> Lo giá hàng hóa tăng theo lương
Giả sử mức chiết khấu mà nhà phân phối dành cho cửa hàng và siêu thị là 15% thì vẫn chỉ đội lên trên 100.000 đồng. Hóa ra bấy lâu nay, các ông bố bà mẹ phấn đấu cho con hộp sữa là nói… cho phải đạo. Kỳ thực họ nuôi nhà phân phối sữa nhiều hơn nuôi con?!
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vừa rồi đột ngột tăng. Các nhà nhập khẩu quốc tế phản ứng, muốn chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp trong nước. Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng tới con đường phía trước của hạt gạo làng ta. Điều đáng nói là, nông dân đã bán hết gạo từ lâu, với giá thấp. Vậy, gạo tăng thời điểm này, ai được lợi đang là câu hỏi mà một số báo, đài đặt ra. Giá gạo chẳng lẽ cũng lên cơn điên như giá xăng, giá vàng, giá thực phẩm…?
Một thứ điên rồ đang ngự trị trong đời sống với nhiều uẩn khúc và hành hạ những tầng lớp nhạy cảm của xã hội: Giá thuốc. Mua thuốc chữa bệnh dễ như mua rau. Nhưng thuốc không thể mặc cả như rau. Điên thế. Vừa rồi đã có ý kiến cho rằng nên chia ra nhiều loại bảo hiểm y tế, rằng người đóng bảo hiểm nhiều thì được hưởng chất lượng thuốc và chất lượng dịch vụ y tế tốt, còn người đóng ít thì hưởng kém. Thật hết biết. Dường như người có đề xuất táo tợn này muốn đâu đâu cũng thấy khoảng cách giàu nghèo, ngay cả trong một lĩnh vực, một chính sách nhân đạo và tạo bình đẳng cho mọi người dân như bảo hiểm y tế toàn dân. Trong khi ấy, vì lý do nhầm lẫn hay cố tình nào đó, rất nhiều nơi trên cả nước diễn ra cảnh một người được cấp tới 7 thẻ bảo hiểm y tế. Mà chắc chắn là một người không thể dùng được cả 7 cái thẻ ấy để có được dịch vụ tốt hơn người có một thẻ. Ôi chao, người nghèo dễ thành cái cớ để những người tham lam làm giàu?
Nói như nhà văn Chu Lai trong chương trình Đối thoại VTV1 sáng 26/7 khi bàn về sự lạm quyền tư túi trong việc làm chế độ chính sách cho thương binh liệt sỹ: Trục lợi từ những hy sinh mất mát của nhân dân cần lao thì còn ai tin được nữa.