“Đừng nói ít tiền thì không làm được phim tử tế”

“Đừng nói ít tiền thì không làm được phim tử tế”
TP - Chỉ với kinh phí nhà nước cấp 8,6 tỷ đồng, bộ phim “Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chiếu ra mắt hôm 1/10 được đánh giá là khá hấp dẫn và là một ứng cử viên sáng giá cho giải “Bông sen vàng” năm nay. Bùi Tuấn Dũng đã có những chia sẻ về quá trình làm bộ phim này với Tiền Phong.

> Chờ điểm sáng ở LHP Việt Nam lần 18
> Phim tư nhân áp đảo Cánh diều

Lần đầu tiên, một bộ phim về đề tài chiến tranh chật kín khán giả tới rạp xem trong lễ ra mắt tại Trung tâm chiếu phim quốc gia.

Máy bay kỹ xảo, thuốc nổ hiệu ứng

Là một đạo diễn 7X, tại sao anh lại chọn đề tài chiến tranh?

Thực ra, các nhà sản xuất chọn tôi và quyết định đề tài, chứ không phải do tôi chọn. Phim chiến tranh làm thì lâu, tôi đã phải từ chối rất nhiều dự án khác để hoàn thành bộ phim này.

Phải chăng vì kinh phí ít nên bộ phim được cho là lạm dụng kỹ xảo?

Phim hiện đại, nhất là phim hành động hoặc chiến tranh bắt buộc phải làm hiệu ứng đặc biệt, phải có kĩ xảo. Những chiếc máy bay trong phim là của Bảo tàng Lịch sử quân đội, sau đó các công ty kĩ xảo đưa về không gian thật với các hiệu ứng cần thiết. Còn về khói lửa, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho diễn viên và đoàn làm phim, chúng tôi sử dụng phần lớn quả nổ hiệu ứng. Đó là các hóa chất, chất gây nổ mạnh nhưng kiểm soát được. Nó chỉ cháy trong khoảnh khắc rất nhanh, chỉ 1/24 giây. Lửa có thể bùng lên rất lớn và biến mất ngay, nên không gây ra tác hại gì, thậm chí lông mi của diễn viên cũng không bị xém.

Đây là bộ phim thứ hai của anh về đề tài chiến tranh, sau “Đường thư” (năm 2005), anh có vất vả lắm không để vượt khỏi lối mòn làm phim về chiến tranh thường thấy?

Đường ống chỉ là nền cho câu chuyện về những con người làm đường ống, những người đã viết lên huyền thoại... Tôi cũng đọc nhiều sách và đi thực tế rồi sau đó mới gặp gia đình tướng Đinh Đức Thiện (nguyên mẫu tướng Dinh trong phim) và những người từng là công vụ cho bác thời chiến tranh. Tôi quyết định không quá chú trọng vẻ bề ngoài mà mà đi sâu vào cốt cách, tinh thần của vị tướng. Tôi cũng không cố gắng hóa trang diễn viên Hoàng Hải giống hệt tướng Dinh thời trẻ mà đi sâu vào tính cách, lối sống, lối cư xử… để làm sao tạo lên một hình tượng về ông có cái chung, có cái riêng theo cách mà tôi hình dung. Tướng Đinh Đức Thiện là người có nhiều giai thoại hài hước, hóm hỉnh nhưng cũng nóng nảy và đầy uy lực. Đóng vai một vị tướng rất khó.

Tôi chọn cấu trúc phim không giống như các bộ phim vẫn làm, mượn chân dung nhiều người để nói về một bức chân dung tinh thần duy nhất, chân dung tinh thần người Việt thời chiến. Nếu gọi mạch phim là một cây đại thụ thì các tuyến nhân vật sẽ là những nhánh cây. Tướng Dinh, Nghĩa là những nhánh lớn… Và diễn viên nữ chính, cô văn công tên Hà giống như một bông hoa và cặp Đức, Mai sẽ là những cái quả… tất cả những chân dung đó dựa trên chuyến đi của tướng Dinh, mạch sống lớn nhất của cái cây, đó là câu chuyện về đường ống xăng dầu.

Đạo diễn Bùi Tiến Dũng và con trai
Đạo diễn Bùi Tiến Dũng và con trai.

Có khán giả tiếc nuối rằng một bộ phim làm về đường dẫn xăng dầu nhưng phần kết chưa đưa ra được một đại cảnh hoành tráng về việc hoàn thành đường dẫn xăng dầu này ?

“Những người viết huyền thoại” (kịch bản Nguyễn Anh Dũng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, quay phim Lý Thái Dũng) là bộ phim được Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh đặt hàng hãng Phim truyện VN sản xuất. Lấy bối cảnh kháng chiến chống Mỹ giữa thập niên 1960, phim đề cập đến binh đoàn 559 và vị tướng hậu cần Đinh Đức Thiện, tác giả của công trình xây dựng đường ống dẫn dầu vào chiến trường bom đạn để phục vụ cuộc kháng chiến.

Cái đó giống phim tài liệu và nhiều phim truyện về chiến tranh đã làm. Đại cảnh đó sẽ khiến tôi lạc chủ đề mất. Trước khi quay, tôi đã đi dọc theo các tuyến đường Trường Sơn, sang cả Lào, đến các bảo tàng để khảo sát. Cái máy bơm nhỏ mà quý vị nhìn thấy ở một cảnh lướt qua, cũng nặng tới nửa tấn. Ống xăng dầu cũng đủ loại phức tạp… Chỉ cần tôi tái hiện một cảnh đường ống bắc ngang sông Hồng thôi đã chiếm toàn bộ kinh phí của bộ phim. Tất nhiên, tôi quan niệm rằng: “Đừng nói ít tiền thì không làm được một bộ phim tử tế”. Tiền ít thì chất xám phải bỏ ra nhiều hơn.

Bối cảnh trong phim khá đẹp và thơ mộng được đạo diễn thực hiện ở đâu?

Các cảnh rừng núi đều quay ở tây Trường Sơn, giáp Lào và một phần ở Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Bản thân phong cảnh khi tôi quay là mùa hè, không có lá đỏ đẹp như trong phim, mùa thu mới có lá đỏ, nên thiết kế phải làm màu và dùng color grading để chỉnh màu, mới lên màu sắc đẹp như vậy.

Anh ấp ủ làm bộ phim này trong bao lâu?

Bố mẹ, các anh chị của tôi đều là lính. Họ kể những câu chuyện về lính từ bé, nên tôi thấm dần. Đây là lần đầu tiên tôi làm phim chân dung, tôi cũng mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Có thể nói, tôi mất nửa đời để làm bộ phim này.

Bầy trẻ nhỏ quen bom đạn

Sự xuất hiện của hai nhân vật nhí do Phùng Hoa Hoài Linh (từng giành giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Dubai 2011 cho vai diễn trong phim “Tâm hồn mẹ”) và Bùi Dương Kiếm Hùng (con trai anh) để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Anh có dụng ý gì khi đưa vào hai nhân vật này vào phim?

Hai em bé xuất hiện trong phim với những cảnh quay mà tôi gọi là khước từ hiện thực. Với phim này, tôi không muốn làm hiện thực, các nhà làm phim tài liệu làm điều đó giỏi hơn tôi. Tôi muốn diễn đạt một thứ không hiện thực trên nền hiện thực. Thực hiện một thủ pháp ở đây rất phức tạp, sự liên quan giữa động và tĩnh, dửng dưng và tàn bạo, nguy hiểm và thơ ngây… Tôi muốn nói: Chúng ta hãy làm mọi cách để không xảy ra chiến tranh.

Anh có quá liều lĩnh không khi cho con đóng phim?

Tôi đưa con trai đi làm phim bởi tôi kiểm soát được những gì chúng tôi làm.

Làm thế nào để cháu có thể quen được cảnh bom đạn khi mới 3 tuổi rưỡi?

Trước khi quay, để phá bối cảnh cho nó giống với chiến trường, tôi dùng TNT để đánh. Tôi cho cháu ra xem trước, để đến lúc quay thật, cháu không còn sợ nữa.

Mẹ cháu muốn đi theo để chăm sóc, tôi bảo không! Hai bố con cùng nhau rong ruổi trên trường quay. Được cái, cháu cũng có phong cách con nhà lính nên không mè nheo quấy khóc và may mà cháu làm tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, phim của anh vẫn còn bị bó buộc nhiều vì dù sao cũng là phim nhà nước?

Đấy là điều đương nhiên của đạo diễn. Khi nhận được đơn đặt hàng của một nhà đầu tư, mình phải thỏa mãn yêu cầu của họ. Đạo diễn không phải là người đưa ra cái tôi cá nhân cho nội dung phim.

Phim này tiếc nuối lớn nhất đối với tôi là giá có thêm kinh phí để làm thêm 15 phút nữa cho giai đoạn hậu kỳ thì phim có nhiều cái lắng đọng và sâu sắc hơn. Điều quan trọng là tôi phải tạo ra được một cái góc nhìn riêng của mình, góc nhìn để nghệ sỹ biến tác phẩm nhà nước đặt hàng thành bộ phim có góc nhìn cá nhân mang thuộc tính phim độc lập. Tất nhiên, tôi không làm một bộ phim đơn giản chỉ là tuyên truyền, khán giả ngày nay cũng chán những thể loại đó rồi.

Xin cảm ơn anh.

Anh Vũ
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.