> Gì cũng biết trừ hạnh phúc'
> Khi Lê Minh Khuê tung “Nhiệt đới gió mùa”
Mới đây, bà đã hoàn thành cuốn tự truyện chất chứa nỗi đau và trên hết là ý chí vươn lên vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
Trong trường ca Đất nước hình tia chớp, Trần Mạnh Hảo có những câu thơ lay động: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/Chưa kịp yêu một người con gái/Lúc ngã vào đất vẫn con trai”. Hay Phùng Quán từng viết: “Em ơi rất có thể/Anh chết giữa chiến trường/ Đôi môi tươi đạn xé/Chưa bao giờ được hôn”.
Câu đầu tiên tôi muốn hỏi cựu nữ tù binh anh hùng, rằng: “Chị đã bao giờ được… hôn?”. Người phụ nữ mà Hữu Loan từng trân trọng chép tặng thơ ấy, giờ đã vào tuổi lục tuần, lặng người trước câu hỏi. Một lát sau chị mới cất lời: “Cuộc đời tôi đến lúc bị thương coi như đặt dấu chấm hết rồi”.
“Liệu cuốn sách đã là tất cả những gì chị muốn chia sẻ chưa?”, tôi hỏi. Giọng chị trùng xuống: “Còn có những nỗi đau không thể nói bằng lời”. |
Trần Duy Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Bà ngoại của chị là con gái ông Tán Thừa, một nhà nho yêu nước chống Pháp nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20 ở đất Quảng. Cậu Hai của chị (tức con trưởng của ông bà ngoại chị) là con rể của nhà nhân sĩ yêu nước Trần Cao Vân. Cậu ba của chị là cháu rể của khoa bảng yêu nước đất Quảng, Hoàng Diệu. Cha đẻ chị tham gia Mặt trận Việt Minh rất sớm. Ông đã hy sinh khi còn trẻ trong tù ngục để lại vợ dại, con thơ. Trần Duy Phương mồ côi cha lúc mới đang học lớp Nhất (tương đương lớp năm bây giờ). Sự tàn phá của quân xâm lược trên mảnh đất quê hương cùng cái chết của người thân dưới tay kẻ thù đã thôi thúc Trần Duy Phương đi theo con đường cha chị đã đi, khi mới vào thời thiếu nữ. 15 tuổi đi theo cách mạng, 19 tuổi chị bị địch bắt tống vào lao tù. Bốn năm trải qua các “địa ngục trần gian” như Trại giam tù binh Non Nước (Đà Nẵng), Trại giam tù binh Phú Tài (Quy Nhơn)… đã biến cô nữ sinh xinh đẹp của Trường Trần Quý Cáp (Hội An) trở thành một người tàn phế suốt cuộc đời. Khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Trần Duy Phương mới bước qua tuổi 20 nhưng chị vĩnh viễn không còn mùa xuân cuộc đời, bốn mươi năm qua người chiến sỹ anh hùng ấy lại tiếp tục cuộc chiến đấu để chiến thắng bệnh tật, giành giật sự sống.
Câu chuyện “Địa ngục trần gian”
Ở tuổi 63, cựu nữ tù binh năm xưa cho ra mắt cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” ghi lại những năm tháng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của mình và đồng đội. Cuốn sách có độ dày hơn hai trăm trang được Nguyễn Duy Phương viết trong khoảng ba tháng: “Lúc khoẻ tôi viết mỗi ngày khoảng hai đến ba trang, có ngày được bốn trang, có ngày không viết được gì…”. Trong khi tự truyện của một số nhân vật nổi tiếng thường mượn người chấp bút thì Duy Phương không những tự mình viết lại câu chuyện của mình mà còn viết trong tư thế đặc biệt: “Tôi nằm gõ bằng hai ngón tay. Ngồi không nổi vì tôi bị thương cột sống. Cứ nằm nghiêng và gõ một tay thôi”. Ban đầu chị không định phổ biến rộng rãi cuốn tự truyện của mình, viết để khuây khoả, để xua đi những cơn đau bệnh tật ngày đêm hành hạ nhưng một trong những người bạn thân của chị, nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà Văn, đã quyết định công khai tác phẩm đặc biệt này. Tự truyện khi dựng thành sách hoàn toàn tôn trọng bản thảo của tác giả, ngay cả tên sách “Tôi nghe tôi hát” cũng do Trần Duy Phương tự đặt.
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng ám ảnh và vết thương của nó còn nhức nhối với thời gian. Bằng cuốn tự truyện của mình Trần Duy Phương đã thêm một lần nữa khiến bạn đọc lặng người trước “nỗi buồn chiến tranh”. Chốn ngục tù hiện ra bàng hoàng dưới ngòi bút của chị: “Hắn giơ bàn tay hộ pháp lên rồi giáng mạnh xuống cái bụng quấn đầy băng vẫn còn đang rỉ máu của tôi. Tôi kêu lên một tiếng thật to, mặt mày tối sầm lại, sau đó không còn biết gì nữa (…).
Chờ hai người y tá đi rồi hắn đưa hai bàn tay lên như chực vồ lấy tôi rồi bất ngờ hắn quặp vào cổ tôi bóp chặt khiến tôi ngạt thở”. Thật khó cầm lòng khi đọc đoạn tự truyện này: “Đã gần mười ngày tính từ khi bị thương tôi vẫn không được cho ăn uống. Tôi khát nước đến phát điên lên được, không chịu đựng được tôi phải lấy nước tiểu của mình để uống, nhưng chỉ mới uống được một ngụm nhỏ tôi đã nôn thốc, nôn tháo”. Kẻ thù đã nghĩ ra vô vàn hình thức tra tấn dã man: “Khoảng thời gian này tôi lại bị bệnh sỏi bàng quang rất nặng (…).
Số nước uống dự trữ trong phòng chỉ đủ để chị em bệnh nặng nhấm nháp cầm hơi. Vì thiếu nước uống nên tôi bị tiểu ra máu rất nhiều”. Hoặc: “Tôi đã từng chứng kiến địch nhốt anh em chống đói vào thùng tô-nô rồi đậy nắp lại, sau đó chúng dùng cây to đánh vào bên ngoài thùng. Đến lúc chúng ngừng tay, đưa các anh ra, nếu không bị thủng màng nhĩ thì cũng bị thổ huyết”. Đây là một trong những hình thức tra tấn thường thấy với những nữ tù binh: “Chúng vừa đánh, vừa đá, đạp vào chỗ hiểm, có tên còn nói: “Đánh cho tụi mày tuyệt đường con cái, tuyệt nòi cộng sản”… Nhưng sự tàn ác của quân thù không thể quật ngã tinh thần kiên trung của các chiến sỹ, trong đó có cô nữ sinh Trần Quý Cáp (Hội An).
Chị thách thức quân thù: “Các người cứ bắn tôi đi, đừng hỏi nhiều vô ích. Tôi sẽ không trả lời đâu”; “Tôi đã chọn đường đi cho mình và chỉ một mà thôi”… Ở nơi “địa ngục trần gian” Trần Duy Phương (tên trong tù là Trần Thị Mai) vẫn cất cao tiếng hát: “Tôi hát như say, hát để quên đi đau đớn, hát để lấy lại tinh thần, hát để động viên mình, động viên đồng đội”.
Chiến đấu chống bệnh tật
Trong “Tôi nghe tôi hát” những khi xúc cảm được đẩy lên cùng ký ức đau buồn, tác giả đã thốt lên: “Tôi căm ghét chiến tranh và căm thù những kẻ đã gây ra nó”; “Chiến tranh dù nhìn ở góc độ nào cũng là điều không ai muốn cả”. Không căm ghét sao được khi ngục tù đã giết chết tuổi thanh xuân của chị, tước đoạt của chị quyền yêu và được yêu, quyền làm vợ, làm mẹ, biến chị trở thành người tàn phế suốt đời và cũng suốt đời đấu tranh với những cơn đau hành hạ.
Chị viết trong tự truyện: “Bị thương cột sống thường kéo theo các cơn đau thần kinh xuống hai chân, cảm giác giống như có con gì rúc rỉa thịt trong đó. Cứ mỗi lần bị đau là tôi phải quằn quại, ôm chân mà khóc đến sưng húp cả mắt. Mỗi cơn đau thường kéo dài ít nhất một ngày. Không phương pháp nào có thể làm giảm đau, ngoài thuốc”.
Chị tâm sự cùng tôi: “Tôi bị đau hằng ngày nên lúc nào trong người cũng phải có thuốc giảm đau nhưng tôi hạn chế lắm, lúc nào đau quá không thể chịu nổi mới dùng đến thuốc. Còn thì tôi ráng chịu thôi”. Cường độ của các cơn đau càng ngày càng gia tăng theo tuổi tác. Mới năm 2011, vết thương ở ruột tái phát nặng nề khiến Trần Duy Phương rơi vào tình trạng nguy kịch đến mức người nhà đã chuẩn bị hậu sự. Ngay cả bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho chị cũng ngỡ ngàng không tin nổi khi chị lại từ cõi chết trở về. Lý giải cho điều kỳ diệu này, đồng đội xưa của chị viết: “Sức sống phi thường của một nghị lực phi thường”.
Hằng ngày, chị vẫn tự di chuyển bằng nạng, khi đi trong khuôn viên rộng thì ngồi xe lăn, vẫn tự lực trong những sinh hoạt cá nhân, chỉ chuyện giặt giũ mới nhờ người giúp. Hiện tại chị đang sống cùng mẹ, người mẹ đã kiên cường thay cha chị chèo lái con thuyền gia đình vượt qua giông bão nay đã sắp bước sang tuổi 90. Trần Duy Phương đã vào Sài Gòn sinh sống gần ba mươi năm nay, bởi khí hậu nơi đây phù hợp hơn với sức khỏe của chị.
Hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã khắc ghi nhiều tên tuổi anh hùng vào tượng đài lịch sử nhưng cũng có biết bao gương chiến đấu, hy sinh anh dũng lặng lẽ đi vào cõi vô danh. “Tôi nghe tôi hát” khó có thể trở thành tự truyện “hot” nhưng những câu chuyện của Trần Duy Phương đủ để làm “mất ngủ những lương tri” như cách nói của tác giả “Màu tím hoa sim”. Dạo nữ cựu tù binh đang sống ở Đà Nẵng, nhà thơ Hữu Loan đã ghé qua nhà thăm chị. Hai chú cháu hàn huyên tới tận ba giờ sáng ngày hôm sau. Có lúc vừa nói chuyện với Trần Duy Phương thi nhân vừa rơi nước mắt.
“Đua” cùng giới trẻ
|