.

> Vì sao báo Tiền Phong tổ chức thi hoa hậu?
> Báo Tiền Phong đã có nhiều thành tích đáng tự hào (*)

Nhà văn Lê Minh Khuê (áo trắng, đứng giữa) với các đồng nghiệp ở tòa soạn Tiền Phong. Ảnh: Mai Nam
Nhà văn Lê Minh Khuê (áo trắng, đứng giữa) với các đồng nghiệp ở tòa soạn Tiền Phong. Ảnh: Mai Nam.

Năm 1969 tôi ở khu Bốn về báo Tiền Phong làm phóng viên. Dạo đó Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào. Bom đạn ác liệt hơn vì số lượng bom vẫn thế mà bây giờ tập trung hạn chế vào một vùng. Đơn vị tôi ở trong đó một thời gian thì được chuyển ra cầu Hàm Rồng.

Từ cầu Hàm Rồng mình về báo Tiền Phong. Hà Nội vẫn thỉnh thoảng có báo động nhưng với người từ vùng chiến sự trở về, tiếng còi báo động như gió thoảng thôi. Ngạc nhiên hết sức khi thấy các sếp của báo đội mũ sắt đi rất nhanh xuống hầm trú ẩn - cái hầm ở trong nhà, giữa phòng khách nhà cũ. Còi báo an đã lâu các sếp mới trở lên.

Về báo Tiền Phong người tôi quý mến đầu tiên là anh Tất Vinh. Dạo đó các anh Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân đã rời khỏi báo rồi và cũng đang gặp chuyện. Không rõ có chuyện gì nhưng anh Tất Vinh trong câu chuyện kể với tôi thường bảo: Báo Tiền Phong trước có nhiều người khá đấy.

Anh Tất Vinh như cố ý ăn mặc luộm thuộm, quần ống thấp ống cao, lúc nào cũng như vội đi đâu. Anh bảo: Làm báo phải linh hoạt nghe chưa. Mày cứ ra ga Hàng Cỏ ấy, hỏi han người ta rồi phóng tác lên chứ lúc nào cũng đận đà trình tự như mày thì có đến mùa quít. Anh nói rồi kéo tôi thì thầm: Tao nói thế thôi chứ không được ẩu. Nghe tao một phần thôi! Viết lách phải cẩn thận. Chắc anh ấy muốn nói cái gì nhưng thấy tôi ngố quá lại thôi. Mà dạo đó ngố thật. Mới 20 tuổi lại ở rừng ra lại được giáo dục rất ngăn nắp nên nhiều chuyện phải trố mắt ra mà nhìn mà nghe.

Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương năm 2002, trước khi xây lại. Ảnh: phạm yên
Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương năm 2002, trước khi xây lại. Ảnh: phạm yên .
Và hiện nay Ảnh: hồng vĩnh
Và hiện nay Ảnh: Hồng Vĩnh.

Báo Tiền Phong có những người đặc biệt dễ nhớ. Có một phóng viên già người trong Nam tên là Tuân. Ông có câu chuyện như bị ám ảnh. Trong chiến dịch năm nào đó ông từng là lính thổi kèn trận. Các ông có ba người nhận nhiệm vụ chôn cất hai liệt sĩ. Mưa to. Hố đào lên thì nước tràn vào. Một ông phải nhảy xuống hố tát nước bằng mũ sắt. Một ông bế liệt sĩ đưa cho người tát nước còn dưới hố và để hai liệt sĩ đã liệm bằng áo bạt xuống. Việc rất vội vàng vì chậm nước sẽ dềnh lên. Ông Tuân đứng trong mưa thổi kèn bài Hồn tử sĩ. Ông kể. Ông diễn tả nước mưa. Tiếng kèn. Ông kể rất nhiều lần. Lần nào ông cũng như sắp khóc. Một lần ngồi ở phòng khách ông lại nói: Mưa, tôi vuốt nước mưa, tôi phải thổi bài Hồn tử sĩ thật to. Mọi người bỏ đi dần. Ông quay lại bảo tôi: Cô tốt đấy. Cô nghe. Còn họ thì, có hiểu gì đâu!

Ông không biết rằng vì ông kể nhiều quá người ta nghe quen rồi.

Tôi còn nhớ ông Phương Nam cũng người trong Nam. Ông rất to béo và dễ tính. Ông thường gọi khi tôi ăn cơm: Nè, vô đây biểu. Thường ông cho tôi thức ăn, bảo: Tao nấu nhiều, cho mày, thanh niên bồi dưỡng. Sau này ông đi làm ủy ban gì đó trong trại Đavít ở Sài Gòn. Không được gặp ông nữa!

Ngày đó không có gì bồi dưỡng ngoài mấy đồng lương nhưng đã nhận việc thường hết sức hoàn thành. Ông Nguyễn Thanh Dương, Tổng biên tập báo giao việc: Có một đôi thanh niên cần phải biểu dương. Hợp với cô. Cô đi làm đi!

 Bây giờ cây đại xum xuê ở sân đã mất. Cái cầu thang lên ngôi biệt thự cũ cũng không còn. Mọi thứ cao lớn hơn sáng choang hơn nhưng mỗi lần đứng ở cuối đường Hồ Xuân Hương tôi vẫn hình dung rõ nhà số 15 cũ.

Nhà văn Lê Minh Khuê

Tôi nghe tóm tắt rồi đạp xe đi. Bây giờ nghĩ lại còn sợ. Vì sao ngày đó sức lực dồi dào thế. Người tôi cần viết là chị Hồng thương binh cụt hai tay. Chị ấy là TNXP bị bom ở Trường Sơn. Anh tên là Uyên. Hai người yêu nhau ở mặt trận, đều bị thương. Chị Hồng không muốn anh Uyên khổ nên chị “trốn” ở trại thương binh trên Ba Vì. Anh Uyên ở lại trại thương binh Hà Nam đang tìm chị. Tôi đạp xe lên Ba Vì gặp chị Hồng, động viên chị. Rồi lại đạp xe đến Hà Nam gặp anh Uyên động viên anh. Tôi viết bài báo dài về hai anh chị, đặt tiêu đề gì đấy nhưng các sếp bắt đổi là Mối tình chân chính. Bài báo ra đời rất có tiếng vang trong thanh niên miền Bắc. Nhiều chi đoàn học tập tấm gương hy sinh và chung thủy của hai anh chị. Sau đó hai người cưới nhau. Bây giờ họ sống ở trại an dưỡng Thuận Thành - Bắc Ninh, các cháu đã lớn.

Không biết tôi có công gì không trong việc chắp nối tình cảm của hai anh chị. Nhưng hơn 40 năm qua, việc của họ rất ổn và tôi thấy công đạp xe đi về của tôi thời ấy không uổng. Và bao nhiêu người ảnh hưởng họ đã lên đường nhập ngũ tôi không biết. Nhưng cứ nghĩ quãng đường lên Ba Vì (đi hai lần) - quãng đường về Nam Hà cũng hai lần, mà khâm phục sức đi của tôi. Các anh chị ở báo Tiền Phong ngày đó đi nhiều như vậy, và viết nhiều. Anh Hữu Thanh, anh Trần Quang... là những người rất chịu khó đi.

Ngày đó tôi rất sợ mấy ông trí thức trẻ của báo vì tôi là người lính ít học. Nhưng tiếp xúc rồi thấy các anh rất tốt. Phan Cung Việt hay mặc quân phục. Người đã đến Quảng Trị giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972, vào thành cổ mới được giải phóng để viết phóng sự.

Anh Từ Quốc Hoài (Nguyễn Văn Giáo), anh Ngô Thế Oanh đều mới ra trường. Hai người mê thơ Exenhin. Sức khỏe đều không tốt nhưng năm 1971 đều đeo ba lô vượt Trường Sơn, đi vào khói lửa.

Mỗi buổi giao ban, ông Lê Quân đều nhắc tới các phóng viên của báo đang ở chiến trường. Ngày đó, những người ở ngoài này đều cố gắng lo cho các phóng viên vất vả. Ông Nguyễn Đình Thiềm con người nhân hậu hiền lành, mỗi lần đưa cho tôi cái phiếu bồi dưỡng lại bảo: Cố gắng nấu nướng mà ăn đừng cho cái phiếu đi đấy! Ông bảo thế vì tôi hay ăn uống vất vưởng.

Một người tôi rất quý nữa là anh Mai Nam. Anh chụp ảnh thật đẹp. Ảnh của anh ngang ngửa các phóng viên quốc tế và giữa thời buổi ấy một người đầy cá tính như anh sống bình yên được giữa những luật lệ khắt khe để làm nghề. Một tấm gương để tôi tôn trọng đến bây giờ.

Bây giờ cây đại xum xuê ở sân đã mất. Cái cầu thang lên ngôi biệt thự cũ cũng không còn. Mọi thứ cao lớn hơn sáng choang hơn nhưng mỗi lần đứng ở cuối đường Hồ Xuân Hương tôi vẫn hình dung rõ nhà số 15 cũ. Một thời. Nhiều chuyện. Cho đến khi thế hệ anh Dương Xuân Nam - Lương Ngọc Bộ - Nguyễn Văn Minh đã thay đổi tờ báo bằng cách làm cho nó giàu lên. Ngày hôm nay không thể nghèo như thời những năm 70 được nữa.

Nhà văn Lê Minh Khuê

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.