Sói thảo nguyên - Cuốn sách bị hiểu nhầm ghê gớm

Sói thảo nguyên - Cuốn sách bị hiểu nhầm ghê gớm
TP - Sói thảo nguyên viết về một con người cô độc và khủng hoảng tinh thần, nhưng tác giả không hề muốn dẫn người đọc đi đến tuyệt vọng, mà ông muốn một sự chữa lành.

> Học để biết thua
> "Tiền Phong trợ giá - Khám phá hàng tuần"

Nhà văn Thụy Sĩ gốc Đức Hermann Hesse (viết tắt H.H) lấy tên nhân vật chính trong tiểu thuyết quan trọng Sói thảo nguyên của ông là Harry Haller. Không thể lộ liễu hơn để gợi liên tưởng đến chính tác giả. Ông chẳng giấu giếm gì việc đó, trong sách còn có cả những nhân vật lấy hình mẫu từ người ngoài đời, chẳng hạn người tình rất đẹp của ông.

Hesse chọn chính mình làm hình mẫu để viết về một người cô độc. Rất nhiều tác phẩm văn chương lớn viết về sự cô độc. Dường như đó là một cuộc chạy đua của các nhà văn. “Sói thảo nguyên” cô độc là hình tượng đầy lãng mạn Hesse dựng nên để mô tả nhân vật của mình, cũng là biệt danh của nhân vật trong tác phẩm.

Sách ra năm 1927, ngoài việc mô tả con người bị giằng xé giữa “nhân tính” và “thú tính” (qua hình tượng người – sói), Hesse đưa ra nhiều tiên đoán “kinh hoàng” về thế giới: Cuộc đối đầu con người – kỹ thuật, các tập đoàn tài chính (nói cách khác là đồng tiền) thâu tóm thế giới…

Mặc dù vậy, khi ra đời, đây lại là cuốn sách bị dư luận nước Đức quay lưng vì những cảnh báo bi quan của nó, và bị “hiểu nhầm ghê gớm” (cách diễn đạt của chính Hesse). Đến nỗi, chính tác giả phải lên tiếng kêu oan cho cuốn sách của mình trong lời bạt năm 1942. Nhưng dù sao thì, việc một cuốn sách được tiếp nhận ra sao hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả.

Hesse viết trong lời bạt đó: “Quyển sách này do một người 50 tuổi viết ra và nói những vấn đề của lứa tuổi đó, nhưng nó lại rất thường rơi vào tay các bạn đọc quá trẻ”.

Ông cho rằng bạn đọc tìm được chính mình trong Sói thảo nguyên, nhưng đã quá đơn giản khi đồng nhất bản thân với nhân vật, cùng đau và cùng mơ với nhân vật. Ông phân bua: “Cuốn sách tuy kể về những đau khổ và cùng quẫn nhưng hoàn toàn không phải là sách của một kẻ tuyệt vọng, mà của một người tin tưởng”.

Còn đây là tâm tư của “Sói thảo nguyên” Harry Haller đã khiến người đọc đồng cảm: “Ngay giữa một thế giới mà không mục tiêu nào của nó tôi chia sẻ được, không một niềm vui nào phản ánh niềm vui của tôi, hỏi làm sao tôi không trở thành một con sói thảo nguyên…”. (trang 55).

“Quả thật, nếu thế giới này đúng, nếu thứ âm nhạc nọ trong các quán café, những hội hè lễ lạt, những con người Mỹ hóa này – những kẻ không đòi hỏi gì cao xa – đúng, thì tôi sai, tôi điên, như thế tôi đúng là Sói thảo nguyên, như tôi thường tự xưng, một con vật lạc loài trong một thế giới xa lạ và khó hiểu” (trang 56).

Nói đây là cuốn sách dành cho những người muốn tự tử thì nghe hơi trái tai, nhưng điều đó đúng, từ một khía cạnh nào đó. Hesse dành nhiều trang sách mổ xẻ tâm can của một “kẻ tự tử”, chính là nhân vật chính, và cũng là ông ngoài đời. Ngoài đời, những biến cố lớn cộng với bản tính cô độc khiến tác giả nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử.

Ông viết: “Mọi kẻ tự sát đều quen thuộc với việc cưỡng lại sức cám dỗ của việc tự hủy mình, Ở một ngóc ngách nào đấy trong tâm hồn, họ thừa biết tuy tự tử là một lối thoát, song vẫn chỉ là một lối thoát khá ươn hèn, không chính đáng”.

Sói thảo nguyên là tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn nghiệp của tác giả - Nobel Văn học năm 1946. Bản tiếng Việt của dịch giả Lê Chu Cầu
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG