Lan Hương - cuộc chinh phục Trương Ba

Lan Hương - cuộc chinh phục Trương Ba
TP - NSND Lan Hương rất thích hợp cho chuyên mục Mắt nhắm Mắt mở tuần này. Hồn Trương Ba da hàng thịt do chị đạo diễn là tác phẩm nhiều dấu ấn tìm tòi nhất Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ vừa qua, đưa đến kết quả là ngoài ngợi khen thán phục, có cả sự bối rối thậm chí phản đối cực lực.

> Kết thúc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Đọng lại gì?
> Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ

Tôi và nhiều khán giả thích thú khi chị đưa được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống vào vở kịch kinh điển “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Chị có thể phân tích thêm vài dấu ấn thể nghiệm đó?

Trò chuyện với NSND Tiến Thọ, tôi thấy anh rất trăn trở việc tuồng là nghệ thuật hay như thế mà khán giả biết chưa nhiều, việc truyền lại tinh hoa cho thế hệ diễn viên sau cũng không dễ.

Tôi cũng tâm đắc điều này, nên trong Hồn Trương Ba, tôi đưa tuồng vào nhiều. Ví dụ động tác anh Hợi hàng thịt lôi con lợn để mổ, tôi vận dụng tích Liên Cương tắm ngựa, cọ ngựa. Cảnh bà Trương Ba đau khổ vì mất chồng, lên thiên đường “kiện” Nam Tào Bắc Đẩu, tôi lại vận dụng tích Đào Tam Xuân lộng trào vào các động tác hình thể.

Đoạn vợ hàng thịt quyết định “tấn công” Trương Ba, cần nhiều yếu tố hình thể, tôi lại đưa múa đương đại vào tích Đắc Kỷ đổi hồn. Cái quạt âm dương mặt đen mặt trắng thì lại của rối! Đế Thích chỉ lượn một vòng đã thay hình đổi dạng trong bộ quần áo hoàn toàn khác, trò ảo thuật này phải nhờ vào công nghệ, có bấm nút cẩn thận.

Tôi không ngại sử dụng tất cả, kể cả ảo thuật và rối bởi tôi quan niệm sân khấu luôn phải có cái hấp dẫn cho người ta xem. Kịch thể nghiệm có yếu tố hình thể- đó là loại hình nghệ thuật mở, không có trình thức riêng mà có quyền lấy tinh hoa của các loại hình nghệ thuật khác, nhào trộn nó miễn phù hợp, đẹp, hấp dẫn.

NSND Lan Hương
NSND Lan Hương.

Cảnh hai người đàn bà giành giật ông Trương Ba hiền hậu mang thân xác anh hàng thịt khỏe mạnh được đẩy lên rất nhiều so với bản dựng cũ và mới của Nhà hát Kịch VN- có dự Liên hoan Lưu Quang Vũ vừa qua?

Nghệ thuật ngoài tính giáo dục, vấn đề xã hội thì tính giải trí, hấp dẫn luôn phải được “đẩy lên”. Trên đời này còn gì hấp dẫn bằng cảnh hai người đàn bà tị nạnh ghen tuông nhau giành giật một người đàn ông xứng đáng! Nó vừa hấp dẫn lại vừa đáng yêu.

Trong các vở tôi đã làm, tôi đều đẩy tình yêu và sự lãng mạn lên cao. Cuộc sống đang mất dần sự lãng mạn, người lãng mạn bị cho là hâm. Có thể sự lãng mạn của tôi, người xem không đem ra cuộc đời được nhưng trong mấy tiếng đồng hồ, họ có cảm giác được bay bổng, êm ả, thư giãn.

NSƯT Thu Hà
NSƯT Thu Hà.

Việc chị bớt thoại và thay đổi một ít kịch bản gốc làm nhiều khán giả điên lên? Bởi họ cho rằng đặc sắc nhất của “Hồn Trương Ba” nằm ở ngôn ngữ thoại giàu triết lý và văn học?

 Nhiều người không thích cái kết của vở, tôi lại thích. Sóng gió đến đâu cuối cùng rồi cũng phải trở về cái giản dị, ấm áp, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và nghệ thuật thì phải đẹp. Cảnh cuốc đất cũng là một trong những cảnh rất đẹp

NSƯT Thu Hà

Shakespeare vở nào cũng có những lời thoạt tuyệt vời- Hamlet, Vua Lear… nhưng người ta vẫn dựng ballet đấy thôi! Chúng tôi là hình thể, thể nghiệm có yếu tố hình thể, chúng tôi giữ lại câu thoại đắt, mang tính khái quát cao, không cần lời diễn tả cảnh sinh hoạt nữa. Ballet có lời nào đâu mà người ta vẫn chuyển tải được hết tinh thần của Shakespeare. Đến ngày nào đó Việt Nam sẽ dựng Hồn Trương Ba dưới dạng ballet hoặc múa đương đại, chả còn lời nào!

Cái kết của vở, thay đổi so với kịch bản gốc và khác bản dựng của Nguyễn Đình Nghi, cũng làm người này người nọ choáng, bảo là “không thể chịu nổi”.

Tôi nghĩ thời điểm kịch bản ra đời và được dàn dựng rất thành công, người ta sống nó hơi cay một chút, hoặc rất cay. Nghèo quá, chưa mở cửa, nhiều cái bó chặt. Nhưng hiện nay, con người cần niềm tin. Kết vở phải nhân văn, có hậu. Tôi kết bằng cách kể tóm tắt số phận nhân vật chính. Rằng anh hàng thịt sống lại nhưng không hẳn là anh hàng thịt ngày xưa nữa, vẫn bán thịt, bớt thô lỗ rồi, không đánh vợ. Cuộc sống êm đềm hơn.

Nếu cuối cùng mọi thứ vẫn ở chỗ cũ, thì Trương Ba chết vô nghĩa! Ông ấy tốt như thế, đã hy sinh cho cu Tỵ để nó được sống, trả lại thân xác cho anh hàng thịt, mà không đem lại kết quả tốt đẹp nào cho người ở lại, cho cuộc đời này? Ông ấy chết rồi nhưng sự tốt đẹp của ông ấy vẫn còn một phần nào đấy, lưu lại nơi anh hàng thịt dù thời gian trú ngụ trong thân xác anh thật ngắn ngủi. Thế mới phải.

Và chị còn “can tội” bổ sung triết lý của Lưu Quang Vũ về hồn- xác?

Anh Vũ cho rằng xác ảnh hưởng đến hồn, Trương Ba từ một người nho nhã, hiền hậu nay thèm rượu thịt, thèm ăn ngon, đánh mắng con cái… Nếu chỉ có vậy thì hơi thiên vị xác quá. Xác ảnh hưởng đến hồn là đúng nhưng ngược lại, sao hồn lại không thể ảnh hưởng đến xác?

Nên tôi để người dẫn chuyện nói ở đoạn kết: Người ta nói hồn không ảnh hưởng đến xác nhưng thực ra là có. Anh hàng thịt sống lại, vẫn buôn bán nhưng đã bớt thô lỗ đi. (Tôi lưu ý là ảnh hưởng chứ không phải là chấp nhận nhau). Tôi nghĩ mong ước của tôi phù hợp với cảm nhận của khán giả hôm nay.

Ngoài đời, chị đã bao giờ suy tưởng chuyện áo ai nấy mặc hồn ai nấy giữ, hồn nào xác nấy không thể xác một đằng hồn một nẻo?

Nói rộng lòng ra thì trên đời này, không nên tuyệt đối hóa cái gì. Nhiều việc, ở thời đại này đưa ra quan niệm, triết lý này nhưng đến thời đại sau có thể yếu dần.

Chính vì vậy tôi muốn làm một tác phẩm mà ở đó không có định kiến, cố chấp. Đẹp, nhân văn. Trong số thông điệp có một thông điệp về số phận. Cái gạch nhầm dẫn đến cái chết của Trương Ba là số phận, đang yên đang lành tự dưng bị gạch nhầm, thế là chết. Có người đang sống vui vẻ bỗng phát hiện cái u ác, cố chữa chạy thuốc thang, kéo dài được ít lâu rồi cũng chết. Trời kêu ai nấy dạ, không dạ không xong.

Cũng như vở của tôi không đến nỗi nào, có cái để xem, có nghệ thuật hẳn hoi nhưng lại vấp phải những định kiến, cố chấp, tôi cho rằng cũng là số phận của tôi. Đằng nào đời chả là bể khổ, sống cốt sao cho mình thanh thản là được rồi.

Trương Ba và hàng thịt có nên phục trang na ná nhau và na ná các nhân vật quen sống ở nông thôn, quanh đi quẩn lại áo cánh nâu hoặc nước dưa? Khi anh hàng thịt Tạ Văn Hợi bất đồ sống lại, xuất hiện lần đầu, đạo diễn đã để cho anh vận chiếc áo màu tiết dê có cái túi đựng tiền ở trước, ấn tượng. Bị hồn Trương Ba nhập, mò về nhà Trương Ba, anh ta lại áo nâu non nông dân và đó là chiếc áo cũn cỡn, hở cả lườn vì anh to béo hơn hẳn Trương Ba “xịn”.

Người con trai cả của Trương Ba, đi buôn, tính cách khác hẳn thành viên trong gia đình, thì khoác lên mình chiếc áo màu xanh mới rất đẹp, “chẳng giống ai” trong nhà. Trên tấm áo đó có miếng vá nhỏ, bởi anh ta vẫn có liên hệ mật thiết với người trong nhà, và chưa phải đã thoát kiếp nghèo khổ.

Đẹp, hiện đại, mọi chi tiết phục trang, ánh sáng, đài từ được chăm chút kỹ lưỡng- đó là một phần cảm nhận về Hồn Trương Ba da hàng thịt- vở kịch hình thể thứ 8 Lan Hương đạo diễn.

Vở kịch mở đầu bằng cảnh cuốc đất với những động tác hình thể đẹp mắt- của gia đình Trương Ba. Lan Hương nói “Tôi muốn giới thiệu đây là gia đình thuần nông, ở một đất nước thuần nông, suốt đời cắm mặt xuống đất”. Kết thúc cũng bằng cảnh này.

Nhân vật lý trưởng ở thế kỷ 21 này, không cẩn thận sẽ chỉ làm người ta hoài nhớ Phạm Bằng người đã tạo ra một vai diễn giảo hoạt, sinh sắc. Lý trưởng của Tùng Hoàng mặc áo tím, leo tót lên phần đạo cụ rất cao để thoại: “Trong sổ của quan không có mục nào gọi là mục hồn!... Càng lộn xộn ông càng được lợi”. Có lúc đè đầu cưỡi cổ cha con Trương Ba theo nghĩa đen. Một va-ri-ăng (biến thể) khác lý trưởng của Phạm Bằng lừng lững xưa và được diễn hình thể nhiều.

Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Văn Thành nhận xét: “Lan Hương đã làm được một Hồn Trương Ba thật độc đáo. Chẳng hạn cách xử lý không gian trên cao và dưới thấp đồng hiện, tiếp thu sáng tạo sân khấu múa rối. Nhất là vận dụng đúng chỗ vũ đạo và trống tuồng để hữu hình hóa cuộc đấu tranh giữa hồn và xác - qua hình ảnh Trương Ba với quang gánh trên vai và đôi thúng, trên thúng nghễu nghện hai người đàn bà dính chặt vào số phận ông. Thật thông minh, hóm hỉnh, có cái để xem…Dù còn chỗ này chỗ nọ vơi hụt nhưng xét tổng thể, vở diễn lấp lánh tìm tòi, với hướng đi đúng đắn đó là hiện đại hóa nhưng không quên tìm về tinh hoa sân khấu dân tộc. BGK Liên hoan không thể không thừa nhận điều này nhưng lại dè dặt không giành cho chị sự tôn vinh xứng đáng”.

Theo giới chuyên môn, dựng Hồn Trương Ba dưới hình thức kịch nói thôi đã khó lắm rồi. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi rất chú trọng luyện lời chuốt thoại, còn Lan Hương lại thiên về sáng tạo trò diễn. Bớt đi một số lời thoại mang tính phản tỉnh có làm cho vấn đề xã hội của kịch bản gốc mờ đi đôi chút, trong khi cái triết lý về bản năng và tâm hồn lại được đẩy cao hơn- việc này khiến một số người thấy tiếc, bối rối song nhìn rộng ra, nói như một nhà chuyên môn uy tín “Vấn đề con người bao giờ cũng cao hơn vấn đề của một xã hội riêng lẻ, và dễ đến với công chúng bên ngoài biên giới quốc gia hơn”. Bởi dù ở đâu trên thế giới này, khát vọng vươn tới sự hài hòa, hoàn mỹ về thể xác và tâm hồn là vĩnh cửu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG