Nhà văn và mặt chữ điền

Nhà văn và mặt chữ điền
TP - Thi sĩ Hàn Mặc Tử giả thử sống dậy, thừa nhận rằng “mặt chữ điền” trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” lừng danh không phải gương mặt người con gái nào, mà chỉ là...cục xi măng, thì sốc còn gì bằng!

> Giải mã 'nghi án văn chương' thôn Vỹ
> Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời về một nghi án văn chương

Ở Huế cũng như miền Trung, trước cửa nhà vườn người ta thường xây một bức gọi là “chấn môn”, hay “chấn phong”, ở giữa đắp nổi một chữ “Điền” bằng Hán tự.

Giả thuyết nhiều người cho rằng thi sĩ tả lá trúc che ngang cái “mặt chữ điền” mang tính phong thủy ấy là có lý, phù hợp với lối thơ tả của khổ đầu bài thơ. Thế nhưng sự thật (nếu vậy) hết sức…vật liệu xây dựng ấy chắc chắn sẽ làm mất hẳn cái lung linh, tài tình, cái thần vốn khiến bài thơ sáng bừng cả trăm năm nay.

Nghe kể bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, thi sĩ Huy Cận viết “Cá đuôi én quẫy trăng vàng chóe”, nhưng bị thợ sắp chữ nhà in biến thành “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”, bỗng chốc khiến thi ảnh trong mấy câu thơ liệt kê các loài cá được nhân hóa đến cấp độ thăng hoa.

Từ lâu, văn giới nhiều người “gợn” với Tô Hoài, Vũ Bằng, khi các ông viết hồi ký về những nhà văn nổi tiếng theo kiểu ít tô vẽ hào quang, mà thường xộc thẳng vào những “thói tật” lặt vặt, đời thường, cả sự “khụng khiệng” thái quá. Vương Trí Nhàn khi đề cập về điều này, từng chỉ ra: Khi đã trở nên một nghề kiếm sống, cái gọi là sáng tạo văn chương có những khía cạnh “y chang” mọi nghề khác. Không phải ai cũng là thần thánh cao sang. Nhà nghiên cứu họ Vương dẫn lời than thở của Tô Hoài: “Đọc những điếu văn với lại cảm nghĩ sau khi một nhà văn qua đời gần đây thấy hình như ai cũng là thiên tài, trong khi lúc họ sống không phải thế!”.

Thế nên khi đạo diễn của “Hà Nội trong mắt ai” Trần Văn Thủy trong hồi ký mới đây, thừa nhận khi còn làm phóng viên, một lần đói quá đã ăn cắp con cua của một cậu bé để ăn, thì người ta vẫn không thấy sự “tầm thường” nào hết.

Nếu nhà thơ nào cũng “thú nhận” sự thật về câu thơ bản chất không như bạn đọc lầm tưởng, như “mặt chữ điền” chẳng hạn, e rằng văn chương sẽ mất hẳn sự uyên áo. Nhà văn sẽ sống mãi nếu tác phẩm có đủ sức sống. Còn như tự tô vẽ, rồi nhờ người khác choàng “hào quang” giả theo kiểu lợi ích nhóm, thì rất nhanh, son phấn sẽ tự trôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.