> Chuyện từ căn phòng “4 trong 1”
> Hồi ký của một nữ danh ca vang danh với 'Xa khơi'
Đức Thịnh trước đây chủ yếu người xem kịch Sài Gòn biết tiếng thì nay là người của công chúng cả nước.
Không phải vì anh có vai diễn để đời mà chỉ vì anh bênh người nhà Thanh Thúy, mắng đồng nghiệp Cát Phượng là “nông cạn đến tội nghiệp”, sau khi hai người này cùng chơi “Cặp đôi Hoàn hảo”, phần thắng thuộc về vợ anh và báo mạng trích lời Cát Phượng: “Tôi tin tôi sẽ chiến thắng nếu chơi một cách fairplay. Chương trình cứ để mọi người ra sân khấu và đừng có sự chống lưng thì tôi sẽ lật ngược kết quả”.
Cát Phượng lúc đó chưa hề động đến tên Thanh Thúy hay chồng Thanh Thúy. Việc Đức Thịnh vội “giật mình” chưa biết có lập được thành tích gì với vợ không (nghe đâu trước đó hai người giận nhau vì Thanh Thúy “bỏ bê” chồng để tập trung thi “Cặp đôi Hoàn hảo”), nhưng thành ra lại càng làm người ta nghi ngờ sự “chống lưng” kia là đáng kể.
Còn tiết mục của Cát Phượng về nhì xem ra chẳng oan uổng gì lắm, cũng như cả cái chương trình Cặp đôi Hoàn hảo năm nay, sẽ không ai nhắc nếu không có những thí sinh đem sân khấu ra cuộc đời như Kim Oanh hoặc “Diva mì ăn liền” Mỹ Lệ.
Đương nhiên nói người khác nông cạn không làm cho mình trở nên sâu sắc hơn. Là người của công chúng không nhất thiết phải “chuẩn” hơn công chúng. Cách diễn đạt tương đương với “người của công chúng” trong tiếng Anh là “public character” hoặc “public figure” hiểu một cách trần trụi là nhân vật công cộng. Nhiều thứ công cộng có khi không bằng thứ ở nhà riêng đâu, nhưng đã gắn mác công cộng nên công chúng cứ mang ra xài tạm!
Người ta cứ tưởng là người của công chúng vì bận rộn nên hay lỡ miệng. Có ai nghĩ tới chuyện người của công chúng lợi dụng sự nổi tiếng của mình mà đi nói xấu người khác thì hậu quả sẽ thế nào?! Từ người của công chúng trở thành nạn nhân của công chúng cũng chẳng quá xa.