> Tấp nập chợ Viềng cầu may
> Đầu xuân chen chân ở Phủ Giầy
Biển người trẩy hội, bất cập tái diễn
Lễ hội chùa Hương mở mùng 6 tháng Giêng (tức 15-2) với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”. Đây lễ hội lớn nhất trong năm, kéo dài 3 tháng, mở màn cho chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng -Hải Phòng.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý khu Di tích danh thắng Hương Sơn kiêm Phó trưởng BTC lễ hội cho biết, trên năm vạn du khách thập phương đổ về dự lễ khai hội chùa Hương. Tính đến cuối ngày 17-2 (mùng 8 tháng Giêng) đã có 25 vạn du khách về trẩy hội. Ước tính lễ hội thu hút trên 1,5 triệu lượt du khách.
Trước ngày khai hội, không hiếm cảnh chèo kéo, mời chào khách đi đò, song lẻ tẻ hơn và chủ yếu diễn ra vào ngày vắng khách. Giá vé tham quan chung cho toàn khu di tích chùa Hương là 50.000 đồng/lượt, giá vé thuyền đò tuyến Hương Tích (tuyến chính) là 40.000 đồng/lượt.
Mùa hội này, khoảng 4.800 thuyền, đò được đưa vào phục vụ du khách. Không ít người phản ánh tình trạng các hàng, quán ăn “chém đẹp”. Một bát phở bò 50 ngàn đồng, có thời điểm 70 ngàn đồng. Các loại nước uống tăng gấp đôi, ba giá ngày thường. Tình trạng vứt tiền lẻ, rắc muối trắng vẫn diễn ra ở trước khu vực chùa, dẫu có giảm so với các năm trước.
Ngay chốn cửa Phật, việc bày bán và giết thịt các loại thú vẫn ngang nhiên. Nhím, sóc, hươu, nai, thỏ bị móc hàm, treo lủng lẳng bằng các móc sắt…trước các cửa hàng.
Dù từ cuối năm 2012, Bộ Y tế có công văn yêu cầu phải bảo quản, bày bán thịt trong tủ kính. Giá thịt nhím, sóc, hươu, nai, thỏ… bèo nhất cũng 400.000 đồng/đĩa. Gửi xe: 20.000 đồng/xe máy và 70.000 đồng/xe ôtô 5 chỗ…
Chỉ là thịt thú nuôi?
Liên quan đến việc giết mổ, bày bán thịt thú rừng như báo chí phản ánh, ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng, đấy chỉ là thú nuôi của các hộ dân ở địa phương mang đến bán.
Nhiều khách hàng để ý kỹ cho biết, người ta kéo dài mõm chó nhà trước khi thui và chặt chân để biến thành thịt hoẵng. Khách hàng bỏ tiền mua thịt nai nhưng nhìn kỹ là móng bê; còn cắt tai thỏ rồi thui vàng biến thành chồn đá.
Tại hội nghị triển khai công tác lễ hội năm 2013, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu BTC nghiêm cấm xẻ thịt, bày bán động vật hoang dã.
Trong dịp triển khai công tác chuẩn bị lễ hội, BTC cam kết xử phạt nghiêm các hộ vi phạm. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, BTC chưa công bố trường hợp vi phạm nào, thậm chí mới khai hội còn lấy lí do đầu xuân chưa xử phạt.
Về an toàn giao thông cho du khách, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng BTC lễ hội chùa Hương 2013 khẳng định, huyện đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa và lắp đặt hệ thống biển báo chỉ dẫn.
Đường giao thông từ Hà Đông về Hương Sơn tương đối thông thoáng, không còn ách tắc xuồng đò trên suối Yến và cũng không còn cảnh thiếu phương tiện đưa du khách vào chùa.
Ngoài 100 chiến sĩ công an huyện Mỹ Đức, có 72 cán bộ chiến sĩ thuộc công an TP Hà Nội được tăng cường cho mùa trẩy hội chùa Hương này.
Các điểm nóng tập trung đông du khách như ngã tư xã Hương Sơn, bến Yến, bến Thiên Trù, động Hương Tích, suối Giải Oan… đều có an ninh ứng trực, xử lý triệt để các trường hợp chèo kéo, mời chào khách đi đò, đảm bảo an toàn cho du khách.
Về vệ sinh môi trường, đã triển khai dọn vệ sinh lòng suối Yến; xây 13 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn từ bến Thiên Trù đến chùa Giải Oan; lắp ghép 3 nhà vệ sinh trong động Hương Tích đồng thời bố trí thùng rác tại các khu vực và bố trí lực lượng thu gom rác ở nhiều địa điểm.
Từ trước Tết nguyên đán, BTC lễ hội huy động hơn 80 người chuyên thu gom, phân loại rác đảm bảo môi trường tại lễ hội luôn sạch sẽ.
Ăn xin “bủa vây” Phủ Giầy Mùng 7 tháng Giêng (17-2), hàng vạn du khách đổ xô đi lễ Phủ Giầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định). Dọc tuyến đường vào Phủ Giầy, chợ Viềng, giao thông ùn tắc nghiêm trọng. Hàng trăm CSGT, công an được huy động để phân luồng nhưng không xuể. Ngoài lý do du khách và phương tiện đổ về quá đông còn bởi tình trạng bày bán thịt bò, cây cảnh, dụng cụ lao động hai bên đường. Thêm vào đó, ăn xin hoành hành trước khu vực vào Phủ Giầy. Có khoảng 50 ăn mày từ trẻ nhỏ đến người già, trai gái, tàn tật nằm la liệt giữa đường rất phản cảm. Lực lượng chức năng lo phân luồng đã rất vất vả nên việc xử lý nạn ăn xin còn khó khăn. Chợ Viềng bán rủi mua may hàng năm diễn ra trong cảnh dòng người nườm nượp. Cây cảnh và thịt bò trở thành món hàng được săn đón, coi như mua may mắn đầu năm. Giá mỗi cân thịt bò 300 ngàn đồng, xương bò 200 ngàn đồng. |