Tôi thích diễn ở Việt Nam

Tôi thích diễn ở Việt Nam
TP - Nghệ sĩ kịch câm Iimuro Naoki khéo léo qua từng cử động cơ thể, những ngón tay uyển chuyển… Anh biết biến không gian vô hình thành hình khối. Không gian ấy được cất lên qua “tiếng gọi” của nghệ sĩ. Trước giờ biểu diễn chương trình “Thời khắc của kịch câm” (tại Nhà hát Tuổi trẻ - 9-3), Tiền Phong Chủ Nhật đã có cuộc trao đổi với anh.

> Kế Đoàn Dạy kịch câm cho học trò câm điếc
> Siêu phẩm kịch vũ ba-lê cuả dị nhân FPT

Anh đến với kịch câm như thế nào? Với môn nghệ thuật này, anh theo đuổi điều gì?

Iimuro Naoki: Tôi không nhớ rõ mình đến với kịch câm như thế nào, chỉ biết rằng, từ hồi còn nhỏ tôi đã yêu thích kịch câm khi thấy môn nghệ thuật này qua ti vi.

Tôi đã bắt chước và làm theo một cách thích thú. Khi 17 tuổi, tôi biết thầy Marcel Marceau là nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng của Pháp. Tôi xem biểu diễn của thầy và quyết định học tiếng Pháp để được học thầy.

Năm 19 tuổi, tôi đến Pháp và bắt đầu con đường nghệ thuật của mình. Đối với tôi, có nhiều cách biểu hiện mình, nhưng kịch câm là môn nghệ thuật dễ biểu hiện hơn các loại nghệ thuật khác. Nhờ kịch câm, tôi có thể đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc hơn, và tôi được gần với họ hơn, khiến trái tim của họ rung động.

Bằng cách ngắn gọn nhất, anh có thể định nghĩa về kịch câm?

Iimuro Naoki: Đó là môn nghệ thuật không được dùng ngôn ngữ để truyền đạt ý niệm. Vì không dùng ngôn ngữ nên việc dùng hình thể lại được giải phóng hơn.

Anh cảm nhận công chúng Việt Nam đón nhận nghệ thuật của mình như thế nào?

Iimuro Naoki: Qua những chuyến lưu diễn, tôi thấy phản ứng khán giả của mỗi nước, mỗi vùng khác nhau. Chẳng hạn, biểu diễn ở Philipin khác với Việt Nam, biểu diễn ở Osaka hay Tokyo (Nhật Bản) thì cũng có sự khác biệt.

Tôi thấy khán giả Việt Nam rất chăm chú xem. Đây là lần thứ ba tôi đến Việt Nam biểu diễn và tôi hiểu ra cách họ xem kịch câm, cách họ thích thú với biểu diễn của tôi. Khi tôi biểu diễn ở TP HCM, khán giả xem rất tập trung, chỗ nào vui họ cười, vỗ tay rất to. Tôi cảm giác khán giả hiểu tôi, phản ứng của họ đem lại cho tôi nhiệt huyết. Sau mỗi lần biểu diễn, tôi càng thấy thích biểu diễn ở Việt Nam.

Có thể, khi ra ngoài đường có ai đó nhận ra tôi chẳng hạn, tôi sẽ rất vui. Tôi hi vọng sẽ tiếp tục có cơ hội tới biểu diễn cùng các bạn.

Anh có thể giới thiệu một chút về chương trình mang tên “Thiên thần” công diễn lần này? Đâu là sự độc đáo của nó?

Iimuro Naoki: Chương trình biểu diễn lần này tại Hà Nội có 9 tiểu phẩm nhỏ. Tác phẩm “Thiên thần” nói về một nhân vật nam lặn sâu xuống dưới đáy biển đi tìm kho báu từ con tàu bị đắm. Trong quá trình xuống rất sâu có rất nhiều sự việc diễn ra… Nhưng có lẽ khán giả nên đến xem mới có thể thấy được sự độc đáo của nó. Tôi nghĩ khó có thể mô tả kịch câm bằng lời (cười).

Hiện nay nghệ thuật kịch câm đang gần như tàn lụi ở Việt Nam và gần như không có đất diễn. Anh nghĩ gì về hiện trạng này, tại Nhật Bản thì sao, thưa anh?

Iimuro Naoki: Ở Nhật, diễn viên diễn kịch câm cũng không nhiều, tôi thấy, kịch câm ở Việt Nam còn khó khăn hơn. Japan Foundation (Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại VN) đã mời tôi sang Việt Nam, tôi mong muốn rằng thông qua những buổi biểu diễn kịch câm của tôi khán giả sẽ biết đến một đất nước Nhật Bản không chỉ có văn hóa truyền thống mà còn có những môn nghệ thuật hiện đại. Khi nhiều người Việt đến xem kịch câm, tôi mong bộ môn nghệ thuật này sẽ phát triển hơn ở Việt Nam.

PV: Nếu như có thêm cơ hội đến Việt Nam, anh có nghĩ đến việc hướng dẫn nghệ thuật này cho lớp trẻ không?

Iimuro Naoki: Vừa qua, trong dịp biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, tôi có một workshop. Chúng tôi đã hướng dẫn kịch câm cho các bạn trẻ, những người thích kịch câm. Tôi còn hướng dẫn cho các bạn trường múa TP Hồ Chí Minh. Họ rất thích thú với kịch câm, học hết mình. Tôi cảm giác các bạn rất thích học, rất có đam mê, nhưng tiếc là thời gian hơi ít. Tại Hà Nội dịp này cũng có một Work shop, tôi mong rằng trong tương lai, sẽ được cùng các bạn trẻ VN biểu diễn.

Chương trình độc diễn của Iimuro Naoki nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, đánh dấu sự trở lại lần thứ 3 của anh. Naoki đã đoạt Huy chương vàng hạng mục Kịch câm Ngẫu hứng tại Delphic Games (2009) và Giải Đặc biệt trong cuộc thi Nghệ thuật Đường phố tại Kobe Biennale (2009).

Dã Huệ
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG