Có những kẻ cố tạo ra vỏ ngoài “dị”. Nhưng có những người lại “dị” từ… trong trứng. Nguyễn Văn Thao rơi vào trường hợp thứ hai. Chẳng thể khen hắn đẹp trai (không chê xấu đã là rộng lượng).
Vóc dáng nhỏ thó, gương mặt không một điểm cộng. Duy nhất chỉ có mái tóc để dài, buộc túm đuôi ngựa đằng sau khiến hắn phất phơ vẻ nghệ sỹ.
Hắn thường viết tắt tên mình là NVT, đơn giản thế thôi, chẳng sợ ai đó nhầm sang virus đình đám NTV của làng giải trí. Cũng như câu chuyện thời trang với hắn bao giờ cũng xa lạ. Thế mà hắn khoe: “Tôi đắt “sô” lắm nhé. Các buổi tối đều kín lịch”.
Nghe hắn nói bỗng thấy tín hiệu mừng, giữa thời sự ồn ào, khoa trương lấn át, lại vẫn có những khán giả chịu đến xem một kẻ không hề màu mè, mang tên Văn Thao, chơi nhạc. Tưởng lạ, hóa ra lại không. Bởi làm được những chuyện như hắn, chắc chỉ có “phù thủy”.
Hô biến inox thành sáo
Sáo ống, công trình của Văn Thao đã được đăng ký bản quyền tác giả hồi đầu năm. Hắn tự tin, rằng: “Đây là cây sáo không có phiên bản ở châu Á”.
Chưa kịp nghi ngờ, Thao đã kéo từ túi ra một loại nhạc cụ không lấy gì bắt mắt, đưa lên miệng, thổi say sưa giữa quán cà phê đông khách. Thanh âm thật quyến rũ, đúng kiểu “hàng độc”.
Thao kể: “Mất khoảng 4, 5 năm mới ra được bộ sáo ống. Thời bé tôi hay nghịch vỏ lựu đạn và các loại lọ, chai (thuốc) của mẹ. Khi mang thổi thì chúng phát ra âm thanh, tôi thích những âm thanh đó và nghĩ đến một ngày sẽ chế thành bộ có tổ chức, có khoa học hơn để chơi thành bản nhạc”.
Bây giờ, cây sáo ống đã trở thành “trợ thủ đắc lực” cho Văn Thao trong mỗi buổi biểu diễn. Tiếng sáo mang lại cho người nghe cảm giác thân thiện, dễ gần. So với sáo trúc, thanh âm của sáo ống thanh hơn, sang hơn (chắc do được làm từ kim loại?).
Đặc biệt nó có thể chơi bất kể thể loại âm nhạc nào: Nhạc cổ điển, nhạc dân tộc, jazz, rock, thậm chí có thể len chân vào nhạc thính phòng… Nói đùa với Thao: “Đặt tên sáo muôn điệu, chẳng hay hơn sáo ống à?”.
Văn Thao cười: “Cái tên chỉ để nhận biết, hay dở đâu quan trọng. Quan trọng là tính năng”. Hắn “bật mí” thêm, sáo ống có thể độc tấu được, “vì làm theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Đã mang sáo ống đến Cục bản quyền tác giả nhưng Thao vẫn thoáng lo âu cho sự an toàn của “đứa con”: “Có một nhóm đạo diễn người Pháp muốn đẩy sáo này “xuất khẩu” sang Châu Âu rồi sau đó mới “nhân giống” ở Việt Nam. Dự định này, tôi đang nâng lên đặt xuống, vì cho “đứa con” một mình xuất ngoại, liệu có mất?”.
Văn Thao âu lo cũng phải, hắn là “phù thủy” âm thanh nhưng không phải “phù thủy” trên thương trường. Câu chuyện “mất con” khi để chúng bơi ra biển lớn không còn là chuyện lạ.
Còn có một cách nữa “nâng tầm” sáo ống nhưng Văn Thao chưa có điều kiện thực hiện: Thay vì dùng inox, nếu dùng vàng, dùng đồng làm sáo thì âm thanh còn tuyệt nữa. Chắc phải chờ đến thời người làm nhạc được hưởng cát xê như ngôi sao ca nhạc, “phù thủy” mới mong biến điều ước này thành hiện thực.
Người ta đồn, Văn Thao còn trổ tài phù phép âm thanh trên trái dừa. Hắn cười: “Quả dừa có thể làm ra nhiều loại âm thanh”. Thao khai đã biến trống cổ điển thành trống chơi nhạc đương đại, biến đàn bầu phát ra âm thanh tha thiết thành một loại nhạc cụ đa năng: có khi là trống, có lúc là violon và vẫn có thể là cây đàn bầu nguyên trạng. Cứ đà này, có ngày Văn Thao sẽ biến cây đàn piano quý phái thành một loại nhạc cụ dân tộc cũng nên? Ai mà biết được.
Ban nhạc một người
Bố mẹ li dị khi hắn còn thơ dại. Là con trai duy nhất, Thao sống với mẹ ở Thanh Hóa từ nhỏ. Một nhạc công đám cưới đã dạy hắn những nốt nhạc đầu tiên.
Nhạc công vốn có đứa con học kém đã thách Thao: “Nếu mày giúp thằng bé giành điểm 10, muốn gì chú cũng chiều”. Thao đã làm được và đòi đền công bằng âm nhạc.
Nhưng chỉ nửa năm sau, nhạc công đám cưới cũng hết vốn dạy Thao… Năm 1997, Thao thi đậu Nhạc viện (nay là Học viện âm nhạc quốc gia). 7 năm trong trường, vừa học vừa mưu sinh, cuối cùng hắn quyết định bỏ học giữa chừng, chuyên tâm tôi luyện trong trường đời.
Đến bây giờ, điều Thao làm được khiến những người đào tạo bài bản cũng phải nể: Chơi được 12 nhạc cụ, từ hiện đại tới truyền thống. Nhạc cụ Thao mang theo thường “lấp” người.
“Bộ ba”: Guitar, kèn amonica, sáo ống không mấy khi vắng mặt trong mỗi đêm diễn của Thao, cùng với trống điện tử nữa, là vừa một “band”: “Có ban nhạc chơi cho đông vui còn một mình tôi có thể chơi thay ban nhạc”. (Tất nhiên hắn cũng “ẵm” luôn cát xê của cả ban nhạc).
Mỗi khi Thao nhập cuộc, toàn thân của hắn đều phải “lên tiếng”: Tay chơi guitar, miệng điều khiển amonica và sáo ống, chân chơi trống điện tử… Thao còn có thể hát.
Một vài tụ điểm âm nhạc gán cho hắn “mác” giọng ca vàng. Chẳng biết giọng ca Thao thuộc hàng “vàng” như quảng cáo, nhưng tôi tin vào sức quyến rũ mỗi khi hắn cất giọng.
Nếu những ai đã từng mê đắm tình khúc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên hẳn cũng sẽ bị giọng hát Văn Thao mê hoặc.
Rocker Trần Lập đã quá khen “người đẹp” Bảo Anh trong The Voice khi nói: Kỹ thuật có thể học, còn cảm xúc là thứ không ai có thể dạy. Tất nhiên Trần Lập bị “ném đá”, vì người đẹp của anh chưa xứng tầm được khen như thế.
Tiếc là, Văn Thao đã không thi The Voice, để “cướp” lời khen ấy, “đỡ đạn” cho Trần Lập. Bởi chất gây nghiện trong giọng hát Văn Thao là cảm xúc. Nền tảng của cảm xúc không sản sinh từ bản năng, mà bằng tư duy.
Chẳng ai có thể nhập tâm với “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” của Trịnh, nếu như không đọc chút ít về Phật giáo. Sở thích ngoài âm nhạc của “phù thủy” chính là đọc sách. Loại sách hắn mê lại là triết học, Phật giáo và thi ca.
Thích ngẫu hứng
Thao hay chơi nhạc ứng tác, ngẫu hứng, thích đặt mình vào cảm giác khó, không có sự dàn dựng, bài vở. Cứ vào cuộc, hắn nghĩ giai điệu và chơi luôn. Chơi điên loạn khiến nhạc cụ nếu biết nói, cũng phải kêu đau.
Chính sự ngẫu hứng ấy đã mang lại sự thăng hoa cho khán giả. Rõ ràng, hắn không muốn làm nghệ thuật an toàn kiểu như “đi từ cây cầu này, sang cây cầu bên kia”.
Mà muốn lúc ẩn, lúc hiện: “Cuộc sống của tôi cũng thất thường, nay đây mai đó, âm nhạc cũng thế. Nhiều lúc tôi mất thăng bằng về mặt cảm xúc.
Ngày tết cứ đi lang thang chuyển từ chuyến xe này sang chuyến xe khác, tới chuyến xe cuối cùng, chẳng biết đi về đâu, cuối cùng đón tết với người không quen biết”.
Mỗi năm, hắn dành vài tháng cho ngao du, lúc lên Tây Bắc, lúc vào Tây Nguyên, về Tây Nam bộ để tìm hiểu lối sống, văn hóa, âm nhạc vùng miền.
Nhiều nghệ sỹ muốn Nam tiến để phát triển sự nghiệp âm nhạc. Còn Thao nhất định ở lại Hà Nội vì “tôi yêu Hà Nội rồi”. Hắn tỏ ra lạc quan: “Khi có giá trị, sẽ có người tìm đến với mình, như bông hoa có hương, ắt ong bướm sẽ đến”.
Nói về chuyện áo cơm, hắn khai: “Tôi chơi nhạc và làm tất cả những gì xã hội cần, để mưu sinh, để mua những gì không quá đắt và theo đuổi lí tưởng của mình”.
Ban ngày, hắn đi dạy nhạc, ban đêm chơi nhạc ở quán bar hoặc tụ điểm âm nhạc nào đó… Lý tưởng của hắn không hề cao xa, chỉ giản dị là: “Chơi nhạc theo trái tim mách bảo”. Những gì từ trái tim sớm hay muộn cũng sẽ đến được với mọi trái tim.
Những nhạc cụ cách tân, thường được Thao chơi trong âm nhạc thể nghiệm của một số nghệ sỹ như Đào Anh Khánh, Vũ Nhật Tân, Ngọc Đại… Nguyễn Văn Thao từng tham gia Nhịp cầu âm thanh, Liên Hoan nghệ thuật đường phố Hà Nội…
Gã cũng say mê mảng nhạc phim, đã góp mặt trong bộ phim tư liệu của Pháp Người từ cõi chết trỗi dậy, bối cảnh quay ở Lào.
Tôi chơi nhạc và làm tất cả những gì xã hội cần, để mưu sinh, để mua những gì không quá đắt và theo đuổi lí tưởng của mình”. |
Sắp ra đĩa nhạc Lâu nay, Văn Thao còn sáng tác, hắn đã có trong tay trên 20 ca khúc, dự định ra đĩa trong tương lai gần. Đa phần sáng tác của Thao đều hướng Việt, từ nội dung tới hình thức. Hắn viết về Tây Bắc, về chàng Đam San trong sử thi, về biển cả... Tác giả của câu hát quen thuộc Nơi anh đến là biển xa…, nhạc sỹ Thế Song, đã từng dành không ít lời ngợi khen tác phẩm của hắn. Thao thường chia sẻ sáng tác với những nhạc sỹ trẻ như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Đức Cường… Cùng thế hệ với Nguyễn Đức Cường, nhưng Thao không cất nổi những câu hát tươi vui rộn ràng như Cường: “Nếu như ngày anh bước đến. Vì anh đã yêu thương em. Hãy nói với em chân tình. Trái tim đừng làm em bối rối…”. Văn Thao có vẻ già hơn so với năm sinh 1982 của hắn: “Em ơi, mình yêu nhau đi khi trái đất còn quay. Cả cát bụi trong hư vô cũng có mang linh hồn. Còn hai con mắt nhìn người khổ đau, nhìn đời buồn vui…” |