Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ

Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ
TP - Nhiều thông tin và phát hiện lý thú về kịch Lưu Quang Vũ lần đầu được đưa ra bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành nhân Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ tháng 9 này.

> Khai cuộc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Giới chuyên môn nói gì?
> Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ: 10 vở diễn tại ba rạp

Nhà phê bình Phạm Khải nhận xét, Lưu Quang Vũ có những câu thơ rất hay xen lẫn câu có phần dễ dãi. Còn kịch thì sao? Xem lại chục vở lần này, thấy chất văn học trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đúng là đỉnh của Lưu Quang Vũ rồi.

Thật ra không phải đến Liên hoan (LH) này người ta mới nhận ra tính chất trồi sụt của kịch Lưu Quang Vũ. Cũng dễ hiểu thôi.

Trong khoảng 1980 đến 1988 Lưu Quang Vũ hoàn thành gần 50 kịch bản, thường xuyên cầm bút trong sự hối thúc của chục đoàn. Trong tâm thế như vậy thử hỏi làm sao có điều kiện nghiền ngẫm cấu tứ, lựa chọn ngôn từ. Có mà tài thánh.

Việc cho ra đời liên tiếp loạt kịch bản khác nhau tất dẫn đến tình trạng bất như ý. Trong khi nghệ thuật không chấp nhận bất cứ sự nhân nhượng thỏa hiệp nào.

Người ta từng nói đến sự tận hiến của những nghệ sĩ lớn trong hành trình sáng tạo. Mà không cứ nghệ thuật. Trên đời này cái hoàn mỹ, cái hay, cái tốt vẫn cực kỳ hiếm hoi. Những thứ trung bình, loàng xoàng luôn thuộc về số nhiều.

Con nhà nòi, sẵn năng khiếu từ nhỏ, ý chí mạnh mẽ, không phải Lưu Quang Vũ không vật vã kháng cự lại thách thức nghiệt ngã này. Trong những khoảnh khắc thăng hoa nhất, Lưu Quang Vũ đã bay vút lên, tiếp chạm tới biên giới của cái tuyệt phẩm vốn mong manh, dễ tan biến để có được Hồn Trương Ba. Thế cũng là may mắn lắm rồi.

May cho Vũ và cả chúng ta, một lần trong đời chạm tay được Hồn Trương Ba lừng lững. Thực ra đây là tập đại thành mà Vũ có công hút nhụy từ kho tàng tuồng đồ dân gian, có cả hình bóng Con nai đen của Nguyễn Đình Thi mà một thời Vũ say mê.

Còn lại những vở được tiếng thành công như Nguồn sáng trong đời, Điều không thể mất, Lời thề thứ 9 cũng chỉ nhỉnh lên ở chiều cạnh này khác. Không kể nhiều vở tầm tầm mà chính Vũ chắc chắn không ưng ý.

Đến với chèo, với Nàng Si-ta, Lưu Quang Vũ làm náo loạn hình thức sân khấu truyền thống này. Gây tranh luận dữ dội giữa hai phía ủng hộ và phản đối. Đoàn Chèo Hà Nội hồi ấy còn được mệnh danh Đoàn Chèo Si-ta. Cặp diễn viên tài sắc lúng liếng Quốc Chiêm- Lâm Bằng sánh vai nhau dưới quầng sáng nhà hát đã thôi miên cả vạn khán giả!

Đến bây giờ hai nghệ sĩ ấy đã bên này dốc cuộc đời vậy mà lần tái hồi Nàng Si-ta (không phải LH) vẫn làm bao khán giả xúc động. Nhưng chính những ngôi sao này, hồi chèo Hà Nội dựng kịch bản Trời xanh mái phố (1981) cũng của Lưu Quang Vũ, chẳng ai ngó ngàng. Ngay Nhà hát Kịch VN với đội ngũ nghệ sĩ khỏi cần quảng cáo, trước khi gây chấn động trong ngoài nước với Hồn Trương Ba thì cũng có lúc nếm mùi thất bại khi đụng tay vào Cầu vồng của Lưu Quang Vũ, dù thay tên gọi mới để gợi khơi hiếu kỳ thành vở T15 đi về đâu mà rồi cũng cam phận T15 đi vào kho! Sống chung với bụi bặm và quên lãng.

Phân tích kỹ hơn vào kịch bản Lưu Quang Vũ, còn có thể vạch ra dấu hiệu của sự trùng lặp. Vũ rất chú ý cách làm hấp dẫn người xem. Nhưng trong chiều hướng này, anh lại sa đà đến mức quen tay, dùng đi dùng lại một vài lối gây tạo kịch tính theo kiểu vụ án hóa cốt truyện. Nhiều vở dù khai thác đề tài ngỡ không dính dấp gì đến chuyện điều tra làm án nhưng cây bút đa tài này cũng biết biến ảo thành kịch pha màu vụ án.

Chẳng hạn Mùa hạ cuối cùng- nhiều người hồn nhiên cho là kịch về vấn nạn trong giáo dục, nhân vật chủ yếu là thầy giáo và học sinh. Nhưng khởi đầu của tấn kịch này vẫn từ sự cố cậu học sinh lớp 12 bỏ thi vì đề bị lộ.

Lời thề thứ 9 thực chất cũng là kịch vụ án. Về những người lính dám vi phạm kỷ luật để đi phá một vụ án oan sai ở quê hương mình. Cứ như vậy chuyện nọ xọ chuyện kia, tính căng thẳng của kịch càng lúc càng lên cao. Kiểu gây tạo xung đột vụ án còn bắt gặp ở Hai ngàn ngày oan trái (tức Trái tim trong trắng), Thủ phạm là ai, Ông không phải bố tôi, Đôi dòng sữa me…Kể cả Tôi và chúng ta đầy ắp tính chính luận cũng không thiếu cảnh bắt bớ vào tù kiện cáo, minh oan…

Ngay vệt khai thác cổ tích huyền thoại dân gian như Nàng Si-ta, Lời nói dối cuối cùng cho đến cả Hồn Trương Ba tầm cỡ thì hơi hướng kịch vụ án vốn rất quen thuộc với kịch pháp của Lưu Quang Vũ vẫn thấp thoáng.

LH lần này sẽ thành công hơn nếu chọn lựa kịch bản kỹ càng chứ không đưa đi những tiết mục có sẵn?

Việc xác định kịch bản nào xuất sắc, đáng dàn dựng phụ thuộc tầm nhìn và sở thích của lãnh đạo các đoàn. Hơn nữa lâu nay việc đánh giá chất lượng cao thấp trong kịch Lưu Quang Vũ dường như vẫn còn bỏ ngỏ ngoại trừ Hồn Trương Ba chói lên như một đỉnh Côn Sơn!

Không phải không có ý kiến nhận xét kịch Lưu Quang Vũ nổi lên chủ yếu do gặp thời và nhất là tác giả biết gãi đúng chỗ ngứa của công chúng. Ông có ý kiến gì khác không?

Tìm hiểu đặc điểm phong cách nghệ thuật Lưu Quang Vũ trên cơ sở đó xác lập giá trị của từng kịch bản là chuyện chẳng hề đơn giản.

J.J.Rousseau từng tổng kết một cách cay đắng rằng “Viết ra một vở kịch thật khó. Nhưng đưa vở kịch đến nhà hát để dàn dựng lại là một vở kịch thứ hai khó khăn gấp bội!”. Lưu Quang Vũ thành công với thơ và không thật thành công với truyện rồi tình thế xô đẩy anh về Tạp chí Sân khấu làm ký giả kịch trường, đánh thức niềm say mê viết kịch, giữa bối cảnh quanh mình toàn cây đa cây đề sừng sỏ. Sự khôn ngoan đáng nể phục là Vũ chọn được lối vào nghề riêng. Đó là sự nắm bắt bằng được tâm lý của khán giả đương thời, cố đi guốc vào bụng để xem họ khát thèm cái gì, ham muốn cái gì.

Nhiều lần trong vai khán giả lăn lộn, Vũ nhận ra rằng bộ phận đông nhất của công chúng sân khấu là những người bình dân thấp bé chịu nhiều thiệt thòi oan ức. Họ đến với rạp hát để tìm sự an ủi, sẻ chia hoặc trút xả niềm riêng bức bối. Chính vì vậy Lưu Quang Vũ thường chỉ viết kịch về những điều mà đám đông công chúng ấy bức xúc. Điều này giải thích vì sao Vũ nhận đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật khắp nơi kể cả địa phương ở xa, vì anh khôn ngoan tóm bắt được những đòi hỏi tha thiết của công chúng qua sự đặt hàng này rồi đáp ứng.

Có phải thế chăng, nhiều kịch bản của Vũ chỉ xoay quanh sự đối đầu giữa đám đông nghèo khổ bất hạnh bị chà đạp với những kẻ có chức quyền, có tiền…Đối thoại trong kịch Vũ được đám đông bình dân đón nhận một cách xúc động hoặc hả hê khoái chí là do Vũ biết nhắm vào những nỗi niềm đau đớn muốn được bày tỏ ra thậm chí phản ứng bột phát.

Thật dễ hiểu, đám đông này đến lượt mình rủ nhau lũ lượt kéo đến rạp xem kịch Vũ để hy vọng trong khoảng thời gian ngắn ngủi 2,3 giờ, sự căng thẳng được xoa dịu, nỗi niềm uất ức được vơi khuây giải tỏa.Trên phương diện này, ý kiến Lưu Quang Vũ biết dùng kịch để gãi ngứa của đám đông là có lý! Không tin hãy bỏ thời gian đến với LH đang diễn ra sẽ thấy ngay. Khán giả vỗ tay rất hào phóng với những lời thoại mà có thể người tỉnh táo và lịch lãm sẽ chẳng thấy đáng chú ý mấy. Đoạn thoại của bà mẹ với cô con dâu tương lai cùng gã bảo vệ hách dịch trong Lời thề thứ 9 là một thí dụ.

Đi sâu hơn có thể thấy Vũ thật tài tình và bợm bãi khi sử dụng ngôn từ đầy hiệu quả khiêu khích. Không ít lớp diễn, các nhân vật đối thoại như đi trên dây cao, thật nguy hiểm. Người nghe có khi rợn gáy vì những câu chát chúa văng mạng, chẳng hạn lời của anh lính trẻ Đôn sứt trong Lời thề thứ 9, tiến lên tiền đài sàn diễn hướng về khán giả “nhân dân ta cứ được nói quá lên là anh hùng nhưng thực ra hèn lắm!”. Trước đó tác giả khôn khéo ném cho anh sợi dây bảo hiểm là động cơ hành động trong sáng cộng với thành tích chiến đấu dũng cảm. Rồi ngay sau đó bà mẹ lại kịp uốn chỉnh “Dân không hỏng đâu con ơi”. Anh bạn tôi ngồi cạnh thì thầm “Lưu Quang Vũ đúng là siêu nghệ, vừa đấm lại vừa xoa!”.

Ở lĩnh vực sân khấu và điện ảnh xưa nay người ta vẫn quan niệm khán giả bao giờ cũng đúng?

Chưa bao giờ như hiện nay, sự phân hóa công chúng thật phức tạp và gấp gáp. Chỉ nói riêng khán giả của LH Lưu Quang Vũ lần này, qua quan sát của tôi thì dường như đa phần tuổi trung niên trở lên, thuộc lớp đại chúng bình dân không mấy dư dật tài chính. Sở thích của họ chắc chắn bị quy định bởi địa vị và trình độ, mức sống. Để làm sáng tỏ bộ phận khán giả này, không thể không đề cập tầm mức dân trí của công chúng đại chúng hiện nay nhất là khi ngưỡng tiếp nhận của họ vẫn còn đậm nét duy cảm vốn có của người Việt truyền thống.

Hơn nữa đây là khán giả phía Bắc chứ phía Nam, TPHCM theo tìm hiểu của tôi lại hình thành một ngưỡng tiếp nhận và phản ứng nghệ thuật mang đặc điểm riêng của mảnh đất phương Nam đầy nắng gió, thông thoáng, cởi mở khi tiếp nhận những luồng ảnh hưởng thế giới tràn vào.

Điều phân biệt rõ rệt nhất là lớp người bình dân phía Bắc quá quen với lối hưởng thụ nghệ thuật kiểu bao cấp. Còn khán giả phía Nam quen tự lựa chọn chương trình, bỏ tiền mua vé.

Trong quá khứ và ngay cả hôm nay, kịch Lưu Quang Vũ đã thỏa mãn được đám đông đại chúng phía Bắc. Như đã nói, bởi phần nào nó tạo cơ hội cho họ được an ủi, giải tỏa, được rưng rưng nước mắt, được hả hê, khoái chí khi nghe những lời thoại gãi đúng chỗ ngứa khiến họ lâng lâng rạo rực dù chỉ mấy tiếng đồng hồ rồi sau đó lại phải đối mặt bao khó khăn toan tính của cuộc mưu sinh.

Nhưng nghệ sĩ chân chính và tương lai của nền sân khấu hiện đại lại không bằng lòng với cái ngưỡng vừa đủ ấy, lằn ranh giới hạn ấy. Đây lại là câu chuyện khác xin trở lại vào một dịp khác.

Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Văn Thành, nguyên Viện phó Viện Sân khấu Điện ảnh, hiện là Phó ban lý luận Phê bình - Hội nghệ sĩ Sân khấu VN, tác giả ba giải thưởng về phê bình sân khấu
Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ ảnh 1
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG